Vượt lên HIV

Google News

26 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam năm 1992, có một cuộc chiến vẫn âm ỉ với những đau đớn, nghiệt ngã của cả người trong cuộc lẫn những người ngoài cuộc.

Bạn trẻ tham dự cùng buộc dải băng đỏ trên cổ tay, thể hiện ủng hộ đồng hành cùng những người nhiễm HIV tại lễ trao giải Dải băng đỏ, dành cho những người có cống hiến cho phong trào phòng chống HIV ở Việt Nam, tổ chức tại TP. HCM ngày 1-12-2017 - Ảnh: PHONG NGUYỄN. 
Đứng trên sân khấu tại TP.HCM nhận giải người nhiễm tuân thủ điều trị tốt của giải thưởng Dải băng đỏ 2017 của Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+) trong Ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12 là hai người phụ nữ tươi tắn, rạng rỡ và đầy tự tin.
Họ là 2 trong 7 gương mặt được trao giải thưởng Dải băng đỏ vì những nỗ lực cống hiến cho người nhiễm HIV.
Sống đời bình thường
13 năm trôi qua, từ một người phụ nữ bình dị ở làng quê Yên Bái, chị Ngô Liên (34 tuổi) trở thành một nhà hoạt động xã hội, "thủ lĩnh" của nhiều tổ chức cho người nhiễm HIV, hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm.
Chị hiện là trưởng ban điều hành mạng lưới Hoa hướng dương của hơn 1.000 phụ nữ nhiễm HIV 7 tỉnh phía Bắc, điều hành Liên minh hỗ trợ tuân thủ điều trị dành cho người sống chung với HIV (SATA+).
Cuộc đời chị đã từng giống như một nhân vật trong một bộ phim bi thảm với những đau đớn, tuyệt vọng tưởng như không còn có thể sống tiếp.
"Ngày tôi phát hiện chồng nghiện ma túy rồi biết mình nhiễm HIV là ngày đáng sợ nhất. Tôi không muốn sống. Con gái tôi lúc đó đang học lớp mẫu giáo 3 tuổi. Nhưng trong bất hạnh cùng cực nhất cuộc đời tôi lại có may mắn lớn nhất là con không nhiễm. Tôi cố gắng bỏ mặc mọi ánh nhìn kỳ thị lo làm ăn buôn bán để nuôi con" - chị kể.
"Khi bắt đầu làm công việc chia sẻ, giúp đỡ người khác, tôi cố gắng học hỏi, tìm hiểu về căn bệnh của mình, tích cực điều trị thuốc ARV và giúp đỡ những chị em đồng cảnh ngộ. Tôi dần tìm lại được cân bằng cho chính mình. Công việc của tôi được người thân và nhiều người xung quanh biết đến và đến giờ tôi sống một cuộc đời bình thường như bao người khác" - chị tâm sự.
Chị Ngô Liên phát biểu khi nhận giải trên sân khấu’ - Ảnh: VŨ THỦY.
Sống lại lần nữa và muốn sống tiếp
Khác với chị Ngô Liên, chị Ngô Thị Mộng Linh (38 tuổi, quê Vĩnh Long) - người thứ hai được vinh danh giải cống hiến của giải thưởng Dải băng đỏ 2017 đã trải qua một vòng xoáy khi biết mình nhiễm HIV năm 22 tuổi, lúc biết đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ với người chồng đầu tiên.
Chị ly hôn chồng, trượt dài với ma túy trong tuyệt vọng. Nhưng hôm nay, những ngày tháng đầy sóng gió đã ở lại phía sau.
Hôm nhận giải, đứng trên một sân khấu lớn với ánh mắt của một người đàn ông yêu thương chị dõi theo phía dưới, chị không khỏi nghẹn ngào, xúc động.
"Năm 2009, sau hai năm sống trong sợ hãi vì biết mình nhiễm HIV, tôi tìm đến nhóm tự lực Bạn tôi và chúng ta, bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng, tư vấn, hỗ trợ xét nghiệm, điều trị HIV.
Năm 2012 tôi thành lập nhóm tự lực Bình Minh Đêm, hỗ trợ chị em bán dâm, anh chị em nghiện ma túy và con em của họ. Năm 2015 tôi tự hào trở thành 1 trong 3 người tuân thủ điều trị tốt tại giải thưởng Dải băng đỏ. Giờ đây tôi cảm thấy như được sống lại lần nữa" - chị kể.
Ngoài công việc hỗ trợ anh chị em có HIV, chị Linh làm việc hành chính tại một siêu thị và may mắn sống trong yêu thương của người chồng thứ hai "âm tính" và con gái nay đã 17 tuổi.
Mỗi buổi tối cơm nước xong, hai vợ chồng chị chở nhau ra "điểm nóng" hỗ trợ cho anh chị em có nguy cơ cao, trò chuyện, hướng dẫn họ xét nghiệm HIV, xét nghiệm viêm gan B, C...
"Quá khứ không thể xóa bỏ nhưng tôi đã nỗ lực làm lại chính mình. Hiện giờ tôi cảm thấy rất vui và muốn sống tiếp. 17 năm nhiễm HIV, con chính là động lực để tôi tiếp tục đồng hành làm công tác xã hội vì con tự hào khi biết tôi làm công việc giúp đỡ người khác" - chị chia sẻ.
Không giống với những gì đáng sợ mà người ta mường tượng về HIV, chị Ngô Liên và chị Mộng Linh đều đang sống đầy lạc quan, tích cực theo điều trị và duy trì lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện - nghĩa là các xét nghiệm không phát hiện được virút HIV trong cơ thể và họ có thể trạng như bao người bình thường khác, khả năng lây nhiễm cho người khác được giảm tới mức tối thiểu.
Chị Ngô Thị Mộng Linh nhận giải thưởng - Ảnh: PHONG NGUYỄN. 

Cuộc chiến ngày hôm nay
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (tháng 12 hằng năm), những báo cáo về HIV đều thể hiện những con số tích cực khi "suy giảm đáng kể số lượng người nhiễm mới, số lượng tử vong do HIV, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con".
Nhưng cuộc chiến HIV vẫn còn đầy những nghiệt ngã, quyết liệt mà rào cản lớn nhất là sự kỳ thị, "một mảng tối đáng sợ cần nhiều hơn nữa sự chia sẻ, yêu thương, sự đồng cảm của mọi người".
Là đại diện Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+), anh Nguyễn Anh Phong - người đã khởi xướng giải thưởng Dải băng đỏ tôn vinh người cống hiến cho cộng đồng, người có HIV, đồng thời cũng là "tổng đài khẩn cấp" mà nhiều người nhiễm tìm đến.
Những dòng nhật ký tư vấn của anh chia sẻ hằng ngày vẫn đầy những số phận, những câu chuyện đau lòng, những cái chết vì HIV. Nhưng anh Phong vẫn miệt mài, đều đặn làm công việc thầm lặng hỗ trợ những người mà người trong nghề vẫn gọi là "người có hành vi nguy cơ cao".
Mỗi tuần vài bận, chị Đỗ Thụy An My (ngụ Q.4, TP.HCM) điều hành Liên minh hướng đến tương lai hỗ trợ các chị em hành nghề mại dâm và người tiêm chích (có trụ sở tại Q.4) cùng chồng - vốn là người nghiện hút ma túy đã cai nghiện thành công - tìm đến những quán cà phê, những tụ điểm của các chị em hành nghề để phát bao cao su, hướng dẫn họ đi xét nghiệm HIV và trở thành chỗ dựa tinh thần khi chẳng may kết quả là dương tính.
Liên minh còn lập một quỹ đóng góp hằng tháng, với mục tiêu "các anh uống methadone góp tiền hằng ngày để cuối tháng có tiền trả tiền thuốc, chị em hành nghề có tiền để trả tiền nhà, khám sức khỏe...".
"Phần đông các chị em từ những vùng quê nghèo lên mưu sinh, có chị giấu chồng đi làm để gửi tiền về quê nuôi con, người còn không biết chữ, người còn chẳng có mảnh giấy tùy thân để tự làm thủ tục...
Chúng tôi giúp bảo lãnh để họ được đi xét nghiệm và được đưa vào chăm sóc, điều trị HIV bằng thuốc ARV ở những phòng khám cộng đồng nếu chẳng may bị lây nhiễm" - chị My kể.
Là "người ngoài cuộc" làm công việc hỗ trợ người có nguy cơ bị nhiễm HIV bằng yêu thương và sự tận tâm, chị An My cũng trở thành 1 trong 7 gương mặt được trao giải thưởng Dải băng đỏ 2017.
Cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS của họ vẫn rất chông gai, nhưng bây giờ đã đỡ nhọc nhằn hơn do nhận được nhiều chia sẻ chứ không còn giống như trước chỉ là bí mật hay đơn độc...
HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng
 

Số người nhiễm, bệnh nhân và người chết vì AIDS giảm qua các năm Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Theo đánh giá của Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.
Số trường hợp tích lũy nhiễm HIV tiếp tục tăng cao, trên 200.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm vẫn có 10.000 người nhiễm mới HIV và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.
Báo cáo quý 3-2017 tiếp tục ghi nhận 9 năm liên tiếp giảm số phát hiện mới, số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong do AIDS. Tuy nhiên dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, những nơi được đầu tư mạnh của các tổ chức quốc tế vẫn còn có thể phát hiện thêm nhiều người nhiễm HIV.
Tính đến tháng 9-2017, số người nhiễm HIV hiện còn sống được báo cáo là hơn 208.000 người, tuy nhiên số quản lý chỉ khoảng 80%, số người tử vong do HIV/AIDS tính đến nay gần 92.000 người. Lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỉ trọng chính (58%) trong lây truyền HIV, trong đó tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ đồng tính nam) ở mức cao 7,36%.
Dự báo vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao do đó rất khó phát hiện sớm, các trường hợp này thường chẩn đoán muộn giai đoạn AIDS.
Thế giới sẽ không còn sợ HIV/AIDS trước 2030
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến cuối năm 2016, 36,7 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS trên toàn thế giới, gần 1 triệu người đã chết vì các căn bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Châu Phi hạ Sahara là khu vực bị virút này hoành hành nhiều nhất, cứ mỗi 25 người trưởng thành thì có 1 người nhiễm HIV/AIDS.
Tuy nhiên, những tiến bộ của y học và nỗ lực chung tay của cộng đồng quốc tế đang ngày càng giúp kéo giảm tỉ lệ lây nhiễm và chết vì HIV/AIDS. Số người được tiếp cận các phương pháp điều trị antiretroviral (ARV) trong năm 2016 là 19,5 triệu trong tổng số 36,7 triệu người.
Hôm 1-12, kỷ niệm 30 năm cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đặt mục tiêu đến năm 2030 HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa lớn đối với cộng đồng.
Theo UNAIDS, thách thức đặt ra lúc này là làm sao để 16 triệu bệnh nhân còn chưa được điều trị, trong đó có khoảng 919.000 trẻ em có thể được tiếp cận các phương pháp điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị mới vẫn đang được thử nghiệm, bao gồm cả việc tiêm thuốc mỗi 6 lần/năm thay cho việc uống thuốc như trước.
BẢO DUY
Theo Vũ Thủy/Tuổi trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)