Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã có báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường tại Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương.
Xây dựng bãi thải xỉ khi chưa có giấy phép
Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương nằm trên hai xã Quang Thành, Lê Ninh của thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Diện tích dự án 1.932.011 m2. Trong đó, khu nhà máy chính 854.218m2, khu nhà ở và dịch vụ 82.306m2, khu cảng 187.933m2, khu bãi thải xỉ 747.130m2.
Đến nay, nhà máy chính đã hoàn thành, tổ máy 01 đã vận hành thương mại, tổ máy 2 đang trong quá trình thử nghiệm, ước tính dự án đã hoàn thành 97%.
|
Dự án bãi thải xỉ Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương. |
Đáng chú ý, đối với diện tích khu bãi thải xỉ, đến nay, công ty đã sử dụng đất, thi công trên toàn bộ diện tích bãi thải xỉ và đã đưa bãi thải xỉ vào vận hành từ cuối tháng 9/2020.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, tại khu vực bãi thải xỉ đang có vướng mắc, vi phạm.
Cụ thể, toàn bộ diện tích quy hoạch bãi thải xỉ chưa được Bộ NN&PTNT điều chỉnh ra khỏi hành lang thoát lũ khu vực nên đến nay chưa có giấy phép hoạt động.
Hiện còn 372.432m2 thuộc diện tích bãi thải xỉ, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định cho thuê đất số 2277 ngày 7/8/2020 nhưng đến nay chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nện Sở Tài nguyên Môi trường Hải Dương chưa bàn giao đất trên thực địa. Còn 158.124m2 chủ yếu là đất rừng phòng hộ (157.305m2), Sở Tài nguyên Môi trường Hải Dương chưa đủ cơ sở pháp lý để tham mưu UBND tỉnh Hải Dương quyết định thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao thực địa.
Chưa được bàn giao đất
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng, do sức ép tiến độ phải vận hành thương mại tổ máy 01 từ ngày 1/12/2020, vận hành thương mại nhà máy từ 1/6/2021 nên chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công đã nóng vội, dẫn đến có nhiều tồn tại, vi phạm trong quá trình thi công, vận hành bãi thải xỉ.
Cụ thể, thi công bãi thải xỉ trên cả phần diện tích 530.556m2 chưa hoàn thiện thủ tục về đất, chưa được Sở Tài nguyên Môi trường bàn giao đất trên thực địa. Quá trình thi công đã làm mất các mốc ranh giới được bàn giao, có dấu hiệu của việc diện tích thực tế thi công bãi thải xỉ đã vượt ra khỏi ranh giới quy hoạch được duyệt. Một phần do địa hình phức tạp nên có vị trí thi công vượt cao độ được phép.
Thu hồi một phần đất phát sinh từ hoạt động thi công nhưng không đăng ký, chưa được UBND tỉnh Hải Dương cho phép, vận chuyển một phần đất đã thu hồi ra ngoài khi chưa được UBND tỉnh cho phép theo quy định của Luật khoáng sản.
|
Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương. |
Báo cáo nêu rõ, đơn vị thi công là Công ty CP Đông Hải 27-7 cho biết, trong quá trình thi công, sau khi tận dụng đất để đắp đường công vụ, san gạt một số vị trí, đắp thêm đê bao chắn xỉ… vẫn còn dư khoảng 177.037m3 đất, công ty đã thu hồi, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường 967.590.250 đồng tại Chi cục thuế khu vực Kinh Môn. Tuy nhiên, báo cáo của UBND thị xã Kinh Môn cho thấy, công ty không kê khai riêng khối lượng đất thu hồi từ hoạt động thi công bãi thải xỉ nên Chi cục thuế chưa đủ cơ sở để xác nhận số tiền này.
Đáng chú ý, có thời điểm không chấp hành đúng các yêu cầu của chính quyền địa phương. Cụ thể, theo báo cáo, khi thi công mà chưa được bàn giao mặt bằng, Trạm quản lý rừng Kinh Môn đã có một số biên bản kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công dừng san gạt đấ nhưng sau đó khu vực vẫn tiếp tục được thi công. UBND thị xã Kinh Môn cũng có một số công văn yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương dừng ngay việc san gạt, hạ thấp độ cao, vận chuyển đất ra ngoài nhưng công ty này không chấp hành. Thậm chí, ngày 18/5/2021, đoàn kiểm tra thị xã Kinh Môn đã kiểm tra hiện trạng nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công không hợp tác nên đến nay chưa có kết quả cụ thể.
Phát sinh một số vấn đề về môi trường khi vận hành Nhà máy
Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hải Dương cũng chỉ ra quá trình vận hành Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương phát sinh một số vấn đề về môi trường.
Theo đó, nước thải sinh hoạt và nước thải nhiễm dầu sau xử lý chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép và hiện công ty đang cải tạo lại 2 hệ thống này.
Ngay thời điểm hoạt động thử hệ thống băng tải chuyền tro xỉ từ nhà máy ra bãi thải xỉ ngày 30/9/2020, tại công đoạn rót xỉ vào xe vận chuyển đã phát tán nhiều bụi ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân, môi trường xung quanh. Ngày 5/4/2021, hiện tượng bụi xỉ trên lại lặp lại. Sau đó chủ đầu tư, đơn vị thi công, vận hành đã rà soát, khắc phục.
Trong thời gian khắc phục, công ty vận chuyển tro xỉ từ nhà máy ra bãi thải xỉ bằng ô tô nhưng ở một số thời điểm, việc vận chuyển không được che chắn tốt, xỉ không được phun ẩm, để bụi phát tán khiến người dân phản ánh.
Đáng chú ý, chủ đầu tư lắp đặt thêm một số hạng mục, thiết bị về môi trường thay đổi một số nội dung so với báo cáo ĐTM nhưng chưa kịp thời báo cáo Bộ TN&MT.
UBND thị xã Kinh Môn nhiều lần có ý kiến về việc hệ thống băng tải chuyển tro xỉ từ nhà máy ra bãi thải xỉ khi vận hành gây tiếng ồn, bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của hơn 100 hộ dân nằm kẹp dưới băng tải, đề nghị di dời, tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay chưa có đánh giá khoa học để có cơ sở chỉ đạo, giải quyết.
Tại cuộc họp sáng 27/8 về các vấn đề có liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản của Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu BOT khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá rõ mức độ và khả năng sử dụng thải xỉ của nhà máy. Về khói bụi, trên cơ sở quan trắc, cần công khai cho địa phương để kịp thời theo dõi, giám sát. Về thải xỉ, nhà đầu tư khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng sử dụng thải xỉ này vào các lĩnh vực khác phù hợp.
|
Ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp ngày 27/8. |
Bên cạnh đó, cần có báo cáo đánh giá mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển thải xỉ đến người dân; làm cơ sở để lên phương án quy hoạch tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng.
Ông Lưu Văn Bản cũng yêu cầu Nhà đầu tư làm rõ phần diện tích đất không thuộc phạm vi khai thác nhưng vẫn tiến hành khai thác và ngược lại phần diện tích được giao thì lại không tiến hành khai thác. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm tra khổi lượng khai thác, xác định đo kiểm từ đó xác định về nghĩa vụ thuế, trách nhiệm với các cơ quan liên quan, xử lý dứt điểm những sai phạm.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã ký quyết định 2445 thành lập Tổ công tác để khảo sát, đánh giá lại việc xây dựng, vận hành đường băng truyền xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đến bao giờ nguồn nước sông Lừ mới hết ô nhiễm?:
Nguồn: Môi trường và Cuộc sống.