Sớm 3/9, chiếc xe chở quân đỗ xịch trước cổng trường THPT Phan Châu Trinh (đường Lê Lợi, TP Đà Nẵng). 18 chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm trong bộ đồ thường phục, tay cầm cặp tài liệu, đồng loạt nhảy xuống khỏi xe.
Lần này, họ rời doanh trại với một vai trò khác: Những thí sinh của kỳ thi THPT tại Đà Nẵng. Đây là kỳ thi THPT đợt 2 dành cho những thí sinh ở tâm dịch.
Bên kia đường, một chàng trai trẻ trong bộ đồ hải quân trắng, sọc xanh cũng bước về phía cổng trường. Đây đã là lần thứ hai, trung sĩ Trần Đức Tuấn tham dự kỳ thi THPT quốc gia nhưng chàng trai 21 tuổi vẫn cảm giác bỡ ngỡ như lần đầu.
Trong gần 11.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT năm 2020 đợt 2 tại TP Đà Nẵng, nhiều người là chiến sĩ cảnh sát, bộ đội đã tham dự kỳ thi đến 2-3 lần. Họ là những thí sinh tự do đã đỗ tốt nghiệp THPT nhưng thi lại để lấy điểm xét tuyển đại học.
|
Các thí sinh xếp hàng chờ xét nghiệm tại THPT Phan Châu Trinh trước khi bước vào kỳ thi. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Muốn phục vụ cho Tổ quốc lâu dài hơn"
Đó là câu trả lời của trung sĩ Tuấn khi được hỏi về lý do quyết định thi tốt nghiệp THPT lần thứ 2, sau hơn hai năm rời xa mái trường.
Năm 2018, Tuấn thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên. Thế nhưng, trước khi kỳ thi diễn ra một tháng, Tuấn bị tai nạn giao thông. Nằm viện nguyên tháng, anh không thể đăng ký trường đại học theo nguyện vọng.
“Tốt nghiệp xong, tôi đi theo giấc mơ của mình. Tôi thích công an từ nhỏ, nhưng trời không cho nên đành chuyển sang quân đội”, Tuấn cười hiền kể.
"Trời không cho" trong khái niệm của nam trung sĩ là không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để vào ngành công an. Nhìn chàng trai cao ráo, khỏe mạnh bây giờ, không ai nghĩ 2 năm trước, Tuấn chỉ nặng 54 kg với chiều cao hơn 1,7 m. Thêm vào đó, Tuấn còn bị nhiễm virus viêm gan B khiến cơ thể càng gầy hơn.
"Giờ tôi 65 cân rồi. Tôi đã tập luyện để tăng cân, căn bệnh viêm gan B cũng không còn nữa", Tuấn tự hào khoe thành tích của mình.
|
Trung sĩ Trần Đức Tuấn trong đợt thi THPT ở tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tuấn kể suốt 2 năm qua, anh đã sống một cuộc đời dịch chuyển. Sau khi tốt nghiệp THPT ở Nghệ An, Tuấn nhập ngũ và đóng quân ở Lữ đoàn Đặc công 126 (Hải Phòng). Sau đó, Tuấn đi học quân y rồi chuyển về phụ trách công tác quân y tại Tiểu đoàn 353 (Vùng 3 Hải quân, Đà Nẵng) đến nay.
Chừng ấy năm, Tuấn mới chỉ về nhà thăm mẹ và em gái đúng một lần, còn người bố ở Đài Loan đã 3 năm nay anh chưa gặp mặt. Quyết định thi lại, Tuấn cũng chỉ thông báo ngắn gọn với gia đình, không dám nói nhiều, ngại nói trước bước không qua.
Tham gia kỳ thi THPT đợt này, đơn vị Tuấn cho nghỉ 3-4 tháng để ôn. Ngày nào Tuấn cũng chỉ vùi đầu vào sách vở nhưng áp lực của những ngày học ôn một mình vẫn khiến nam trung sĩ căng thẳng. Suốt mấy tháng ôn thi, giai đoạn Tuấn lo nhất là khi có thông tin Đà Nẵng hoãn thi THPT.
“Mình cứ tự bảo chắc lần này người ta xét học bạ, không thi nữa. Mình lo lắm vì học bạ của mình cũng ở mức trung bình thôi”, Tuấn kể lại.
Mấy ngày trước khi thi, đêm nào Tuấn cũng thấp thỏm đến quá nửa đêm mới ngủ được, 5h hôm sau đã tự động bật dậy. Suốt một tháng nay, trong đầu Tuấn lúc nào cũng quanh quẩn suy nghĩ mong sao đủ điểm đỗ vào Học viện Biên phòng (Hà Nội) để có thể "phục vụ Tổ quốc lâu dài hơn".
Thi đến khi đậu mới thôi
Nay Pyơr (dân tộc Gia Rai) là một trong 29 chiến sĩ của Tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 3 tham gia kỳ thi lần này. Đây cũng là lần thi thứ 2 của Pyơr.
Chàng trai 23 tuổi kể sau khi tốt nghiệp THPT ở Gia Lai, do gia đình khó khăn nên không thể học cao hơn, anh quyết định nhập ngũ.
"Nhập ngũ để con đường mình sáng hơn", Pyơr kể về quyết định lúc đó.
Khi có thông tin lùi lịch thi THPT tại Đà Nẵng, Pyơr rất sốt ruột. Xem đề thi đợt 1, anh càng tiếc hơn khi biết đề thi môn Văn vào bài “Đất nước”, bài thơ mà anh dự đoán từ trước và cũng đã ôn rất kỹ.
Mỗi ngày, Pyơr dành 1-2 giờ để ôn thi cùng các đồng đội. Riêng những ngày phải học võ thuật hay chiến thuật - những môn phải dùng nhiều thể lực - thì thời gian học ít hơn. Mấy ngày trước khi thi, Pyơr và đồng đội ai cũng vừa ôn, vừa hồi hộp, sợ rằng dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp và kỳ thi lại bị hoãn tiếp.
“Mình hy vọng đợt 2 môn Văn sẽ vào bài Sóng của Xuân Quỳnh. Còn môn mình tự tin nhất là môn Sử, tin chắc là khả năng 8 điểm trở lên”, Pyơr chia sẻ.
|
Hạ sĩ Nguyễn Quốc Mạnh đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nổi bật tại điểm thi THPT trong bộ quân phục xanh lá, nhiều người nhầm hạ sĩ Nguyễn Quốc Mạnh (24 tuổi) là một chiến sĩ đang trực tại điểm thi. Đi nghĩa vụ từ năm 2019, Mạnh chỉ chờ đủ điều kiện để đăng ký thi THPT, nộp hồ sơ vào Đại học Cảnh sát nhân dân (TP.HCM).
Suốt 4-5 tháng nay, cứ hết giờ trực, Mạnh lại về nhà học, dường như không có thời gian nghỉ. Để cân đối giữa thời gian đi trực và thời gian học, Mạnh cùng một số bạn tự thuê gia sư để học tại nhà.
“Nếu năm nay thi không đậu, năm sau mình sẽ thi lại”, Mạnh quyết tâm nói.
Đêm 2/9, ngay trước ngày thi, hạ sĩ này vẫn trực đến hơn 22h. Khi được hỏi sao không xin nghỉ để tập trung ôn trước khi thi, Mạnh cười bảo thi là việc của mình nhưng "nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ, phải hoàn thành".