Nỗi đau của người ở lại trong thảm án giết người sau bữa cơm cúng rằm

Google News

Tại bữa cơm rằm, Bùi Văn Chi (SN 1977), Bùi Văn Nam (SN 1982) và Bùi Văn Việt (SN 1983), cùng ngụ tỉnh Hoà Bình đã ra tay sát hại anh Phùng Văn Quang (SN 1974, ngụ huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ).

Án mạng sau bữa cơm rằm
Theo hồ sơ của vụ án giết người, Bùi Văn Nam, Bùi Văn Chi, Bùi Văn Việt và anh Phùng Văn Quang đều là công nhân thợ nề làm việc cho một công trình trên phố Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Tối ngày 21/8/2013 (tức ngày 15/7 âm lịch), sau giờ làm, nhóm thợ hồ này được chủ thầu tổ chức một bữa cơm để cúng rằm.
 Bà Nguyễn Thị Năm (mẹ anh Phùng Văn Quang).
Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Năm (mẹ anh Phùng Văn Quang). 
Sau khi đã say sưa, giữa anh Quang và nhóm 3 người (Nam, Chi, Việt) có xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi vã liên quan đến những hạng mục trong công trình đang xây dựng. Cuộc tranh cãi chưa đi đến đâu thì anh Quang đứng lên bỏ về trước, vì có chén rượu trong người, khi đi được một đoạn, anh Quang nhặt nửa viên gạch ném vỡ ô cửa kính nơi Nam, Chi, Việt vẫn đang ngồi nhậu và lớn tiếng chửi mắng những người này.
Thấy vậy, Chi nhặt khúc gỗ rồi hô hoán Việt và Nam đuổi theo đánh anh Quang. Biết cả 3 người đuổi theo đòi đánh mình, anh Quang có bỏ chạy nhưng chỉ chạy được một đoạn thì 3 đối tượng đuổi kịp. Họ đạp nạn nhân ngã ra đường sau đó Chi dùng gậy gỗ, Việt và Nam dùng tay không đánh tới tấp vào người nạn nhân cho đến khi anh này bất tỉnh nằm ở vệ đường thì mới kéo nhau về địa điểm nhậu tiếp.
Lúc này, nhiều người đi đường thấy anh Quang nằm bất tỉnh trên đường nên đã hô hoán mọi người đưa đi cấp cứu. Lúc này Chi, Nam và Việt mới chạy ra đưa anh Quang đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh Quang đã tử vong sau đó không lâu do bị chấn thương sọ não.
Nỗi đau gia đình nạn nhân
Chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có nhưng một mạng người đã bị tước đoạt, 3 số phận khác cũng đang từng ngày phải trả giá cho những nỗi lầm của mình gây ra. Tuy nhiên, đó chưa phải hết, người chịu nỗi đau lớn nhất sau vụ án này có lẽ là những người thân, những người cha, người mẹ, người vợ và cả những đứa con thơ của cả nạn nhân và hung thủ.
Hơn 3 năm sau ngày cái chết của anh Quang, nhưng nỗi đau mất con của gia đình bà Nguyễn Thị Năm (ngụ xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thuỷ) dường như vẫn chưa phai phôi. Căn nhà lợp mái lá cọ, chân vách xiêu vẹo chỉ còn trơ lại bộ khung che nan mối mọt của gia đình bà Năm hơn 3 năm nay như vắng đi tiếng cười nói. Trong căn nhà đơn sơ ấy dường như chẳng có đồ đạc gì giá trị, thứ được bày biện trang nghiêm nhất trong nhà có lẽ là bàn thờ nghi ngút khói nhang mà bà Năm lập từ sau khi con trai mất.
Bà Năm năm nay đã gần 80 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ ra đang là những ngày tháng an hưởng tuổi già bên con cháu nhưng hằng ngày, bà vẫn phải dành dụm, tích góp từng đồng, từng hào để phụ giúp với chị Lê Thị Xếp (vợ anh Quang) nuôi dưỡng đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn.
Bà Năm sinh được 5 người con nhưng tất cả đều không được ăn học đầy đủ, đều phải bươn trải kiếm sống từ rất sớm. Trong số đó, anh Phùng Văn Quang là đứa con mà bà gần như dành chọn cả tỉnh thương. Bà bảo: “Thằng Quang là con út nên gia đình muốn nó học hành tử tế, tuy nhiên vì khó khăn quá nên nó cũng bỏ học rồi đi làm đây đó kiếm tiền gửi về con gia đình, nuôi vợ, nuôi con. Ai ngờ nó đi làm bị người ta đánh chết, bỏ lại vợ dại, con thơ”.
Năm nay đã gần 80 tuổi, sức khoẻ đã yếu, không muốn trở thành gánh nặng cho con dâu, hằng ngày bà vẫn cặm cụi bên những thanh tre đan túm bán lấy tiền phụ với con dâu để cuộc sống bớt vất vả hơn. Mỗi ngày bà đan được hai đến 3 chiếc giỏ. Cứ như vậy, ngày qua ngày, bà cũng đan được vài chục chiếc và chờ đến ngày chợ phiên mang đi bán cho người ta. Mỗi chiếc giỏ chỉ có 5 ngàn đồng, cả một tháng trời bà cũng chỉ kiếm được 200 ngàn đồng, cũng đủ mua cho cháu tập vở, cái bút để đi học.
Cuộc sống của 2 người đàn bà và 1 đứa trẻ hằng ngày cứ trôi qua lặng lẽ bên mái tranh xiêu vẹo như thế. Gánh nặng gia đình bây giờ được chuyển sang đôi vai của chị Xếp (vợ anh Quang). Anh Quang mất đi khi chị vẫn đang ở độ tuổi xuân thì. Thương con dâu, nhiều lần mẹ chồng đã khuyên chị đi bước nữa để tìm kiếm hạnh phúc mới nhưng chị nhất mực nói không. Chị tâm sự: “Từ khi anh ấy mất đi, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mẹ chồng cũng vì thương tôi và cháu nội nên hay khuyên tôi đi thêm bước nữa. Tôi cũng đã nghĩ kĩ nhiều đêm rồi, vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa. Anh ấy mất rồi, tôi phải thay chồng nuôi mẹ, nuôi con”.
Hằng ngày, ngoài công việc đồng áng, hễ ai thuê việc gì, chị lại tất tả đến xin làm. Hàng xóm, người thân cảm thông cho hoàn cảnh của chị cũng hay đến giúp đỡ, động viên. Nói về mong ước của cuộc đời mình chị ngậm ngùi: “Giờ hoàn cảnh gia đình đã như vậy rồi, chỉ cố gắng hết sức để cho con cái đi học đầy đủ. Bố nó vì không có công ăn việc làm nên mới phải đi làm thuê rồi thành ra như thế này nên chỉ mong sao cuộc sống của các cháu sẽ tươi sáng lên một chút”.
Mong ước thay bố bù đắp cho gia đình nạn nhân
Cách gia đình anh Quang hơn 100km, những dư âm mà vụ án mạng năm nào khiến cho gia đình các đối tượng gây án cũng phải từng ngày đối diện với những khó khăn, dằn vặt, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Cũng chính vì những ám ảnh về vụ án mà người thân của hung thủ Bùi Văn Nam và Bùi Văn Việt đều không đồng ý tiếp chuyện.
Cách nhà Việt và Nam 2 quả đồi và một con suối là xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình nơi vợ và 2 con hung thủ Bùi Văn Chi đang sinh sống. Cũng như Nam và Việt, Chi đi làm phụ hồ quanh năm những cũng chỉ đủ tiền gửi về cho vợ lo cho các con ăn học, gia đình cũng không khá giả gì. Chị Bùi Thị Thoa (vợ Chi) tuy tuổi còn trẻ nhưng sức khoẻ yếu, đau ốm quanh năm. Chị bị căn bệnh tim bẩm sinh hành hạ, không thể làm được gì giúp chồng con. Chị chỉ có thể quanh quẩn ở nhà để chăm đàn gà, vườn mía, vườn sắn. Năm 2015, trong một lần chăm mía, chị bị lá mía đâm vào mắt khiến chị mất 80% thị lực. Mặc dù đã đi mổ 2 lần, chạy chữa thuốc thang nhưng vẫn không hồi phục.
Chị Thoa tâm sự: “Nhà chăn được đàn gà, có gà, có trứng đấy nhưng hai mẹ con chẳng bao giờ dám ăn. Thương con, luộc cho con quả trứng thì con lại bảo để dành cho mẹ ăn cho khỏi bệnh. Thế rồi cũng chẳng ai ăn, chỉ có đám cưới, đám ma gì, cần đến tiền thì mới đem gà đi bán thôi”.
Trước kia khi Bùi Văn Chi chưa gây ra trọng tội, gia đình chị tuy có khó khăn, vất vả thật nhưng lúc nào cũng đầm ấm, vui vẻ, 2 đứa con cũng được ăn học tử tế. Tuy nhiên, từ khi Chi vướng vào vòng lao lý, gánh nặng gia đình lại dồn lên đôi vai người phụ nữ khốn khổ này. Mong ước nhiều lần có thể cùng con đến thăm chồng nhưng chưa thực hiện được vì không có tiền đi xe.
Có lẽ ngồi trong song sắt nhà giam sám hối về những lỗi lầm mình đã gây ra, Bùi Văn Chi cũng không thể ngờ rằng giờ đây đứa con trai 17 tuổi của mình lại phải thay bố gánh trở thành trụ cột cho người mẹ quanh năm đau ốm và em trai vẫn đang tuổi đến trường. Em Bùi Văn Thắng tâm sự: “Hồi bố mới đi tù, em mới có 14 tuổi, hàng ngày đến lớp bạn bè trêu đùa, xa lánh nên em cũng tủi thân. Em giận bố ghê lắm nhưng rồi dần dần em hiểu ra, bạn bè cùng lớp, thầy cô cũng động viên nhiều nên em mới có thể tiếp tục học tiếp”.
Hàng ngày, ngoài việc học tập trên lớp, Thắng lại tranh thủ thời gian lên núi nhặt củi đem về nhà bán lấy tiền phụ giúp mẹ. Dường như phải mưu sinh quá sớm nên Thắng nhìn chững chạc hơn rất nhiều so với cái tuổi 17 của mình. Cuộc sống của chị Thoa và Thắng còn quá nhiều nỗi vất vả, nhưng trong tâm hồn Thắng luôn có một khát khao cháy bỏng để chuộc lại những lỗi lầm của bố mình đã gây ra cho gia đình nạn nhân: “Qua báo đài, em cũng biết gia đình bác bị bố em đánh chết cũng rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn gia đình em. Em chỉ mong đi làm có được nhiều tiền, em sẽ tìm đến nhà bác ấy, thay bố em tạ lỗi với gia đình bác ấy và bù đắp được phần nào nỗi đau thay cho bố em”, Thắng tâm sự.
Theo Ngọc Ánh/ Công lý xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)