Nộp lại 2 tỷ từ Việt Á, CBYT Phú Thọ có phạm tội nhận hối lộ?

Google News

Dư luận đặt câu hỏi trường hợp một cán bộ y tế ở Phú Thọ nhận 2 tỷ tiền hoa hồng từ Việt Á nhưng đã nộp lại… có phạm tội nhận hối lộ?

Thanh tra tỉnh Phú Thọ xác định Trần Gia Phú - Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã nhận của cán bộ Công ty Việt Á số tiền "hoa hồng" 2 tỷ đồng thông qua tài khoản của cá nhân ông Phú và tài khoản của bố vợ ông Phú.
Đáng chú ý, việc nhận số tiền “hoa hồng trên”, ông Trần Gia Phú không báo cáo lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế. Đến ngày 25/1, khi đoàn thanh tra phát giác việc nhận tiền, ông Phú mới tường trình và nộp lại hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm này, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hối lộ liên quan đến Công ty Việt Á, khởi tố bị can, bắt giữ nhiều cán bộ y tế nhận tiền lót tay của Việt Á.
Nop lai 2 ty tu Viet A, CBYT Phu Tho co pham toi nhan hoi lo?
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của ông Trần Gia Phú có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ. Bởi theo quy định, cơ quan, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết, hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được, người nhận quà phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Luật sư Cường phân tích, trong kinh doanh, khái niệm tiền "hoa hồng", tiền "lót tay", "bôi trơn" là khoản tiền ngoài chi phí chính thức trong các mối quan hệ hành chính, kinh doanh thương mại. Đây cũng là khoản tiền thường phát sinh trong mối quan hệ hành chính, đây có thể là "quà tặng", tiền "cảm ơn", cũng có thể là "tiền đưa hối lộ" để công việc được suôn sẻ, thuận lợi, theo ý của người đưa tiền.
Trong mối quan hệ hành chính giữa người có chức vụ quyền hạn đối với tổ chức cá nhân, việc nhận tiền, nhận quà dưới mọi hình thức đều là nhận tiền qua trái quy định. Nếu việc nhận tiền, tài sản đó có kèm theo thỏa thuận thực hiện công việc của người đưa tài sản, đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất khi số tiền, quà, lợi ích vật chất đó trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên.
Trong mối quan hệ hành chính đòi hỏi người thực thi công vụ phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, phải chí công vô tư, không về thân hữu, lợi ích mà làm trái công vụ. Nếu người thi hành công vụ thiếu bản lĩnh, thiếu đạo đức, coi nhẹ phẩm chất thanh danh của mình, có thể bị tổ chức cá nhân mua chuộc, biến thành công cụ để phục vụ cho lợi ích cá nhân chứ không phải là thực hiện công việc vì nhiệm vụ công.
Do đó, dưới góc độ pháp lý, hành vi của người có chức vụ quyền hạn mà thỏa thuận với người khác để đánh đổi lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất lấy hoạt động công vụ vì lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Hay nói cách khác là thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo yêu cầu của người đã đưa lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích là người nhận hối lộ còn người đưa lợi ích vật chất để được thực hiện công việc là người đưa hối lộ.
Theo quy định về tội Nhận hối lộ quy định rõ tại điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi nhận hối lộ chính là hành vi của người có chức vụ quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận lợi ích của tổ chức cá nhân và thực hiện công việc, nhiệm vụ, công vụ công theo yêu cầu của họ, bất kể nhiệm vụ công vụ đấy là đúng pháp luật hay không.
Ví dụ, nhận tiền để cho doanh nghiệp trúng thầu, vi phạm quy định về đấu thầu. Nhận tiền để phê duyệt dự án, giao dự án cho doanh nghiệp; nhận tiền để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp; người có chức vụ quyền hạn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm đã nhận tiền để bỏ qua sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp...
Tội nhận hối lộ chỉ áp dụng với người có chức vụ quyền hạn và lợi ích nhận hối lộ ở đây có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất nhưng nếu là lợi ích vật chất thì phải trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, hành vi nhận hối lộ phải là sự thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp giữa người có chức vụ quyền hạn với người đã đưa lợi ích đó. Hành vi thỏa thuận phải có trước thời điểm thực hiện công vụ, nhiệm vụ còn việc nhận lợi ích vật chất có thể nhận trước hoặc nhận sau, nhận trực tiếp hoặc nhận gián tiếp. Hành vi chỉ cấu thành tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ nếu như có sự thỏa thuận "giá cả" của việc thực hiện một công việc theo yêu cầu...
Nop lai 2 ty tu Viet A, CBYT Phu Tho co pham toi nhan hoi lo?-Hinh-2
 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
Trường hợp trong mối quan hệ giữa người có chức vụ quyền hạn đối với các tổ chức cá nhân mà có việc tổ chức cá nhân chuyển giao tài sản hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để chứng minh có sự thỏa thuận trước đó thì không thể xử lý về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, trong trường hợp này thì có thể chỉ là hành vi nhận quà trái quy định.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ cán bộ, công chức không được nhận quà dưới mọi hình thức trong nhiều trường hợp.
Vụ án xảy ra tại Việt Á, đến nay, cơ quan điều tra cho biết, công ty Việt Á đã chi phí khoảng 800 tỷ đồng để "lót tay" cho nhiều cán bộ ở nhiều địa phương để được bán kit, test xét nghiệm của Việt Á cho các địa phương này. Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các cán bộ có sự thỏa thuận ăn chia, thỏa thuận chi phí một khoản tiền nhất định để giao dịch mua kit, test xét nghiệm COVID-19, đây là hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ. Cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 354 và điều 364 bộ luật hình sự.
“Đối với các cán bộ ở CDC Nam Định hay cán bộ y tế Phú Thọ trên hoặc ở các địa phương khác, nếu có căn cứ cho thấy các cán bộ này đã nhận tiền của công ty Việt Á, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc nhận tiền này được thực hiện như thế nào, có sự "thỏa thuận" về việc đưa tiền hay không. Nếu đã có sự thỏa thuận giữa đại diện của doanh nghiệp với cán bộ ngành y tế về việc nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của công ty Việt Á, đây là hành vi nhận hối lộ. Do đó, ngoài các tội danh bị khởi tố, hành vi nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp sẽ là hành vi nhận hối lộ”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt quả tang thiếu úy Công an nhận hối lộ của người ghi đề:

(Nguồn: THĐT).


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)