Nhà xe Thành Bưởi thông báo dừng chở khách tuyến TP HCM đi Đà Lạt, Cần Thơ và Đà Lạt - Cần Thơ từ ngày 29/10, nhà xe sẽ hoàn tiền cho những khách đã đặt chỗ trước và hiện chưa công bố thời gian hoạt động trở lại dịch vụ chở khách.
Cần có cuộc kiểm tra toàn diện
Động thái này diễn ra sau khi lực lượng công an và các đơn vị liên quan đã kiểm tra hoạt động nhà xe Thành Bưởi ở TP HCM và Đà Lạt (Lâm Đồng). Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu và hệ thống máy chủ theo thông tin nhà xe này cung cấp.
|
Xe khách Thành Bưởi gây tai nạn tại Đồng Nai. |
Thành Bưởi được xem là doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa lớn, có hơn 1300 nhân viên, chiếm thị phần lớn trên các tuyến TP HCM - Đà Lạt, Cần Thơ và Đà Lạt - Cần Thơ. Dù được đánh giá cao về chất lượng phục vụ, nhưng quá trình hoạt động, xe Thành Bưởi cũng để xảy ra không ít tai tiếng như chở khách liên tỉnh cố định, xe không vào bến, thường đón/trả khách sai quy định...
Các vi phạm của hãng xe này mới đây đã được Sở GTVT TPHCM chỉ ra sau khi kiểm tra Công ty TNHH Thành Bưởi sau vụ xe khách nhà xe này gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30/9/2023.
Theo đó, kết quả kiểm tra của Sở GTVT TP HCM cho thấy, công ty TNHH Thành Bưởi để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý xe, tài xế, hợp đồng chở khách, điều kiện an toàn giao thông...Điển hình, nhà xe Thành Bưởi không vào bến để đón, trả khách mà thường xuyên thực hiện việc này tại văn phòng công ty. Ngoài ra, công ty này còn "trá hình" xe chở khách thành xe hợp đồng, xe du lịch để không phải vào bến; nhiều trường hợp lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ) và vi phạm thời gian lái xe làm việc trong ngày (quá 10 giờ)...
Trước đó, Sở GTVT TPHCM công bố số liệu cho biết, trong 9 tháng năm 2023 cho thấy, nhà xe Thành Bưởi có tổng cộng 246 xe vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu (mỗi xe vi phạm từ 5 lần/1.000km trở lên).
Dư luận đồng tình với việc các cơ quan chức năng vào cuộc, quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm của nhà xe Thành Bưởi để chấn chỉnh, tránh những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cuộc kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách để kịp thời xử lý những vi phạm, làm trong sạch ngành vận tải hành khách, đảm bảo an toàn giao thông.
Nhiều nhà xe khác cũng có tai tiếng
Thực tế, thời gian qua, không chỉ có nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm mà nhiều nhà xe khác cũng có nhiều tai tiếng, nhưng chưa được xử lý triệt để, toàn diện.
Thống kê của Cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, qua dữ liệu giám sát hành trình, Sở GTVT các địa phương đã xử lý thu hồi phù hiệu của hơn 469 nghìn phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên (tính trên 1.000km lưu thông); nhắc nhở hơn 25 nghìn xe khác, đa số là xe khách. Số xe ô tô kinh doanh chạy quá tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên: TPHCM dẫn đầu cả nước với hơn 17,8 nghìn xe vi phạm, thu hồi 4,2 nghìn phù hiệu. Tiếp đến là Hà Nội với hơn 6,2 nghìn xe vi phạm, thu hồi phù hiệu hơn 3,4 nghìn xe. Bình Dương có hơn 4,1 nghìn xe vi phạm, thu hồi phù hiệu hơn 2,1 nghìn xe…
Cuối tháng 11/2022, Sở GTVT TPHCM báo cáo thành phố về việc xử lý tình trạng xe ô tô khách đón, trả khách không đúng nơi quy định. Trong số 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải cố tình vi phạm và vi phạm nhiều lần được Sở GTVT nêu tên, ngoài Thành Bưởi còn có Phương Trang, Thảo Châu, Thịnh Phát, Cao Lâm, Hùng Hiếu, Tân Lập Thành, Kim Hoàng, Thanh Thủy và Kim Mã.
Trước đó, tháng 6/2022, nhà xe Phương Trang cũng gây lùm xùm khi 3 tài xế xe khách Phương Trang đã hành vi vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông trên Quốc lộ 20 theo hướng từ Đà Lạt về TPHCM đã cùng lúc lấn làn vượt ẩu trên đỉnh đèo Bảo Lộc.
Nhà xe Phiệt Học cũng từng được dư luận biết đến với nhiều lùm xùm như năm 2020, do mâu thuẫn trong việc đón khách, Vũ Bá Hùng, nhân viên điều hành của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phiệt Học đã có hành vi dùng tay đánh anh Bùi Văn Khảm, lái xe của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ vận tải Đức Trưởng gây tỷ lệ tổn thương cơ thể 13%. Nhà xe này cũng nhiều lần bị báo chí phản ánh về việc mở thêm một loạt xe hợp đồng để trá hình tuyến cố định với tần suất 1 tiếng/chuyến từ 5h đến 20h mỗi ngày, trung chuyển đưa đón khách khắp nội thành Hà Nội và TP Thái Bình.
|
Trụ sở Công ty TNHH Thành Bưởi bị kiểm tra.
|
Một nhà xe khác là Công ty Công ty TNHH Mai Linh – Willer chi nhánh Thanh Hóa từng bị báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách như dùng xe trung chuyển không phép, thu giá vé cao hơn quy định; xin cấp phù hiệu xe trung chuyển của Sở GTVT Thanh Hoá nhưng lại hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội...đã bị Sở GTVT Thanh Hóa xử phạt.
Cụ thể, Thanh tra Sở GTVT đã lập 4 biên bản vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính Chi nhánh Công ty TNHH Mai Linh – Willer tại Thanh Hoá, 2 lái xe ô tô khách mang biển số 50LD-101.71 và 36F-000.86 với tổng mức tiền phạt 15.800.000 đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn 1 Giấy phép lái xe, 1 phù hiệu “Xe tuyến cố định”.
Một con số gây chú ý khác, theo thống kê từ các bến xe của Hà Nội, cuối năm 2022, có gần 600 xe khách đăng ký khai thác tuyến cố định liên tỉnh với Hà Nội, nhưng thực tế không vào bến, nhiều xe trong số này vẫn chạy nhưng lập bến cóc, chạy xe dù. Một số đơn vị có số lượng xe đăng ký lớn nhưng không vào bến như: Công ty Hoàng Vinh có 18 lượt xe/ngày tuyến Gia Lâm - Hưng Yên; Công ty Bus Hải Phòng có 26 lượt xe/ngày tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; Công ty Bắc Hà có 30 lượt xe/ngày tuyến Nước Ngầm - Bắc Giang; Công ty Đoàn Xuân có 18 lượt xe/ngày tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; Công ty Ô tô Phú Thọ có 15 lượt xe/ngày tuyến Mỹ Đình - Phú Thọ…
Để xử lý triệt để tình trạng trên, cùng với việc thanh, kiểm tra toàn diện các doanh nghiệp vận tải hành khách, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung điều chỉnh quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cần rà soát lại quy định pháp luật, sửa đổi ngay, tăng chế tài, phạt thật nghiêm đối với các nhà xe để nhân viên lái xe vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng. Chỉ có như vậy mới nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật, luật lệ giao thông, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông thương tâm từ các xe vận chuyển hành khách.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị quản lý vận tải hành khách có hành vi bao che, bảo kê, chống lưng cho các nhà xe vi phạm và xử lý nghiêm đối với những cán bộ thoái hóa, biến chất, không để tiêu cực tiếp tục xảy ra thì các giải pháp mới thực sự phát huy hiệu quả.
TP HCM bổ sung xe khi Thành Bưởi dừng hoạt động
Ngay sau khi fanpage chính thức của Công ty TNHH Thành Bưởi thông báo ngừng vận chuyển hành khách đi Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ từ ngày 29/10, Sở GTVT TPHCM đã làm việc với các bến xe liên tỉnh để sẵn sàng phương án đảm nhận khai thác cũng như tăng cường phương tiện nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân từ TP HCM đi Cần Thơ, Đà Lạt và ngược lại.
Theo Sở GTVT, Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) đã sẵn sàng phương án tăng cường thêm 100 xe khách đi từ nơi này đi TP Đà Lạt. Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), trung bình mỗi ngày hãng xe Thành Bưởi hoạt động 32 chuyến từ TPHCM đi Cần Thơ với khoảng 650 khách. Khi hãng này dừng hoạt động, lượng khách sẽ chuyển sang 4 đơn vị vận chuyển hành khách khác.
Sở GTVT TPHCM đánh giá nhu cầu đi lại của người dân từ TPHCM đi Cần Thơ, Đà Lạt và ngược lại đang trong giai đoạn bình thường, không phải thời gian cao điểm. Sở đã chủ động làm việc cùng các bến xe liên tỉnh, doanh nghiệp vận tải để sẵn sàng phương án cụ thể nhằm tăng cường phương tiện trong trường hợp phát sinh. Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM cũng đã làm việc với Tổng công ty TNHH MTV cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) để bố trí 40 xe trung chuyển hành khách miễn phí. Trong thời gian tới, Sở GTVT TP HCM sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đi lại của người dân để điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xe khách cố định Chi nhánh Công ty TNHH Mai Linh – Willer tại Thanh Hoá vi phạm kinh doanh vận tải