Những chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021

Google News

Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai... là những chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Có hiệu lực từ ngày 01/09/2021, Nghị định 67/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trong đó, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý tài sản công
Theo quy định mới, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án và ban hành quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất có nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất từ 500 tỷ đồng trở lên tính trên một cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và ý kiến của Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà, đất bán.
Nghị định số 67/2021/NĐ-CP bổ sung quy định: Nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất để xác định thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ 1/9/2021.
Nhung chinh sach moi cua Chinh phu co hieu luc tu ngay 1/9/2021
 Chung cư cũ nát, hết niên hạn sử dụng phải phá dỡ.
Trong đó, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm:
1- Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.
2- Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;
b) Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.
3- Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại điểm (2), nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở.
Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng
Nghị định 75/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/07/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 15/09/2021.
Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.
Tiêu chí phân loại cảng biển
Có hiệu lực từ ngày 10/09/2021, Nghị định số 76/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/07/2021 của Chính phủ quy định tiêu chí phân loại cảng biển. Theo đó, tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam gồm tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.
Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau: Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế, hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sau: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển; cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.
Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai
Nghị định 78/2021/NĐ-CP ban hành ngày 01/08/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ 15/09/2021.
Nghị định nêu rõ: Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương (Quỹ trung ương) được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định này, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh (Quỹ cấp tỉnh) do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập, do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.
Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Quỹ phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính.

Nguồn: VTV


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)