Nghề y cần được trân trọng và sẻ chia, thấu hiểu bởi nghề y là một “nghề đặc biệt”, nó đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình.
|
Ca ghép phổi do các bác sĩ Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Đỗ Thoa |
Cách đây đúng 64 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Bức thư tuy ngắn, nhưng trong đó thể hiện nhiều nội dung quan trọng, được nhiều người ví như lời thề Hypocrat đối với ngành Y tế nước nhà. Và từ đó đến nay, ngày này được coi là ngày tôn vinh các y, bác sĩ, những người đang làm việc trong ngành Y tế - “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu...”, 64 năm qua, toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã nỗ lực cống hiến, thể hiện y đức của người thầy thuốc, hết lòng cứu chữa người bệnh. Và lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam và động lực cho đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Có được thành tích ấy là kết quả của sự nỗ lực, hy sinh âm thầm của hàng vạn thầy thuốc đang có mặt trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo vì sức khoẻ mỗi người và hạnh phúc mỗi gia đình, góp phần làm nên sức mạnh quốc gia.
Nhìn lại chặng đường phát triển 64 năm qua của ngành y tế, những người thầy thuốc luôn lấy lời Bác Hồ dạy "Lương y phải như từ mẫu" làm lẽ sống, làm phương châm hành động nhằm nâng cao y đức, rèn luyện y thuật, phát triển y nghiệp, đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Những cống hiến của mỗi người thầy thuốc tuy lặng thầm nhưng hết sức to lớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh, giúp toàn ngành đạt nhiều thành tựu quan trọng trong y học dự phòng cũng như công tác khám bệnh, chữa bệnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
64 năm xây dựng và phát triển, ngành y tế nước ta đã trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế. Chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên, đạt nhiều thành tựu to lớn trong thực hiện sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nếu như năm 1954 cả nước chỉ có 300 y bác sỹ thì đến nay toàn Ngành đã có 460 nghìn cán bộ, nhân viên, 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 8,2 bác sỹ/1 vạn dân, cao hơn bình quân các nước ASEAN. Trình độ y tế có bước tiến bộ vượt bậc, ngang tầm khu vực.
Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Y tế trong năm 2018 phải kể đến là: Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vắc xin cúm mùa “3 trong 1,” vắc xin sởi do Việt Nam sản xuất được Chủ tịch JICA trao giải thưởng quốc tế; Bộ Y tế Việt Nam được vinh danh tại Hội nghị toàn Thế giới về “Thuốc lá hay sức khoẻ” lần thứ 17 và nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg về kiểm soát thuốc lá; đặc biệt lần đầu tiên, các bác sĩ của chúng ta đã thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân; hay như tính đến hết năm 2018 đã có trên 82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 87,5% dân số, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao; Bộ Y tế đã triển khai và nhân rộng mô hình của 26 trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở...
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Y tế đang tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ; đổi mới công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng...; đồng thời, Ngành cũng đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, các kinh nghiệm quý báu của y học cổ truyền trong công tác phòng và khám chữa bệnh; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế trong nước. Đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế không ngừng học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức.
|
Các bác sĩ giành giật sự sống cho trẻ trong đợt dịch sởi bùng phát.
Ảnh: Đỗ Thoa |
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành Y tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khả năng đáp ứng chưa theo kịp nhu cầu của người dân; có sự chênh lệch trong thụ hưởng dịch vụ y tế giữa người dân các vùng miền; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe… Vì vậy, ngành Y tế cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa; khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...
Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu, môi trường sống, dịch bệnh, xu hướng ăn uống, tiêu dùng…diễn biến phức tạp khó lường, đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân thì nhiệm vụ đặt ra cho toàn ngành y tế trong thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.
Nghề y là nghề cao quý, thầy thuốc là những người rất xứng đáng và cần được tôn vinh. Ðể hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế cần phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành; nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Với mỗi người thầy thuốc, muốn tinh thông nghề nghiệp trước hết phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Ðạo đức ngành y là một phẩm chất cao đẹp của người làm công tác y tế, vì vậy đã là người thầy thuốc thì dù hoàn cảnh nào cũng cần phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống để trở thành một người thầy thuốc vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lòng tin của người dân cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thầy thuốc như mẹ hiền".
|
Khám chữa bệnh cho nhân dân tại cộng đồng là một trong những hoạt động thường xuyên của ngành Y tế. Ảnh: Đỗ Thoa |
Có thể nói, những sự cố của ngành Y tế trong thời gian gần đây chỉ là phần rất nhỏ bên cạnh sự hy sinh, cống hiến của đông đảo những người thầy thuốc để giành giật sự sống, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Chúng ta cần có sự khách quan, công bằng với ngành Y tế và báo chí cần có cách truyền thông phù hợp để người dân có cái nhìn đúng đắn về ngành này.
Ngành Y là ngành nhạy cảm bởi gắn liền với con người, yếu tố chuyên môn hòa trộn trong tính nhân văn, vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ y tế từ biên giới tới hải đảo, từ nơi phồn hoa đô hội tới vùng sâu, vùng xa vẫn ngày đêm đồng hành cùng nỗi đau người bệnh, lặng thầm hy sinh giành giật sự sống khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng đi cùng những lặng thầm, những hăng say, những dũng cảm…, ngành Y cần lắm sự đồng hành sẻ chia của người bệnh, của nhân dân. Mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản vất vả, nguy hiểm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng thực hiện nhiệm vụ cao cả “chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng!