Nữ xế lái taxi gây tai nạn làm 3 người chết đối diện án phạt nào?

Google News

(Kiến Thức) -  Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, hành vi uống rượu, bia của nữ tài xế lái xe taxi Đỗ Thục Hân khi tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm bị pháp luật nghiêm cấm.

Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ tai nạn giao thông nữ xế lái xe taxi gây tai nạn làm 3 người chết, 4 người bị thương - Đỗ Thục Hân (23 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), xảy ra trên quốc lộ 20 (đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), chiều ngày 4/1/2019, Thượng tá Lê Thái - Trưởng công an huyện Đức Trọng cho báo giới biết, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Thục Hân về hành vi ”Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo Thượng tá Lê Thái, Hân đang bị thương và điều trị tại bệnh viện nên đơn vị chưa bắt tạm giam. Khi nào Hân có sức khỏe tốt đơn vị sẽ lập biên bản tạm giữ đối với người này.
Nu xe lai taxi gay tai nan lam 3 nguoi chet doi dien an phat nao?
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, cảnh sát đã tiến hành đo nồng độ cồn đối với nữ xế taxi Đỗ Thục Hân. Kết quả cho thấy nồng độ cồn của Hân là  1.108 mg/1 lít khí thở.
Bước đầu cảnh sát cho hay, vụ việc xảy ra vào tối ngày 1/1/2019, Hân lái taxi mời nhóm bạn đến một nhà hàng ở thị trấn Liên Nghĩa dự tiệc sinh nhật của mình. Tại đây, Hân cùng cả nhóm uống rượu, bia, sau đó cô gái 23 tuổi này đã điều khiển taxi chở nhóm bạn 5 người về nhà ở xã Ninh Gia.
Đến khoảng 23h10 cùng ngày, chiếc taxi chạy đến km198+200, quốc lộ 20 đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa, thì va chạm với xe máy do anh Nguyễn Văn Huy (30 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng) điều khiển cùng chiều phía trước.
Đâm vào xe máy xong, chiếc taxi tiếp tục lao thẳng về trước đâm trúng cây xanh bên lề đường rồi lật ngửa.
Tai nạn đã làm 3 người ngồi ghế sau taxi tử vong gồm: Lê Văn Cường (23 tuổi), Lê Kim Thành Tuấn (30 tuổi) và Nguyễn Xuân Phi (39 tuổi, cùng ngụ tỉnh Long An). Hân và hai vợ chồng Nguyễn Ngọc Hồng Lụa (23 tuổi) và Hồ Trọng Hùng (23 tuổi) bị thương nhẹ.
Riêng anh Nguyễn Văn Huy bị thương nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ngay sau đó, cảnh sát đã tiến hành đo nồng độ cồn đối với Hân, kết quả là 1.108 mg/1 lít khí thở. Kiểm tra hộp đen, khi xảy ra tai nạn, taxi chạy với tốc độ 107 km/h.
Nữ xế taxi đối diện hình phạt 15 năm tù
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, bày tỏ quan điểm với PV Kiến Thức luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, hành vi uống rượu, bia của nữ tài xế lái xe taxi Đỗ Thục Hân khi tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm bị pháp luật nghiêm cấm.
“Theo thông tin báo chí đăng tải thì đến thời điểm hiện tại, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, khởi tố bị can Hân. Việc khởi tố sẽ là căn cứ để lực lượng chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của nữ xế taxi và nhanh chóng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật’ -, luật sư Bình chia sẻ.
Nu xe lai taxi gay tai nan lam 3 nguoi chet doi dien an phat nao?-Hinh-2
 Luật sư Bình nhấn mạnh: "hành vi uống rượu, bia của nữ tài xế lái xe taxi Đỗ Thục Hân khi tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm bị pháp luật nghiêm cấm".
Theo luật sư Bình, tội ”Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” sẽ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Luật sư Bình cho biết, thời điểm nữ xế Hân lái xe đã sử dụng rượu, bia sẽ bị xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại Điểm a, Khoản 9 Điều 5 về "Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ" quy định: "Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: (a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở".
Ngoài ra, người lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.
Tuy nhiên trong vụ việc này, nữ lái xe taxi đã điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả rất nghiêm trọng (làm 3 người chết, 4 người bị thương) nên có thể sẽ phải đối diện với hình phạt được quy định tại điểm a, b khoản 3 điều 260 Bộ luật Hình sự hiện hành:
Cụ thể, làm chết 03 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Ai chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc, lái xe là người gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nhân. Nhưng để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại, trong trường hợp lái xe không có khả năng bồi thường, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, “chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, lái xe và chủ phương tiện (chủ sở hữu) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho các nạn nhân.
Căn cứ Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã quy định:
1. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
a) Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.
b) Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.
c) Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
d) Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).
Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
đ) Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Luật sư Thơm cho rằng, trong vụ việc này, cần làm rõ ai chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) để có căn cứ liên đới bồi thường cho các nạn nhân.
Mạnh Hưng

>> xem thêm

Bình luận(0)