Nóng tranh luận thông báo kết quả nhiễm HIV cho người chuẩn bị kết hôn

Google News

(Kiến Thức) - Quy định buộc người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết là “phù hợp để triển khai được các hoạt động phòng, chống AIDS trong tình hình mới”.

Sáng 23/10, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Nong tranh luan thong bao ket qua nhiem HIV cho nguoi chuan bi ket hon
 Quang cảnh phiên thảo luận.
Thông báo kết quả nhiễm HIV cho người chuẩn bị kết hôn là cần thiết
Một trong những điểm mới của dự thảo là bổ sung thêm điểm b, khoản 2, Điều 4 về Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV: Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây: Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng; người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc mở rộng đối tượng để tiếp cận được thông tin người bị nhiễm HIV/AIDS là vấn đề cực kỳ quan trọng mà luật hiện hành chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Trong thời gian qua, phải nói rằng những người nhiễm HIV/AIDS có những người thân, thậm chí người thân trong gia đình, những người tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS nhiều khi người ta cũng chưa biết người này bị nhiễm hay không hoặc những người thân cận của người này có bị nhiễm hay không”.
Nong tranh luan thong bao ket qua nhiem HIV cho nguoi chuan bi ket hon-Hinh-2
 Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Do đó, đại biểu Hòa cho rằng, việc tiếp cận được thông tin đối với người nhiễm HIV/AIDS của Điều 30 và những nội dung của khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, những đối tượng này được tiếp cận thì tôi cho hết sức cần thiết. Ví dụ như cha mẹ, vợ và người chuẩn bị đăng ký kết hôn, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người chăm sóc trực tiếp về y tế cũng như những người tham gia tư vấn cho đối tượng này tôi nghĩ cần thiết phải biết.
Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) nhấn mạnh việc thông báo không kịp thời, chậm, sẽ làm mất cơ hội ngăn chặn sự lây nhiễm, do đó nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải “‘thông báo ngay” cho các đối tượng nêu trên theo quy định.
Nong tranh luan thong bao ket qua nhiem HIV cho nguoi chuan bi ket hon-Hinh-3
 Đại biểu Lê Quang Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh góp ý: “Thực tiễn chỉ rõ những người dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, dụng cụ bấm lỗ tai, dụng cụ xăm, thậm chí dùng chung dụng cụ y tế cũng có khả năng lây nhiễm cao. Để phòng tránh lây nhiễm, theo tôi tại điểm b khoản 2 Điều 4 của dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng được thông báo là người có hành vi sử dụng chung dụng cụ có khả năng lây nhiễm HIV, cụ thể như sau: "điểm b. thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục, người có hành vi sử dụng chung dụng cụ khả năng lây nhiễm HIV hoặc người chuẩn bị kết hôn với người mình biết theo quy định của pháp luật".
Vẫn còn những băn khoăn?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, tại khoản 2 Điều 4 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của người nhiễm HIV, trong đó có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ/chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Mẫn cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ “người có quan hệ tình dục với mình” có thể dẫn đến cách hiểu không chính xác, người nhiễm HIV chỉ có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính đối với người đã có quan hệ tình dục với họ trong trường hợp họ đang chuẩn bị quan hệ tình dục với người khác, tức chưa có quan hệ tình dục thì họ sẽ không có nghĩa vụ này”.
Nong tranh luan thong bao ket qua nhiem HIV cho nguoi chuan bi ket hon-Hinh-4
 Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa).
Do đó, nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh tình trạng bỏ lọt hành vi cố ý lây truyền HIV từ người nhiễm HIV, đại biểu Mẫn cho rằng, điểm b khoản 2 Điều 4 dự thảo luật cần được sửa đổi như sau: “thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ/chồng, người đang chuẩn bị hoặc đã có quan hệ tình dục với mình hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tính với dự thảo nhưng ông đề nghị cần phải làm rõ căn cứ xác định người chuẩn bị kết hôn là như thế nào, cần giấy tờ gì để chứng minh là người chuẩn bị kết hôn vì hiện tại pháp luật chưa quy định như thế nào là người chuẩn bị kết hôn.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu người chuẩn bị kết hôn thì rất nhiều, có người chuẩn bị 2-3 năm chưa kết hôn, có người chưa chuẩn bị gì cả nhưng cần phải kết hôn ngay.
"Bây giờ “người chuẩn bị kết hôn” là người như thế nào, có nhiều người đăng ký kết hôn nhưng lại không tổ chức kết hôn. Chỗ này phải nói rõ người chuẩn bị kết hôn là người đăng ký kết hôn hay như thế nào, chỗ này cần phải làm rõ nếu không khi áp dụng vào thực tiễn quan điểm sẽ khác nhau", - đại biểu Bình nêu ý kiến.
Giải trình trước Quốc hội, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giải thích, cho đến thời điểm hiện nay theo báo cáo chung của Bộ Y tế thì số lượng người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đã tăng từ 40% năm 2011 lên tới 70% vào năm 2019.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, quy định buộc người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết là “phù hợp để triển khai được các hoạt động phòng, chống AIDS trong tình hình mới”.
Có nên bỏ Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV
Tại dự án luật này, Chính phủ đề xuất bãi bỏ Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Việc bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV tại Điều 44 của Luật hiện hành, Chính phủ cho biết không ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do việc điều trị HIV/AIDS đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hoặc ngân sách nhà nước đảm bảo cho một số đối tượng quy định tại Điều 39 sửa đổi, bổ sung.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) nêu thực tế, hoạt động của Quỹ còn gặp một số khó khăn bởi Quỹ được Bộ Y tế xác định là đơn vị sự nghiệp nhưng không nêu rõ loại hình, không có chỉ tiêu viên chức mà cán bộ đều kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian tham gia. Mặt khác Quỹ không có khả năng thu hút nguồn lực, năng lực làm việc chuyên trách và phạm vi, mức độ tài trợ hạn hẹp trong cộng đồng và xã hội. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, việc duy trì một Quỹ ngoài ngân sách để phục vụ hỗ trợ người nhiễm HIV như quy định của Luật hiện hành là không cần thiết.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) chỉ rõ, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nhiễm HIV và bảo đảm người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc hỗ trợ thanh toán, xét nghiệm, điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. Các địa phương cũng hỗ trợ chi phí thuốc cho người HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm thông qua Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo. Hơn nữa, qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng các quỹ tài chính ngân sách trong và ngoài nước giai đoạn 2013 - 2018 thì Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV là không đáng kể.
Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội không đồng tình với đề xuất này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, hiện nay nguồn lực dành cho công tác phòng, chống AIDS, đặc biệt nguồn viện trợ quốc tế liên tục giảm thì việc huy động nguồn nội lực là rất quan trọng.
“Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS. Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc bãi bỏ quỹ này”, bà Thúy Anh nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy nã phạm nhân nhiễm HIV

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)