Thủ tướng cũng phải thừa nhận rất "hóc búa"
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã gây ấn tượng với đại biểu và cử tri bằng những phát ngôn mạnh mẽ. Dù một số câu hỏi chất vấn của ĐBQH được đánh giá rất “hóc búa”.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Thủ tướng: “Sau khi nghe Quốc hội thảo luận những ngày qua thì Thủ tướng thấy có hài lòng với kết quả điều hành kinh tế - xã hội, đất nước năm 2017 không? Trong những trăn trở về vận nước thì Thủ tướng thấy nỗi lo lớn nhất của mình về đất nước hiện nay như thế nào?”
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Thừa nhận câu hỏi là "rất hóc búa", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn trả lời rằng ông "chưa được hài lòng".
“Chúng ta chưa hài lòng trong điều hành đất nước, chúng ta nói một cách thẳng thắn như vậy. Vì vậy, chúng ta phải làm tốt hơn nữa, phải đồng bộ hơn nữa và trách nhiệm hơn nữa, kết quả sẽ tốt hơn”, Thủ tướng cho hay.
"Đồng chí cũng hỏi điều tôi lo lắng nhất là gì? Điều đó Đảng ta đã xác định từ lâu: tụt hậu là một, diễn biến hòa bình là hai, tham nhũng là ba…Lo lắng đó là tình trạng trên nóng, dưới lạnh, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, giải quyết, quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của người dân, xa dân, quan liêu” – Thủ tướng nói.
Loạt câu hỏi "khó" với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cũng gặp hàng loạt câu hỏi chất vấn “hóc búa” khi "mở hàng" trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội ngày 16/11, giải đáp nhóm vấn đề liên quan tới công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công…
Đáng chú ý trong những câu hỏi “khó” ấy, khi nói về tình trạng nợ đọng thuế lâu chưa được giải quyết, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn: “Bộ trưởng có giải pháp gì mới, có tính chất đột phá không, nếu không, không trả lời cũng được".
|
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. |
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề nợ công, cho rằng, điều quan trọng là hiệu quả của đầu tư công. Bởi lẽ, vấn đề về số vốn chỉ là bên ngoài còn linh hồn chính là hiệu quả của đầu tư công bởi nợ công không xấu mà đầu tư không hiệu quả mới thiệt hại kép. Đề nghị Bộ trưởng song song với báo cáo kìm hãm phát triển nợ công thì ta phải nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao? –ĐB Tuấn hỏi.
Đề cập đến vấn đề tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, ĐB Nguyễn Chiến (TP Hà Nội cho rằng, trách nhiệm chính liên quan đến công chức hải quan, nhưng Bộ trưởng xác định rằng thời gian liên quan hải quan chỉ có 28%, còn 72% là các bộ, ngành.
“ Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và lãnh đạo ngành hải quan đến đâu khi xảy ra các vấn đề, vấn nạn này?” – Đại biểu Chiến đặt câu hỏi.
Nhiều câu hỏi khó dành cho Thống đốc NHNN
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng gặp nhiều câu hỏi “hóc búa” về chuyện huy động vàng và ngoại tệ trong dân, bảo đảm an toàn tiền gửi, cho vay vốn các dự án BOT, mua ngân hàng 0 đồng, điều hành lãi suất cho đến một vấn đề rất mới là tiền ảo bitcoin…từ các ĐBQH trong phiên trả lời chất vấn chiều 16/11.
"Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khách hàng biết được mức độ rủi ro của từng ngân hàng khi đem tiền đi gửi? Phải chăng cứ đem tiền gửi vào các ông lớn thì sẽ yên tâm?", Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) hỏi.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu lên một vấn đề mới và không dễ trả lời: “Việc người Việt Nam chi 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ, số liệu này có phải là ngoại tệ chảy ra nước ngoài hay không?”.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình bị chất vấn tới 30 câu hỏi "khó"
Đăng đàn sáng 18/11, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã nhận được chất vấn của 54 đại biểu, trực tiếp trả lời 30 câu hỏi. Trong đó, có nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến các vụ án Châu Thị Thu Nga, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh...
Ngay trong phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Chánh án nói rõ về việc trong vụ án Châu Thị Thu Nga, tòa không cho khai về việc bị cáo chạy tiền vào Quốc hội. Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Sẽ có phiên tòa khác khi làm rõ tình tiết Châu Thị Thu Nga "chạy" ĐBQH…”.
|
Chánh án Nguyễn Hòa Bình. |
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề cập đến thực trạng trả hồ sơ trong điều tra hình sự và huỷ án không ít, sai sót xét xử vẫn tồn tại. Có vụ án, bị can đang thụ lý lại bị đưa ra xét xử lần hai và thẳng thắn đặt câu hỏi: “Chánh án cho biết trách nhiệm của ngành như thế nào?”.
Trả lời chất vấn về điều tra bổ sung, "trả tới trả lui" nhiều lần, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, có tình trạng này, cá biệt có vụ án trả lại đến 7 lần. "Nguyên nhân đầu tiên do chất lượng điều tra vụ án, chất lượng công tác truy tố có vấn đề".
Và hàng loạt câu hỏi "khó nhằn"
Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ĐB Lê Thanh Vân đặt câu hỏi: "Đồng bằng sông Cửu Long được kiến tạo trong 2 triệu năm và có nguy cơ trở về biển cả trong vòng 200 năm tới". - Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.khẳng định: “Trong lịch sử kiến tạo chưa bao giờ đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động tổn thương như bây giờ. Vùng này đang chịu sạt lở ngoài quy luật tự nhiên, khi hoạt động thượng nguồn đổ về đây”.
Đề cập đến sai sót tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, Đại biểu Cao Thị Xuân đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: "Với những sự việc gần đây ở ngành Văn hóa, Bộ trưởng có nghĩ đến giải pháp thanh lọc, xử lý những bất cập của yếu tố con người?”.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cũng đặt câu hỏi khá khó cho Bộ trưởng Thiện: "Bộ trưởng có tư duy khó quản thì cấm hay không? Xin Bộ trưởng chỉ cần trả lời có hay không?"
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thì thẳng thắn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư: “"Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, đại biểu Quốc hội đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm cá nhân ở đâu".