Kết luận Hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Do đó, các cơ quan đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn Lịch sử ở cấp THPT; ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với vấn đề học phí và giá sách giáo khoa, tinh thần chung là giảm chi phí, không gây khó khăn hơn cho học sinh và phụ huynh.
|
Thủ tướng yêu cầu giảm chi phí, không gây khó khăn cho phụ huynh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn ngành đang tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan.
Bộ cũng đang nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022- 2023. Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.
Trước đề xuất trên, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.