Những cảnh báo sớm của Tổng bí thư–Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Google News

Hơn 6 năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu sâu sắc đề cập đến những vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng.
 
 

LTS: Tháng 2 năm 2012, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu sâu sắc, tâm huyết, lời lẽ sắc sảo, đạt lý, thấu tình.
Bài phát biểu ấy đề cập đến những vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng, để lại nhiều suy tư và cảm xúc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một trong những nội dung bao trùm của bài phát biểu là thể hiện tinh thần cảnh báo nhiều vấn đề không chỉ có tính thời sự cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài.
Sau hơn 6 năm ngẫm lại, chúng tôi thử rút ra những vấn đề mang tính cảnh báo từ bài phát biểu quan trọng đó về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mời quý vị theo dõi như một tư liệu tham khảo.
Nhung canh bao som cua Tong bi thu–Chu tich nuoc Nguyen Phu Trong
Hơn 6 năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu sâu sắc đề cập đến những vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

1. Từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết không đến nơi đến chốn
Trong phần mở đầu của bài phát biểu, sau khi khẳng định tính cấp thiết phải ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư cho rằng, bên cạnh đáp ứng thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, “Dư luận cũng đang chờ đợi và có phần băn khoăn, lo lắng liệu Nghị quyết lần này có được thực hiện hiệu quả không, hay lại rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu” như lần trước. Tâm trạng đó là chính đáng và cũng là điều day dứt, trăn trở chung của tất cả chúng ta”.
“Day dứt, trăn trở” là những nỗi niềm đau đáu từ đáy lòng, là lương tâm không cảm thấy thanh thản, thảnh thơi khi những khát khao, nguyện vọng chân thành, tốt đẹp không đạt được như mong muốn đề ra. Còn “day dứt, trăn trở” là còn có khát vọng hướng thiện mà nếu những người cộng sản không còn tâm trạng này thì căn bệnh “vô cảm” sẽ gặm nhấm chính tư tưởng, đạo đức và lối sống của họ. Và do đó, việc thực hiện không đến nơi đến chốn Nghị quyết này sẽ càng khoét sâu vào mối hoài nghi của nhân dân.
Đây là cảnh báo về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng không thực chất, hiệu quả.
2. Từ bài học đổ vỡ trong công tác xây dựng Đảng ở Liên Xô
Khẳng định việc tiếp tục ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thể hiện ở 4 lý do, ngay ở lý do thứ nhất, Tổng Bí thư nhắc lại một bài học xương máu về công tác xây dựng Đảng: “Sự tan rã của Liên Xô là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi… Có thể nói, đây là bài học vô cùng sâu sắc và đắt giá mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải thấm thía, luôn luôn khắc sâu, ghi nhớ, đừng để đi vào “vết xe đổ” đau xót đó”.
“Thấm thía, khắc sâu, ghi nhớ” tức là phải hiểu tường tận, hiểu ngọn ngành, hiểu sâu xa của nguyên nhân thất bại để lấy đó làm bài học cảnh tỉnh, cảnh giác, không bao giờ được phép coi thường, xem nhẹ, nếu lơ là, chủ quan và tiếp tục giẫm phải “vết xe đổ” đó thì chẳng khác nào Đảng đang “tự buộc dây thắt cổ mình”.
Đây là cảnh báo về hậu quả nhãn tiền có thể xảy ra nếu Đảng mắc căn bệnh quan liêu, tham nhũng.
3. Từ nguy cơ phân hóa giàu - nghèo trong Đảng
Sau khi nhấn mạnh những mặt tích cực cũng như bản chất, truyền thống tốt đẹp của Đảng đã được phát huy, Tổng Bí thư đã cảnh tỉnh: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức Ludwig Feuerbach đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai”?
Nếu Đảng chỉ thuộc về một số người giàu có, sống cách biệt với dân, không đồng cam cộng khổ với dân, không kề vai sát cánh cùng nhân dân, không thấm nhuần và thực hiện mục tiêu lý tưởng cao cả là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”, thì Đảng đã đứng trên, đứng ngoài lợi ích của dân và nguy cơ Đảng bị mọt ruỗng từ bên trong rồi sụp đổ là khó có thể tránh khỏi. Câu hỏi mà Tổng Bí thư đưa ra đâu chỉ là nỗi niềm đau đáu về vận mệnh của Đảng, mà còn là điều nhắn nhủ mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng tự vấn lương tâm xem đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân chưa?
Đây là cảnh báo về nguy cơ sa vào lối sống xa dân,“trên dân” của Đảng.
Nhung canh bao som cua Tong bi thu–Chu tich nuoc Nguyen Phu Trong-Hinh-2
 Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lê Anh Dũng

4. Từ nguy cơ không giữ được sức mạnh tổng hợp của Đảng
Trong bối cảnh, tình hình các thế lực thù địch, phản động ra sức chống phá cách mạng Việt Nam bằng những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, thâm độc, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nếu Đảng ta không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên”.
Bản chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường của giai cấp công nhân, ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, đạo đức cách mạng, niềm tin của nhân dân đối với một đảng cầm quyền là những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh tổng hợp và năng lực lãnh đạo của Đảng. Nếu Đảng không thường xuyên tôi rèn, trau dồi để giữ vững, củng cố, tăng cường những yếu tố cơ bản đó sẽ không đảm đương được vai trò, trọng trách của mình, không thể quy tụ, tập hợp, lãnh đạo được quần chúng và sẽ bị quần chúng lên án, lịch sử tẩy chay.
Đây là cảnh báo về khả năng giữ vững “sức mạnh nội sinh” của Đảng trong tình hình phức tạp hiện nay.
5. Từ mức độ, hậu quả của sự suy thoái, và suy thoái kéo dài chậm được khắc phục
Khi nói về vấn đề cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, Tổng Bí thư cảnh tỉnh: “Cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng”.
Thông qua những từ như “oán thán”, “mất lòng tin”, “xói mòn”, “thật là nghiêm trọng” cũng đủ thấy tính chất, mức độ nguy hiểm về sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã kéo theo những hệ lụy, hậu quả rất khôn lường. Do đó, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, nguy cơ Đảng mất vai trò lãnh đạo là không thể xem thường.
Sau khi vạch rõ những yếu kém, khuyết điểm trên cả ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng là sự “tích hợp” của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng một trong những nguyên nhân nổi cộm được Tổng Bí thư nêu rõ là có: “Nguyên nhân về sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu”.
Tuy những vấn đề trên không mới, nhưng Tổng Bí thư đã nhắc lại những biểu hiện, hành vi, việc làm sai trái, vô nguyên tắc bằng những “từ ngữ mạnh” và thể hiện sự phê phán, lên án nghiêm khắc như: Sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi bổn phận và trách nhiệm, bất chấp đạo lý và dư luận… của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, như gióng lên một hồi chuông về tính chất hết sức nghiêm trọng của vấn đề.
Đây là cảnh báo về nguy cơ thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm tăng thêm “trọng bệnh” cho Đảng.
6. Từ “lỗi của chúng ta” đến tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc
Đi sâu phân tích nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư nói rõ là “do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta”, đồng thời nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này.
Rõ ràng, còn chủ nghĩa cá nhân len lỏi, chi phối, lấn át phẩm chất đạo đức, lối sống và công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Còn về thực hiện chế độ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, sau khi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải nêu gương tự phê bình và phê bình thật sự nghiêm túc, hiệu quả, Tổng Bí thư nêu rõ: “Cấp ủy, tổ chức đảng nào, cán bộ, đảng viên nào kiểm điểm tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra”.
Phải tiến hành kiểm điểm lại đối với các trường hợp tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc và kiên quyết xử lý những trường hợp thiếu tự giác, không thành khẩn, không cầu thị… như một điều thức tỉnh các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên không được phép làm qua loa, đại khái, chiếu lệ chế độ, quy định quan trọng này trong sinh hoạt và xây dựng Đảng.
Nhấn mạnh việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ và đạt kết quả cụ thể, thực chất, Tổng Bí thư yêu cầu: “Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác”.
Tô hồng hay bôi đen, vuốt ve hay “sỉ vả”, định kiến hay vu khống trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình là hai thái cực, hai khuynh hướng vừa trái với bản chất, truyền thống của Đảng, vừa làm phương hại đến nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Do đó, phải tránh xa, cảnh giác kiểu phê bình “sặc mùi chủ nghĩa cá nhân” như vậy.
Đây là cảnh báo về tác hại ghê gớm của chủ nghĩa cá nhân và thái độ cực đoan trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên.
7- Từ tính chất “rất khó, rất phức tạp” của công tác xây dựng con người
Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, nên đây là công việc “thường rất khó, rất phức tạp”. Vì vậy, Tổng Bí thư cho rằng, cần phải “Làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Có khi giải quyết xong vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác, làm được việc này lại xuất hiện việc khác. Nếu không xác định như vậy thì mỗi khi thấy có sự việc tiêu cực trong Đảng dễ mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi, hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi sự cố gắng và kết quả chung”.
Phải nhận thức rõ ràng, sâu sắc như vậy bởi thực chất việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình là cuộc “đấu tranh nội bộ” trong mỗi tổ chức đảng và “cuộc chiến nội tâm” rất quyết liệt, bền bỉ, lâu dài trong mỗi cán bộ, đảng viên nhằm giải quyết những mâu thuẫn, qua đó phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để thúc đẩy Đảng ta không ngừng phát triển lành mạnh và mỗi đảng viên không ngừng tiến bộ. Mọi sự nóng vội, đốt cháy giai đoạn, muốn giành thắng lợi được ngay, là trái với quy luật và nguyên tắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đây là cảnh báo về tư tưởng chủ quan, duy ý chí cần khắc phục trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhung canh bao som cua Tong bi thu–Chu tich nuoc Nguyen Phu Trong-Hinh-3
Tổng bí thư được bầu làm Chủ tịch nước với 99,79% phiếu. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Có thể nói, những vấn đề nêu trên vừa là những nội dung cốt yếu, vừa là những lời cảnh tỉnh, cảnh báo rất sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta. Nhận thức rõ 7 vấn đề có tính chất cảnh báo trên đây là mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tự vấn lương tâm, tự thức tỉnh, luôn biết suy tư, trăn trở để cùng chung tay góp sức triển khai, thực hiện thật sự có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Bằng cách làm thường xuyên, làm kiên quyết, làm đến nơi đến chốn, làm thực chất và có hiệu quả công việc cấp bách, hệ trọng này là mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trực tiếp góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sứ mệnh lịch sử được giao phó và niềm trông mong, tin cậy của nhân dân../
Thu CúcTheo Đại tá Nguyễn Văn Hải, Báo QĐND

>> xem thêm

Bình luận(0)