|
Bà Bùi Thị Một trồng cải thay diện tích khổ qua bị hư hại |
Tại "rốn lũ” huyện Đại Lộc, mưa lũ làm 2 người chết, hơn 1.000 héc ta rau, màu bị ngập nước. Bà con phải gom từng hạt giống rau gieo ươm để kịp thu hoạch bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Tờ mờ sáng, vợ chồng bà Bùi Thị Một ở thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tất tả ra đồng. Tay bưng rổ cải giống, tay xắn quần lội bùn, bà Một than vắn thở dài: mới tuần trước, hai vợ chồng nhẩm tính, với 3 sào khổ qua, dưa leo, Tết này chí ít gia đình cũng thu hoạch được vài chục triệu đồng. Vậy mà chỉ qua trận lụt, cánh đồng Bàu Tròn nước ngập gần 2 mét nhấn chìm toàn bộ rau màu của vợ chồng bà và hơn 47 héc ta của nông dân nơi đây. Bà Bùi Thị Một cho rằng, không biết trồng lại loại rau gì cho kịp thu hoạch bán dịp Tết nên đành phải trồng cải.
Bà Bùi Thị Một cho biết: “Già rồi, 2 vợ chồng làm gì đây, thử hỏi đầu tư biết bao nhiêu mà hư hết. Thủy điện xả từ từ, chứ xả nhanh quá, dồn lại xả 1 lần, dân chịu không nổi. Thôn Bàu Tròn mất quá nhiều”.
Xã Đại An, một trong những địa phương ngập lụt sâu của huyện Đại Lộc, toàn bộ hơn 200 héc ta rau màu bị dập nát phải trồng lại.
Ông Lê Trọng Quốc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại An cho biết, khó khăn nhất hiện nay là tìm nguồn giống cây trồng: “Đầu vụ, các loại giống như cây ớt và một số cây trồng khác cũng rất khan hiếm. Trên thị trường hiện nay cây ớt cũng rất hiếm nên bà con rất thiếu thốn về cây giống. Sản xuất vùng rau này để cung cấp cho Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay bà con nông dân đã mất trắng hoàn toàn. Vấn đề thủy điện xả lũ, chỗ địa phương không nhận được bất cứ thông tin nào về xả lũ, cho nên người dân cũng bị động trong việc phòng chống”.
|
Hồ Phú Ninh xả lũ với lưu lượng lớn những ngày qua khiến nhiều vùng chuyên canh rau, màu của nông dân bị thiệt hại. |
Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, đợt lũ vừa qua quá bất ngờ. Theo kinh nghiệm, sau ngày 23 tháng 10 âm lịch hằng năm không còn lũ nữa nên hầu hết nông dân các vùng chuyên canh rau, màu đã xuống giống. Hiện, các loại rau màu như ớt, đậu cô-ve, bắp, đu đủ, khổ qua... đều bị ngập úng, hư hại.
Ông Trần Văn Mai cho hay: “UBND huyện chỉ đạo các xã và bà con nhân dân những gì còn có thể khắc phục được thì khắc phục, những vùng gieo tỉa bị hư hỏng sẽ cố gắng gieo trồng trở lại bằng các loại hoa quả ngắn ngày để có thu nhập phần nào đối với nhân dân từ nay đến Tết. Nếu điều kiện có thể được, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ phần nào cho người sản xuất để bà con an tâm hơn trong đầu tư tiếp theo”.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài, cùng với việc vận hành xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi từ ngày 30/11 đến nay làm 6 người chết, hơn 1.400 nhà dân bị ngập, gần 2.200 héc ta hoa màu bị ngập úng, dập nát; 22 héc ta đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở, bồi lấp; hơn 13.000 mét kênh, mương bị hư hỏng; Tỉnh lộ 610 và hàng loạt tuyến đường liên xóm, liên thôn, liên xã bị ngập nước, hư hỏng khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.