Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi phỏng vấn ông Nguyễn Túc (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) để hiểu rõ hơn về những lời căn dặn của Bác với cán bộ, đảng viên.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, trong bản Di chúc lịch sử ra đời cách đây 50 năm, Bác Hồ viết: "Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”, tuy nhiên nhiều cán bộ ngày nay chỉ biết lãnh đạo mà quên mất trách nhiệm "người đầy tớ trung thành của nhân dân".
- Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý khiến nhân dân bức xúc...
Đảng viên không giữ được bản chất như Bác nói “cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư” thì sẽ tha hóa rất nhanh.
Vấn đề này lần đầu tiên được đề cập tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Đại hội XII trong báo cáo chính trị đã ghi “một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất”; Đại hội XIII không còn "một số" mà là “một bộ phận cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất”; Đại hội IX lên đến “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất”; Đại hội X đến XII vẫn giữ nguyên câu chữ như vậy.
Sự thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên tịnh tiến dần. Điều này vi phạm nghiêm trọng Di chúc của Bác. Kể từ ngày “Đổi mới” đến nay, có rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra. Đây là điều Bác đã thấy trước, đã tiên đoán được.
Trong Di chúc Bác có nói: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới”.
Đến nay, nước ta đã giải quyết được vấn đề hòa bình, thống nhất, độc lập, tuy nhiên để được dân chủ và giàu mạnh thì phải giải quyết được vấn đề người lãnh đạo phải là đầy tớ nhân dân, phải phục vụ nhân dân.
Vấn đề tham nhũng, thoái hóa biến chất trong cán bộ, đảng viên là những điều chúng ta phải suy nghĩ, vì nó đang gây bức xúc trong nhân dân.
|
Ông Nguyễn Túc (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) trả lời phỏng vấn VTC News. |
Hiện nay, không ít lãnh đạo chỉ biết lãnh đạo mà quên mất trách nhiệm “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển là biểu hiện tha hóa, suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên như vậy thì làm sao xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân” như Bác nói.
- Vậy nguyên nhân nào khiến một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên thoái hóa, biến chất, thưa ông?
Một trong những nét nổi bật nhất của công cuộc Đổi mới của nước ta đó là phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN.
Một khi đã chấp nhận phát triển kinh tế nhiều thành phần sẽ phải chấp nhận thu nhập khác nhau, mà thu nhập khác nhau thì dẫn đến lối sống không giống nhau. Đây là thực tế mà nước ta phải chấp nhận, chấp nhận sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Hai yếu tố cơ chế thị trường, cạnh tranh tác động mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Muốn cơ chế thị trường thì quyền của người đứng đầu phải rất lớn.
Trong thời kỳ bao cấp, giải phóng dân tộc thì cái tôi phải phục tùng cái ta, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn quốc phục vụ để chiến thắng. Để giải quyết được cái tôi và cái ta đó, Đảng ta chủ trương hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và của những người lãnh đạo.
Tuy nhiên, thực tế không ít lãnh đạo không giải quyết hài hòa cái tôi và cái ta, thường lấy cái tôi nhiều hơn cái ta. Điều này dẫn đến thoái hóa biến chất, tham nhũng. Tham nhũng này không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới có nền kinh tế thị trường.
- Trong rất nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua, không ít vụ việc lại xảy ra trong ngành quân đội, công an - hai lực lượng được ví như là 'thanh kiếm, lá chắn' bảo vệ Đảng và chế độ...
Theo tôi, sự quản lý, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với hai lực lượng quan trọng đảm bảo trật tự an ninh và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua có nhiều thiếu sót. Giao quyền hành nhiều hơn đối với lực lượng này nhưng giám sát ít hơn. Quân ủy Trung ương và Đảng ủy công an Trung ương giám sát không đến nơi đến chốn những người được trao trách nhiệm.
Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng và Đại hội Mặt trận thời kỳ Đổi mới, tham nhũng vặt xảy ra ở công an giao thông, hải quan, thuế vụ, ngân hàng… Lúc đầu ở cơ sở, dần dần tham nhũng lên cấp cao hơn. Những ủy viên Trung ương Đảng lần đầu tiên bị xử lý hình sự trong đó có mặt những lãnh đạo công an.
Đây là cái đáng lo, giao quyền nhiều nhưng buông lỏng quản lý, giám sát không đến nơi đến chốn. Nhiều người được giao quyền tự tung tự tại, dẫn đến những sự việc đau lòng, đáng tiếc đối với lực lượng quân đội và công an như vừa qua.
Điều này một mặt nghiêm khắc trách những cán bộ lãnh đạo vi phạm, mặt khác những người đứng đầu, cấp quản lý cũng phải tự soi mình, xem xét trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc sai phạm của cấp dưới trong đơn vị do mình quản lý.
- Vi phạm của cán bộ, đảng viên trong quân đội, công an đã tích tụ trong thời gian dài, vậy tại sao bây giờ mới bị xử lý?
Tôi nghĩ điều này là do thế lực “lợi ích nhóm” lúc đó còn khá mạnh, giữ vai trò quan trọng ở trong lực lượng quân đội và công an cũng như trong hệ thống chính trị nước ta. Đến giờ, sau khi một loạt cán bộ, lãnh đạo trong quân đội và công an bị xử lý một cách nghiêm túc, bị cả xã hội lên án thì những “lợi ích nhóm” dần thun vòi lại.
Trong báo cáo chính trị Đại hội XI, XII đã nói đến việc “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất”. Bộ phận không nhỏ này không chỉ ở cấp cơ sở, cấp tỉnh mà còn nằm ở cấp Trung ương. Vì vậy, dẫn đến việc có những lúc Bộ Chính trị định xử lý một cán bộ, đảng viên cấp cao nhưng khi đưa ra Trung ương thì Trung ương không cháp nhận.
Vừa qua, một loạt vụ án đã cho thấy rất nhiều ủy viên Trung ương, kể cả Bộ Chính trị bị xử lý. Chính những người này đã cản trở quyết định Trung ương đưa ra, trở thành lực cản lớn. Do đó, cần thanh lọc đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, không chỉ cấp dưới mà ở cấp chiến lược.
Đại hội XIII đang tiến hành từng bước thận trọng để những người thoái hóa biến chất như vậy không còn chỗ đứng trong cơ quan lãnh đạo cao nhất.
- Phải chăng có thế lực "bảo kê" cho những sai phạm của cán bộ, đảng viên trong lực lượng quân đội và công an nên những sai phạm này đến giờ mới bị vạch trần?
Tôi không nghĩ vậy. Đối với lực lượng công an và quân đội, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp. Đảng ta phải tự kiểm điểm, sự lãnh đạo của Đảng chưa đảm bảo hết sáu chữ này (toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp - PV), buông lỏng chỉ đạo, giám sát dẫn đến tình trạng trên.
Bên cạnh truy tố hình sự đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm thì các cấp ủy đảng trong quân đội và công an cũng phải xử lý cho thảo đáng, không thể để cấp dưới như vậy mà cấp trên không vấn đề gì.
Vừa qua, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã nhìn thấy điều đó, không chỉ xử lý những lãnh đạo quân đội và công an vi phạm trực tiếp mà còn xử lý những người phụ trách, có trách nhiệm liên đới.
Điều này rất được lòng của nhân dân. Nếu không làm được như vậy, không xử lý nghiêm thì sẽ không nhận được sự đồng tình trong Đảng cũng như sự ủng hộ của nhân dân.
- Để đưa nhiều tướng lĩnh ngành quân đội và công an ra xử lý như vừa qua, cần có sự quyết liệt, thống nhất ý chí mạnh mẽ từ trên xuống dưới, thưa ông?
Nếu không có những Nghị quyết, nhất là Nghị quyết TW 4 khóa XII, cũng như không có cuộc vận động trong các cấp ủy đảng thì rất khó thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng nói chung và trong lực lượng quân đội và công an nói riêng vì lực cản là rất lớn.
Tuy nhiên, đến khi những Nghị quyết đó đi vào cuộc sống, được hầu hết cấp ủy hoan nghênh, tán thành, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của nhân dân thì mọi việc diễn ra thuận lợi. Hầu hết các vụ trọng án vừa qua mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu ra đều do dân phát hiện, và sau đó cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin, sau đó cơ quan nhà nước vào cuộc.
Bác Hồ đã khẳng định: “Có dân là có tất cả. Nước ta là nước dân chủ... Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Giờ đây, nếu huy động được sức mạnh của dân thì “củi khô, củi tươi đều cháy”. Nhiều vụ việc do dân phanh phui ra, khơi được sức mạnh của dân vào cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay thì mọi việc sẽ suôn sẻ.
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ". Những sai phạm như vừa qua trong quân đội và công an ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, uy tín của Đảng?
Những vụ án mà tướng lĩnh quân đội và công an bị đem ra xử lý trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, người dân cũng nhận thức được đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong lực lượng quân đội và công an.
Bên cạnh những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất thì còn có rất nhiều tấm gương tốt trong quân đội và công an. Như trường hợp trưởng công an xã ở Thanh Hóa hy sinh trong đợt bão, lũ quét vừa qua để cứu dân. Rồi rất nhiều tấm gương cảnh sát giao thông, cảnh sát chống ma túy… trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Cái nhìn của người dân giờ đây cũng bao dung, tổng thể hơn. Nếu chỉ nhìn số những người vi phạm mà đánh giá cả lực lượng quân đội và công an thì rất nguy hiểm. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ai canh giữ đảo, ai trực chiến đấu?
- Lực lượng quân đội và công an cần làm gì để lấy lại niềm tin của nhân dân, thưa ông?
Như Di chúc của Bác nói: “Cán bộ, đảng viên phải là những người lãnh đạo, đầy tớ trung thành của nhân dân”. Các tướng lĩnh công an, quân đội phải là những là người mẫu mực, là những tấm gương để cấp dưới noi theo. Gương mẫu cả trong lời nói và việc làm. Dân nhìn vào việc làm của những cán bộ, đảng viên chứ không phải lời nói.
Trước đây, thời kháng chiến cứu nước, có nhiều thế hệ tướng lĩnh như ông Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Chí Thanh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)… là những tấm gương sáng, không ai nói được gì, chỉ có tiếc thương.
Dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, theo tôi chúng ta cứ làm đúng như Bác dặn bằng trái tim của người cộng sản, nhà cách mạng. Lãnh đạo nhậm chức vì lợi ích của cá nhân là không được.
Thời chúng tôi, nhiệm vụ Đảng giao nhưng cán bộ, đảng viên thấy không đảm đương được thì một thời gian xin rút. Thường vụ Trung ương Đảng năm 1941-1945, lúc bấy giờ giao ông Hoàng Quốc Việt làm Tổng Bí thư nhưng ông Hoàng Quốc Việt báo cáo Thường vụ Trung ương rằng ông có thực tiễn nhưng không có lý luận và đề nghị ông Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Hay như sau khi ông Hoàng Văn Thụ mất, ông Nguyễn Lương Bằng được bổ sung vào vị trí Thường vụ Trung ương để phụ trách Tổng bộ Việt Minh. Sau khi Tổng bộ Việt Minh hoàn thành, ông Nguyễn Lương Bằng xin rút khỏi Thường vụ Trung ương.
Thời khó khăn, kháng chiến cứu nước là vậy. Còn giờ đây thì không có chuyện cán bộ, đảng viên xin rút, xin từ chức.
- Có thể thấy, thời gian qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được thực hiện quyết liệt, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Thực tế mấy năm qua, từ Đại hội XII đến nay, có điều đó rất được dân đồng tình, hoan nghênh. Nếu đà này tiếp tục thì niềm tin của dân sẽ được củng cố, phát huy.
Sau Nghị quyết TW 4 Đại hội XII, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhiều vụ án lớn bị đưa ra xử, một loạt biện pháp chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta làm quyết liệt.
Tôi nghĩ với cái đà này, nếu chúng ta làm mạnh hơn nữa thì nhất định niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, sự quản lý của Nhà nước sẽ được củng cố, phát huy.
Cuộc chiến chống tham nhũng cần một người lãnh đạo cương quyết, trong sạch, không ai soi mói được.
Theo tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người như vậy, đúng như những lời Bác dặn trong Di chúc: “Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm chính - chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Cuộc chiến chống tham nhũng cần một người công tâm như vậy, dân đang tin và mong Tổng Bí thư vững cờ để tiếp tục.
- Xin cảm ơn ông!