Tết đến xuân về là dịp để mọi gia đình sum vầy, đoàn tụ, nhưng đối với những chiến sĩ kiểm lâm, Tết của họ là giữa rừng già, là công việc giữ màu xanh và bình yên cho rừng. Bởi lẽ, càng gần thời điểm năm mới cận kề, các đối tượng lâm tặc càng trở nên liều lĩnh.
Chính trong thời điểm này, PV Dân Việt đã có dịp theo bước chân băng rừng vượt núi, tuần tra, kiểm soát của các chiến sỹ kiểm lâm Thái Nguyên.
|
Anh Nguyễn Hoài Nam - Phó Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên chia sẻ về những khó khăn vất vả của lực lượng kiểm lâm trong quá trình làm nhiệm vụ. |
Theo chia sẻ của các chiến sỹ kiểm lâm thì khó khăn chủ yếu trong quá trình tuần tra, kiểm soát của các anh là do địa bàn rộng và phức tạp, các đối tượng tương đối manh động sẵn sàng chống trả khi bị ngăn chặn. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên rất khó khăn cho công tác quản lý.
Theo chân các anh đến thăm nơi ăn chốn ở của lực lượng kiểm lâm tại các trạm, chốt ở một số địa bàn trọng yếu mới phần nào cảm nhận được những thiếu thốn, khó khăn, vất vả của các anh. Đời sống vật chất thiếu thốn đủ đường, một vài năm trước đây có những nơi trạm chốt chỉ được dựng thành những căn lều tạm bợ đủ để che nắng che mưa. Ở những nơi ấy dường như cái tết trở nên xa lạ, không đào, quất, không bánh chưng, thịt lợn, thậm chí có nơi còn chưa có cả điện chiếu sáng hay sóng điện thoại. Vậy mà những con người ấy vẫn luôn lạc quan, yêu đời, gắn bó hết mình với công việc.
|
Lực lượng kiểm lâm đi tuần tra, kiểm soát rừng trong những ngày Tết cận kề |
Ngồi trò chuyện với các anh chúng tôi hiểu rằng phải có lòng yêu nghề và sự hi sinh nhiều lắm mới đủ sức khiến cho bước chân các anh không dừng lại trước những gian nan khó khăn trong công việc. Với đồng lương ba cọc, ba đồng cộng với bao vất vả, hiểm nguy, có những anh suốt 18 năm công tác trong ngành mà chưa một lần được về quê ăn cái tết trọn vẹn với gia đình, vợ con.
Anh Nông Chí Cường đang công tác tại Trạm Kiểm lâm Bản Ngoại, Đại Từ nhớ lại: Đêm 30 Tết năm 2015 khi đang đón giao thừa bên vợ con thì bất ngờ nhận được tin báo cháy rừng. Ngay lập tức anh khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ. Ở những thời điểm ấy, vợ con phải là những hậu phương vô cùng vững chắc để động viên tinh thần giúp các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Còn anh Ngô Hồng Văn đang công tác tại Trạm Kiểm lâm Phúc Tân thì không thể nào quên lần bị các đối tượng lâm tặc chống trả và có những hành động trả thù nguy hiểm. Đó là khi anh còn công tác ở Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thần Sa – Phượng Hoàng, Võ Nhai. Nơi đây vào những năm 2010 trở về trước được coi là điểm nóng về khai thác gỗ trái phép. Các đối tượng vô cùng manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng kiểm lâm khi bị đuổi bắt.
Năm 2010, khi anh Văn cùng một chiến sĩ kiểm lâm khác đang đi tuần tra, kiểm soát thì phát hiện một số đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép. Ngay lập tức hai anh em đã tìm cách khống chế bắt giữ đối tượng và tang vật. Tuy nhiên khi bị lực lượng kiểm lâm đuổi bắt và dùng súng bắn chỉ thiên, các đối tượng đã chống trả quyết liệt bằng cách dùng dao chém vào tay anh Văn, sau đó dùng gậy đánh vào đầu chiến sĩ kiểm lâm kia gây thương tích.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Năm 2014 khi anh Văn đã chuyển công tác về Trạm Kiểm lâm Vạn Thọ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc. Vào thời điểm đó, Trạm chỉ có 3 người nhưng vẫn quyết liệt ngăn chặn việc khai thác rừng trái phép khiến các đối tượng lâm tặc đã đổ hóa chất độc hại vào tec đựng nước sinh hoạt của trạm. Thật may là buổi sáng hôm ấy anh Văn đã kịp thời phát hiện mùi lạ trong nước nên báo cho chính quyền địa phương và công an đến làm việc.
Rời những cánh rừng nơi đây, chúng tôi không khỏi khâm phục trước ý chí và nghị lực kiên cường của những chiến sĩ kiểm lâm. Những cống hiến và hi sinh thầm lặng ấy của các anh đã và đang góp phần giữ vững màu xanh của núi rừng.