Nhóm “bạn tù” giả danh Cảnh sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Google News

Sử dụng “sim rác” để liên lạc với số điện thoại của các cô gái trẻ trong độ tuổi từ 18 - 25, yêu cầu các cô gái đưa tiền hoặc tài sản để kiểm tra, nhóm “bạn tù” đã gây ra 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn này.
 

Cuộc điện thoại lạ
Liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 24-3, Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị Chu Thị T, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo trình báo của chị T, cuối buổi chiều cùng ngày, khi đang ở nhà thì chị T nhận được cuộc điện thoại.
Đầu dây bên kia giới thiệu tên là Nguyễn Quang Sơn, cán bộ CATP... đang thụ lý điều tra vụ án về hoạt động mại dâm, nghi vấn chị T là người liên quan. Người đàn ông đã yêu cầu chị T gửi máy tính xách tay, điện thoại di động cho anh ta để kiểm tra, nếu không anh ta sẽ gửi giấy triệu tập và thông báo về nhà và trường học của chị T.
Lo sợ và muốn chứng minh bản thân không liên quan đến hoạt động mại dâm, chị T đã làm theo. Chiều 24-3, chị T ra Bến xe Mỹ Đình gửi máy tính xách tay và chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 6s qua xe khách tới TP Bắc Giang cho người “điều tra viên”...
Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của chị T, cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm xác định đây là thủ đoạn lừa đảo lần đầu xuất hiện trên địa bàn quận và xác lập chuyên án đấu tranh.
Nhom “ban tu” gia danh Canh sat lua dao chiem doat tai san
 Các đối tượng cùng tang vật vụ án.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên của Đội CSHS - CAQ Nam Từ Liêm đã làm rõ chân tướng của “điều tra viên” là nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Xuân Hiếu (SN 1991) trú tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; Tăng Viết Cần (SN 1995); Hoàng Văn Quyền (SN 1999) cùng trú tại xã Tân Tiến, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Văn Mạnh (SN 1992) trú tại xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Đáng chú ý, trong số này có Nguyễn Xuân Hiếu với 1 tiền án năm 2015, do TAND huyện Võ Nhai, Thái Nguyên xử phạt 18 tháng tù giam về tội "Cưỡng dâm và Cưỡng đoạt tài sản"; Tăng Viết Cần có 1 tiền án năm 2016, do TAND TP Bắc Ninh xử phạt 8 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản".
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận Hiếu là người gọi tới số điện thoại của chị T. Sau khi chị T gửi máy tính xách tay và điện thoại di động qua Nhà xe T. L đến TP Bắc Giang, Hiếu đã gọi điện thoại cho Hoàng Văn Quyền đến khu vực siêu thị Big C Bắc Giang nhận, rồi mang tài sản đi tiêu thụ để chia nhau.
Hoàng Văn Quyền liên lạc và bán chiếc máy tính nhãn hiệu ASUS cho Nguyễn Văn Mạnh được 3,7 triệu đồng. Mạnh sau đó bán lại chiếc máy tính xách tay cho một cửa hàng kinh doanh máy tính ở Hà Nội. Chiếc điện thoại của chị T, Quyền không bán mà giữ lại sử dụng.
Ý tưởng phạm tội "hâm nóng" trong trại giam
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2015, trong quá trình chấp hành án phạt tù tại trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc, Hiếu kết bạn với Tăng Viết Cần cũng đang thi hành án tại đây. Quá trình ở trong trại giam, Hiếu và Cần bàn bạc với nhau về cách thức thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hai đối tượng hẹn sau khi ra tù, lên các trang mạng xã hội facebook vào các hội nhóm để tìm thông tin cá nhân và lưu lại số điện thoại của các cô gái trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 25.
Sau đó mua sim điện thoại gọi đến giả danh mình là "điều tra viên" thuộc CATP... đang điều tra vụ án mại dâm và nói rằng các cô gái này có liên quan trực tiếp đến hoạt động mại dâm, yêu cầu họ phải gửi điện thoại, máy tính xách tay để kiểm tra hoặc gửi tiền nộp phạt...
Các đối tượng hướng dẫn bị hại chuyển đồ tới địa chỉ chúng yêu cầu qua các tuyến xe khách. Nếu không gửi thì sẽ dọa gửi giấy triệu tập, thông báo về gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương. Hiếu và Cần hứa hẹn với nhau sau khi chấp hành án phạt tù xong, sẽ cùng tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo như đã bàn bạc trong trại giam. Sau khi cả hai ra trại tháng 12-2018, Hiếu gặp Cần và Quyền tại phòng trọ của Cần để bàn bạc lên kế hoạch chiếm đoạt tài sản lấy tiền chia nhau.
Do Quyền bị ngọng nên hàng ngày làm nhiệm vụ lên mạng tìm thông tin và lấy số điện thoại, đồng thời đi đón "hàng" từ các xe ô tô gửi đến, còn Cần và Hiếu sẽ trực tiếp điện thoại yêu cầu bị hại chuyến tài sản và bán đi lấy tiền chia nhau.
Quá trình điều tra, CAQ Nam Từ Liêm xác định nhóm đối tượng trên đã gây ra 10 vụ án trên địa bàn không chỉ Hà Nội mà còn ở các tỉnh. Trong số các vụ án này, ngoài việc chiếm đoạt tài sản, có vụ nhóm đối tượng này còn lừa cả… tình.
Điển hình là vụ lừa đảo chị Vi Thị H ở Cao Bằng. Trong vụ việc này, Cần điện thoại liên lạc với chị H, yêu cầu ra bến xe Giáp Bát gửi điện thoại di động của chị về Bắc Giang. Ngay sau đó, Cần còn yêu cầu chị H nộp phạt 5 triệu đồng về hành vi quan hệ bất chính mà chưa đăng ký kết hôn.
Chị H nói mình không có tiền và Cần yêu cầu mang máy vi tính xách tay lên Bắc Giang đưa cho Cần và quan hệ tình dục với Cần thì sẽ không phải nộp phạt. Tin lời “điều tra viên”, chị H đã mang máy tính xách tay lên Bắc Giang đưa cho Cần, rồi quan hệ tình dục với anh ta tại nhà nghỉ. Chiếc điện thoại OPPO màu hồng của chị H được gửi theo đường xe khách, đối tượng đã sai Quyền ra lấy và mang bán được 1,8 triệu đồng.
Nhiều bị hại trong vụ án này là người hành nghề bán dâm, đã bị các đối tượng nghĩ ra hình thức nộp tiền phạt cho hành vi quan hệ tình dục mà chưa đăng ký kết hôn để lừa đảo. Tất cả tài sản, tiền bạc của bị hại, nhóm này yêu cầu họ chuyển qua xe khách để tránh bị phát hiện và gây khó khăn cho công tác điều tra. Toàn bộ tài sản lấy được, các đối tượng bán cho Nguyễn Văn Mạnh.
Hiện Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm đã ra lệnh tạm giữ hình sự các đối tượng để điều tra làm rõ và xử lý.
Theo Trường Văn/An ninh thủ đô

>> xem thêm

Bình luận(0)