Nhân vật bị nghi ngờ nói trên đang là phó trưởng Phòng Pháp chế và chính sách - Cục An toàn và bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam), sang Nhật Bản dự hội thảo và xảy ra chuyện.
Người có trách nhiệm của Cục An toàn và bức xạ hạt nhân đã lên tiếng xác nhận có nghe báo về vụ việc, đang thu thập thông tin để làm rõ. Nguồn tin cũng cho hay "nghi can" đã được thả tự do sau khi làm việc với cơ quan chức năng phía Nhật Bản.
Thông tin chính thức còn phải chờ. Nhưng xem đoạn video clip do siêu thị bị mất cắp ghi hình một nam khách hàng (được cho là ông phó trưởng phòng nói trên) lấm lét nhìn quanh rồi gom lấy gom để mấy gói hàng trên kệ, thậm thụt nhồi nhét vào lưng quần, xong tỉnh bơ quay ra..., rất dễ tin rằng phía Nhật cáo buộc là có bằng chứng, nhất là khi đây là chuyện nhạy cảm, nghiêm túc vì liên quan công dân nước ngoài.
|
Thông tin cảnh báo bằng tiếng Việt và tiếng Nhật ở Nhật Bản về nạn ăn cắp của người Việt. |
Và, tại vì trước đó đã xảy ra hàng loạt vụ người Việt ăn cắp tại Nhật Bản bị bắt nên khiến người ta đoan chắc chuyện này cũng như thế thôi.
Hồi tháng 4 năm nay, Cảnh sát tỉnh Osaka (Nhật Bản) bắt giữ 7 sinh viên người Việt về hành vi trộm cắp mỹ phẩm đắt tiền và các loại hàng hóa có giá trị khác. Đáng chú ý, nhóm này hoạt động có tổ chức ở Osaka và Tokyo; hàng trộm được tuồn về Việt Nam qua đường xách tay hàng không để tiêu thụ. Báo chí Nhật Bản đăng rần trời. Du học sinh Việt Nam tại Nhật thấy xấu hổ lây!
Một tháng sau, lại thêm 2 người Việt đi xuất khẩu lao động lấy trộm mỹ phẩm cũng ở Osaka và bị bắt. Nghi can khai đã ra tay đạo chích nhiều lần, đến lần này thì bị bắt.
Đầu năm 2014, một nữ tiếp viên hàng không người Việt bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì tiêu thụ hàng trộm cắp. Không chỉ là hàng hóa cao cấp, những món thông thường ở Nhật cũng bị người Việt "thửa", như vụ một người Việt Nam tại tỉnh Gifu lấy trộm dê thí nghiệm để xẻ thịt ăn vào tháng 12-2014 hay một nữ sinh viên Việt Nam vào siêu thị bốc trộm thịt lợn...
Xấu hổ hơn nữa là bên cạnh truyền thông Nhật Bản đưa tin nhan nhản về nạn trộm cắp của người Việt trên đất nước của họ, nhiều cửa hàng hay siêu thị ở xứ Phù Tang cũng dựng biển cảnh báo trộm cắp ghi bằng tiếng Việt!
Thế nhưng, những người có máu "hai ngón" xứ ta vẫn không chừa. Có kẻ ăn cắp đến hơn 100 lần ở cửa hàng thời trang của Uniqlo cho đến khi bị bắt mới thôi. Nhiều người sang Nhật lấy cắp nhiều lần mà không bị bắt, về nước khoe "chiến tích". Cơ quan chức năng nước bạn tạm tính cứ 5 kẻ ăn cắp tại Nhật thì có 1 người Việt Nam. Ê chề quá!
Một website chuyên tư vấn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có bài cảnh báo về nạn này, trong đó viết rằng người Việt Nam xếp thứ 2 trong các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật "nhưng không phải với thành tích công việc mà với hành vi ăn cắp". Nếu đúng như thế thì quá mất mặt!
Đâu chỉ ở Nhật, tại Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan cũng có những nơi treo/dán/dựng biển cảnh báo bằng tiếng Việt về thói xấu của người Việt như xả rác, tham ăn, trộm cắp...
Người Việt trở nên xấu xí tự bao giờ? Trong "Việt Nam sử lược" của cụ Trần Trọng Kim ấn hành vào đầu thế kỷ XX đã có đề cập thẳng thắn thói hư này. Xa hơn nữa, Kinh Pháp cú của nhà Phật giảng Tham - Sân - Si là Tam Độc, trong đó trộm là do tham. Và Tham - Sân - Si chính là cội nguồn của cái ác. Ai diệt được Tam Độc thì người ấy mới là thiện nhân.
Như vậy, tham lam là căn tính, ai cũng có. Khác nhau chăng ở môi trường giáo dục và mức độ tu tập đạo hạnh của từng cá nhân.
Tưởng đâu quan chức, trí thức, tiếp viên... - những người được học hành tử tế, được giáo dục nhiều hơn đa phần còn lại trong thiên hạ - thì dễ dàng nói không với cái xấu, tuyệt diệt hoặc ít nhất cũng tránh xa được thói ăn cắp; nào ngờ họ làm ngược lại, ngay trên xứ sở Nhật Bản văn minh, làm bỉ mặt biết bao công dân Việt tốt lành.
Tục ngữ có câu "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt". Lẽ nào từ lâu ông cha đã sớm nhận ra và đúc kết thói tật của chính người Việt như một lời răn dạy hậu thế chớ làm điều xấu nhưng lắm người trong số chúng ta không thể nào tránh được, để rồi bôi tro trát trấu vào mặt đồng bào mình. Thật đắng lòng và đáng khinh bỉ!