Chị Hoàng Thanh Xuân, quận Đống Đa cũng thắc mắc: Xe cũ của tôi biển số khá xấu và đang dự định đổi xe nhưng không muốn gắn biển số cũ đó thì có được không?
Một số người dân cũng hỏi: Trường hợp bị mất xe nhưng đã báo cơ quan công an, hiện vẫn chưa tìm thấy phương tiện. Giờ vẫn còn giấy đăng ký xe thì có định danh được không?
Một tài xế của doanh nghiệp vận tải nêu: Nếu công ty dừng hoạt động mà biển số đã đăng ký trước ngày 15/8 thì không cho bán hoặc sang nhượng lại được. Vậy làm sao để chủ sở hữu công ty chuyển xe và biển số đó về cá nhân?
Anh Đặng Tuấn Anh, quận Nam Từ Liêm thắc mắc: Xe tôi mua vay ngân hàng từ 2017 thông qua việc nhờ công ty đứng tên. Hiện đã trả hết nợ và rút hồ sơ đăng ký nhưng vẫn đứng tên của công ty chứ chưa chuyển sang tên cá nhân. Hiện tại công ty vẫn hoạt động bình thường và tất cả giấy tờ vẫn đứng tên của công ty, còn xe thì tôi sử dụng. Vậy giờ tôi có bị phạt khi lưu thông không, hoặc nếu phải bắt buộc chuyển về tên cá nhân có bị phạt và thu hồi biển cũ để bấm lại biển mới không?.
Chị Nguyễn Vân Anh, Thanh Hóa hỏi: Ở quê, tôi mua xe và đăng ký theo biển tỉnh. Nhưng giờ tôi đang sinh sống và xác nhận thường trú tại Hà Nội. Vậy nếu tôi xin cấp lại biển số cho chiếc xe theo hộ khẩu mới hay sẽ đổi biển và bốc lại biển ở Hà Nội?.
Biển số định danh có phải là mã số định danh cá nhân?
Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết "biển số định danh" nghĩa là quản lý biển số theo mã định danh cá nhân của chủ xe, chứ không phải "dùng mã định danh cá nhân làm biển số". Quy trình cấp biển số vẫn giữ nguyên.
Theo đó, biển 5 số người dân đang sử dụng sẽ mặc định là biển số định danh. Người dân đang sở hữu biển 3 số, 4 số vẫn sử dụng bình thường, tuy nhiên nếu có nhu cầu có thể đổi sang biển 5 số để quản lý theo mã định danh cá nhân.
Một người được đăng ký bao nhiêu biển số?
Khác với việc mỗi xe gắn với một biển số, từ 15/8, biển số sẽ đi theo người. Ví dụ, anh A có biển số 30K-xxxx, được cấp và quản lý theo mã định danh cá nhân của anh ấy. Khi bán xe, anh A chỉ được bán phương tiện, còn biển phải nộp lại vào kho.
Khi anh A mua xe khác, cảnh sát sẽ dùng lại biển số 30K-xxxx để đăng ký cho xe mới của anh. Lúc này, công an chỉ làm giấy tờ đăng ký xe mới với số khung, số máy mới, còn biển số giữ nguyên. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về việc sử dụng biển số định danh cho xe khác có phải nộp lại thuế, phí làm biển số hay không.
Nhà chức trách không giới hạn số lượng biển số định danh của người dân. Một người có thể sở hữu cùng lúc nhiều biển số ôtô, xe máy. Mỗi biển sẽ gắn với một xe.
Được đăng ký xe ở nơi tạm trú
Theo Thông tư 24, công an cấp quận, huyện sẽ đăng ký ôtô, xe máy của tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở, nơi cư trú tại địa phương. Công an cấp xã, phường được cấp biển số xe máy cho tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở, nơi cư trú tại địa phương.
Như vậy chủ xe cư trú (thường trú, tạm trú) tại địa phương nào thì đăng ký xe tại đó. Đây là một điểm mới, do theo quy định hiện hành người dân chỉ được đăng ký xe tại nơi đăng ký hộ khẩu.
Về thời hạn, công an các cấp sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký xe không quá hai ngày làm việc, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe là 30 ngày. Trường hợp cấp biển số định danh lần đầu thì sẽ cấp ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ. Cấp đổi, cấp lại hoặc cấp biển số xe trúng đấu giá sẽ không quá 7 ngày làm việc.
Khi đăng ký xe mới, chủ xe dùng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để làm thủ tục trên Cổng dịch vụ công hoặc xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip cho cán bộ làm thủ tục.
Không được bán xe kèm theo biển số định danh
Thông tư 24/2023 quy định, khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới của xe. Chủ cũ của xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Đây là điểm mới, bởi theo quy định hiện hành, người dân "bán cả xe kèm theo biển số". Người mua sẽ sử dụng xe và biển số của chủ cũ.
Trong 30 ngày, kể từ khi làm giấy tờ bán xe, chủ xe phải thực hiện thủ tục thu hồi. Nếu không làm theo đúng thời hạn quy định, chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi "không làm thủ tục thu hồi". Đặc biệt, chủ xe không làm thủ tục thu hồi biển số sau khi bán xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.
Như vậy, từ 15/8, chỉ trường hợp duy nhất được bán xe kèm theo biển số là xe gắn biển số trúng đấu giá.
Khi nào bị thu hồi biển số?
Theo khoản 7 điều 3 thông tư 24, biển số định danh của chủ xe sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau: xe hết niên hạn sử dụng; xe hư hỏng; chuyển quyền sở hữu xe.
Biển số xe định danh bị thu hồi sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Biển số định danh được giữ lại trong kho cho chủ xe trong thời hạn 5 năm. Nếu quá thời hạn mà chủ xe không làm thủ tục đăng ký cho xe khác thì biển sẽ bị thu hồi vào kho để cấp cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định.
Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác thì được giữ lại biển số định danh, không phải đổi.
Khác nhau giữa biển số định danh và biển số đấu giá
Biển số định danh áp dụng cho cả xe máy và ô tô. Trong khi đó biển số đấu giá hiện chỉ áp dụng cho ô tô.
Một điểm giống nhau là cả biển số định danh và biển số đấu giá đều "đi theo chủ xe". Khi bán xe, chủ phương tiện có thể giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác cùng sở hữu.
Với biển số định danh, khi bán, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số mà không được giao cho chủ mới của xe. Ngược lại, công dân được phép bán ôtô kèm theo biển số trúng đấu giá. Tuy nhiên, người nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá không được chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển trúng đấu giá cho người khác.
Ô tô được lắp một biển số dài, một biển ngắn
Về kích thước biển số, ô tô được cấp hai biển số; một biển kích thước ngắn cao 165 mm, dài 330 mm, một biển dài cao 110 mm, dài 520 mm. Cách bố trí chữ và số trên biển: Hai số đầu là ký hiệu địa phương đăng ký xe, tiếp theo là sêri đăng ký (chữ cái), nhóm số thứ hai là thứ tự xe đăng ký gồm 5 chữ số tự nhiên từ 000.01 đến 999.99.
Đây là điểm mới khi thông tư hiện hành quy định ô tô khi đăng ký mới chỉ được cấp hai biển số kích thước ngắn (hình chữ nhật). Nếu muốn cấp một hoặc hai biển dài phải chịu thêm kinh phí.
Với xe máy sẽ được cấp biển số gắn phía sau xe, cao 140 mm, dài 190 mm. Biển số xe của cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài sẽ có nền trắng, chữ đỏ, số màu đen và seri có ký hiệu "NG".
Về chất liệu, biển số được sản xuất bằng kim loại, có màng phản quang, ký hiệu bảo mật công an hiệu đóng chìm theo tiêu chuẩn kỹ thuật biển số xe cơ giới.
Lợi ích của quản lý biển số định danh
Cục Cảnh sát giao thông cho hay, việc quản lý biển số theo mã định danh cá nhân giúp công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Có thể hiểu, biển số xe giống như sim điện thoại, có thể lắp trên bất kỳ chiếc máy nào. Như vậy, khi chủ phương tiện bán xe của mình, vẫn giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện mới do mình sở hữu.
Ví dụ, công an gửi thông báo vi phạm nhưng nhiều trường hợp chủ xe đã bán xe kèm theo cả biển số cho người khác nên rất khó để xác minh chủ xe thực sự. Quản lý biển số theo mã định danh sẽ tránh được tình trạng này và nâng cao trách nhiệm của chủ xe khi tham gia giao thông. Khi biển số "chính chủ", gắn với chính bản thân mình thì chủ xe sẽ ý thức hơn.
Hay trường hợp khác như xảy ra tai nạn giao thông, việc truy được ra trách nhiệm của chủ phương tiện và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với biển số định danh mọi việc sẽ đơn giản hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Định danh biển số thế nào khi một người sở hữu nhiều ô tô, xe máy: