Nguyên tắc, chuẩn mực người làm báo trong hệ thống báo chí LHHVN

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 18/12/2018 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nguyên tắc, chuẩn mực của người làm báo trong hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch LHH cho biết: Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức có hệ thống báo chí lớn. Mặc dù đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung, nhưng báo chí LHH vẫn còn nhiều dư địa, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng rất lớn từ đội ngũ đông đảo các trí thức, các nhà khoa học đủ mọi lĩnh vực”.
“Do đó, để đội ngũ các nhà báo và các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí LHH phát huy được vai trò to lớn của mình, cần phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc và bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực của người làm báo. Đây là vấn đề lớn cần được các đại biểu dự hội thảo thông tin, trao đổi, tham luận tích cực để đi đến những nội dung tương đối rõ nét và thống nhất về vấn đề được đề cập tại Hội thảo; giúp cho hoạt động báo chí của chúng ta đạt những kết quả cao hơn…”, ông Mậu phát biểu.
Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đã được trình bày.
Nguyen tac, chuan muc nguoi lam bao trong he thong bao chi LHHVN
 
Với 20 năm "chinh chiến", nhà báo Bùi Hoàng Tám - báo Dân Trí cho rằng, nghề báo có những nguyên tắc, chuẩn mực và mang khái niệm chung, vừa mang đặc trưng riêng, trong đó có ba nguyên tắc bất biến.
Thứ nhất, không được phép nói sai sự thật. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó bởi sự thật chỉ có một, những cái “giống như sự thật” thì nhiều. Vậy làm sao để tiếp cận sự thật? Để làm được điều này, không chỉ công sức mà rất cần trí tuệ và kinh nghiệm.
Thứ hai là động cơ tác giả. Vấn đề nằm ở chỗ, động cơ đó là gì? Tốt hay xấu? Một khi động cơ không trong sáng thì việc bẻ cong ngòi bút là khó tránh khỏi.
Và thứ ba là tính chuẩn mực. Khi đưa tin hoặc phê phán bất cứ điều gì, hãy đặt mình vào vị thế, vị trí của người bị phê phán. Sự chuẩn mực ở đây nằm ở sự chừng mực và tuyệt nhiên không đẩy bất cứ ai đến “bước đường cùng”.
Nhà báo Nguyễn Hữu Bắc (Báo Đất Việt) cho rằng, với sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội khiến môi trường làm việc của nhà báo trở nên rộng lớn và dần dần không còn “biên giới cứng” trong tác nghiệp.
“Đây vừa thuận lợi vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều này đặt ra cho những người làm báo rất nhiều vấn đề về pháp luật, đạo đức và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ công dân của nhà báo. Đặc biệt là yêu cầu người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội”, nhà báo Nguyễn Hữu Bắc chia sẻ.
Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi (Hội Nhà báo Việt Nam) nhận định, sự thực là sinh mệnh của báo chí. Do đó, báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả mà còn phải định hướng dư luận, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)