Thanh tra tỉnh Hải Dương vừa ban hành kết luận thanh tra đối với UBND thị xã Kinh Môn, các cơ quan chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường thuộc thị xã Kinh Môn trong việc thu, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí năm 2023; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án, công trình đã được nghiệm thu, quyết toán đến ngày 31/12/2023.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí.
|
Quang cảnh thị xã Kinh Môn (Ảnh minh họa) |
Giao dự toán thu ngân sách đầu năm cho các đơn vị thấp
Theo kết luận thanh tra, về thu ngân sách, việc xây dựng dự toán thu ngân sách của UBND thị xã Kinh Môn còn chưa sát với thực tế, chưa phân tích, đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện thu ngân sách năm trước (năm 2022), dẫn đến việc giao dự toán thu ngân sách đầu năm của UBND thị xã cho các đơn vị có một số chỉ tiêu giao thấp, chưa phù hợp với số đã thực hiện của năm trước và số thực tế đã thu trong năm. Cụ thể, thu phí, lệ phí 19,482 tỷ đồng/ 4 tỷ đồng (đạt 487%); thu tiền sử dụng đất 62,806 tỷ đồng/ 51,25 tỷ đồng (đạt 123%).
Việc thực hiện dự toán thu một số chỉ tiêu đạt thấp so với dự toán giao như: Thuế giá trị gia tăng 0,974 tỷ đồng/ 1,464 tỷ đồng (đạt 67%); thuế tài nguyên 0,98 tỷ đồng/ 1,56 tỷ đồng (đạt 63%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 1,577 tỷ đồng/ 1,751 tỷ đồng (đạt 90%).
UBND thị xã Kinh Môn giao dự toán thu ngân sách đầu năm đối với UBND các xã, phường và một số đơn vị chưa sát với tình hình thực tế, chưa đảm bảo tính tăng trưởng theo quy định; còn có một số chỉ tiêu giao thấp, chưa phù hợp với số thực hiện của năm trước và số thực thu trong năm, như giao thu thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất, thu phí, lệ phí, thu hoa lợi công sản.
Phòng TN&MT thu phí thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, Phòng Quản lý đô thị thu phí thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế - dự toán chỉ mở sổ thu, chi theo dõi tại phòng, chưa thực hiện báo cáo về Văn phòng HĐND&UBND thị xã để theo dõi hạch toán qua hệ thống tài khoản, sổ kế toán, tổng hợp và lập báo cáo nguồn thu phí theo quy định. Phòng Tài nguyên và Môi trường theo dõi số tiền phí thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đã thu được số tiền 794.025.013 đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra chưa có kế hoạch sử dụng, không còn nhiệm vụ chi.
Đối với UBND các phường, xã được thanh tra, kết luận thanh tra nêu rõ, việc xây dựng dự toán thu ngân sách của các phường, xã còn chưa sát với thực tế, khi xây dựng dự toán thu ngân sách chưa tính đúng, tính đủ các nguồn thu, dẫn đến việc giao dự toán thu ngân sách đầu năm của UBND thị xã cho đơn vị có một số chỉ tiêu giao (thu hoa lợi công sản, thu khác) còn chưa phù hợp với số đã thực hiện của năm trước và số thực tế đã thu trong năm.
Thực hiện dự toán thu một số chỉ tiêu đạt thấp so với dự toán được UBND thị xã giao: Thu phí, lệ phí (UBND các phường, xã được thanh tra); thu tiền sử dụng đất (UBND phường Thái Thịnh và UBND phường Minh Tân).
Cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất công ích bằng hình thức khoán thầu; tiền thu hoa lợi công sản, thu từ quỹ đất do UBND xã, phường quản lý còn để nợ đọng đến 31/12/2023 là 392.027.227 đồng (UBND các phường, xã: Hiến Thành 150.498.200 đồng; Minh Tân 140.649.767 đồng; Thái Thịnh 51.873.760 đồng; Lê Ninh 39.271.000 đồng; Phạm Thái 6.331.000 đồng; Hiệp Hòa 3.403.500 đồng). UBND phường Hiến Thành ký Hợp đồng cho thuê đất công ích thời hạn 5 năm, mức giao khoán không tính sản lượng bằng thóc, mà tính thu bằng tiền.
UBND xã Hiệp Hòa hạch toán chưa đúng tài khoản kế toán đối với khoản tiền thu hộ, chi hộ Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ đền ơn đáp nghĩa; cho 220 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất công ích nhưng chưa thực hiện ký hợp đồng cho thuê đất, với tổng diện tích là 92.363 m2; ký Hợp đồng giao khoán đất công ích, thời hạn 5 năm, nhưng thu trước 50% sản lượng, còn lại chia đều cho 5 năm.
Nhiều hạn chế trong chi ngân sách tại các đơn vị
Về chi ngân sách, kết luận thanh tra nêu rõ, UBND thị xã Kinh Môn giao dự toán chi NSNN cho các đơn vị dự toán còn chưa sát với nhiệm vụ chi, dẫn đến trong kỳ kế toán UBND thị xã phải điều chỉnh, bổ sung cân đối ngân sách để đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ chi; giao dự toán thực hiện đầu tư một số công trình hạ tầng đô thị do Phòng Quản lý đô thị được giao làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2023 là chưa đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, còn có việc cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ cho đơn vị không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thị xã.
Đối với các đơn vị trực thuộc UBND thị xã được thanh tra, kết luận thanh tra cho thấy, một số đơn vị dự toán thanh toán qua Văn phòng HĐND-UBND thị xã xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công có nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế tài sản được trang bị, quản lý, sử dụng tại các đơn vị, cán bộ công chức sử dụng tài sản tại các đơn vị và chức năng nhiệm vụ riêng của từng đơn vị (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị).
Văn phòng HĐND-UBND thị xã định kỳ chưa thực hiện việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu giữa đơn vị phát sinh nguồn thu để đảm bảo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu phí được thu đúng, thu đủ vào NSNN (các đơn vị phát sinh nguồn thu: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị).
Văn phòng HĐND-UBND thị xã chưa thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính; còn chấp hành chưa tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện xây dựng phần mềm Quản lý nhiệm vụ, công việc đã nghiệm thu, quyết toán, thanh toán, nhưng chưa được tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm là chưa đáp ứng hiệu quả kinh phí đầu tư.
Một số đơn vị lập dự toán chưa sát với thực tế chi ngân sách, nên trong năm còn phải bổ sung kinh phí để chi (Văn phòng HĐND&UBND thị xã, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường); có đơn vị phải chuyển nguồn sang năm sau (Văn phòng HĐND&UBND thị xã 2.307.951.899 đồng, Phòng Quản lý đô thị 1.836.738.878 đồng); có đơn vị phải hủy dự toán (Phòng Tài nguyên và Môi trường 15.826.000 đồng; Phòng Quản lý đô thị 90.888.295 đồng).
Theo kết luận thanh tra, đối với các Trường THCS, Tiểu học được thanh tra, một số đơn vị trường học xây dựng mức khoán chi công tác phí cho Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trong Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2023, nhưng chưa giải trình làm rõ được căn cứ phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng là chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 6 Quyết định 32/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của UBND tỉnh Hải Dương (các Trường: THCS Minh Tân, THCS Minh Hòa, Tiểu học An Phụ).
Một số gói thầu mua sắm, sửa chữa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được Nhà trường triển khai thực hiện còn có nội dung chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 và Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (các Trường: THCS Minh Tân, Tiểu học An Phụ, Tiểu học An Lưu).
Các Nhà trường thực hiện thanh, quyết toán hợp đồng bảo trì hệ thống trang thông tin điện tử tích hợp nhà trường và bảo trì hệ thống quản lý, theo dõi tổng hợp dự toán, quyết toán chi ngân sách của đơn vị trước thời hạn theo hợp đồng bảo trì, lấy báo giá của nhà cung cấp nhưng không có ký đóng dấu của đơn vị cung cấp. Một số đơn vị chi công tác phí cho cán bộ đi tập huấn nghiệp vụ còn thiếu văn bản cử cán bộ đi tập huấn (Trường THCS Minh Tân, Trường Tiểu học An Phụ, Trường Tiểu học An Lưu).
Trường Tiểu học An Lưu và Trường THCS Hiến Thành chưa theo dõi, phản ánh kịp thời, đầy đủ một số khoản thu khác (thu hoa hồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể) trên sổ sách kế toán, báo cáo tài chính của đơn vị. Trường THCS Minh Tân chưa thực hiện điều chỉnh giảm số chi quyết toán nguồn học phí năm 2023 số tiền 45.057.600 đồng tương ứng với số trích lập thiếu nguồn cải cách tiền lương năm 2022; chưa mở sổ theo dõi sử dụng văn phòng phẩm.
Đối với UBND các phường, xã được thanh tra: UBND các phường, xã chưa mở sổ theo dõi sử dụng văn phòng phẩm; lập một số chứng từ thanh toán còn thiếu thông tin ngày tháng, chữ ký của người có liên quan. Một số khoản chi mua hàng hóa, văn phòng phẩm còn thiếu kế hoạch dự trù kinh phí (UBND xã Lê Ninh và UBND phường Hiến Thành), thiếu Biên bản bàn giao hàng hóa (UBND các phường, xã: Lê Ninh, Hiệp Hòa, Hiến Thành, Thái Thịnh); một số khoản chi thuê máy, chi thuê sửa chữa còn thiếu đề xuất, biên bản kiểm tra hiện trạng, biên bản nghiệm thu khối lượng (UBND các phường, xã: Hiệp Hòa, Phạm Thái, Thái Thịnh, Minh Tân).
UBND phường Hiến Thành chưa thực hiện việc công khai tài sản công, kiểm kê tài sản hằng năm theo quy định. UBND xã Hiệp Hòa lập Phiếu chi tiền mặt trợ cấp hưu trí nhưng không ghi số phiếu chi.
Theo Thanh tra tỉnh Hải Dương, để xảy ra các hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên, trách nhiệm thuộc về: Lãnh đạo UBND thị xã phụ trách lĩnh vực; Chủ tịch UBND các phường, xã và Thủ trưởng các đơn vị dự toán, các đơn vị có chức năng tham mưu trực thuộc UBND thị xã được thanh tra và các đơn vị, cá nhân có liên quan thời điểm năm 2023.
Thanh tra tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị các Trường Tiểu học, THCS được thanh tra tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót được nêu trong phần kết quả xác minh. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những hạn chế, thiếu sót trong công tác thu, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí.
>>> Mời độc giả xem thêm video Báo cáo hồ sơ cấp sổ đỏ đúng hẹn 100%, thanh tra phát hiện 80% trễ hạn