Tới tham dự hội thảo có TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TS Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại biểu đại diện các ban ngành.
Phát biểu khai mạc, TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh, việc tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện các Luật này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trong đó, có nhiều vấn đề cần được các chuyên gia quan tâm thảo luận như: Thời gian học tập của học sinh phổ thông, chính sách đối với giáo viên, định mức, số lượng giáo viên, tỷ lệ giáo viên trên học sinh, tỷ lệ giáo viên trên lớp…
|
TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc |
Là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Đức Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, trong dự luật còn hơn 26 điều giao cho Chính phủ và các bộ, ngành quy định. Cái gì quy định được thì nên quy định rõ ngay trong luật, không thể tiếp tục chờ các bộ, ngành giải quyết. Trong đó, tôi thấy từ nguyên lý giáo dục đến phương pháp còn dông dài, diễn đạt trừu tượng, khó hiểu; chủ trương đổi mới nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Có những vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng hơn, sẽ không hiệu quả.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Vi Khải – Nguyên Thành viên Ban NC của Thủ tướng cho rằng, với 10 Chương 121 điều. Bộ luật khá dài, khá toàn diện, chi tiết. Tuy nhiên, đặt vấn đề trong hoàn cảnh nhiều thách thức và cơ hội như hiện nay không ít ý kiến băn khoăn Bộ luật này đã tương xứng với tầm của vấn đề này chưa – nền tảng của sự phát triển đất nước thời hội nhập – phát triển kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ 4.0. Cũng theo ông Khải, Bộ luật này rất quan trọng tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững đất nước sau này, chính vì vậy cần có tư duy bứt phá vượt lên ngay trong bộ luật cơ bản này.
Trong Bộ luật này có một số ý trùng lặp như Mục 2 Điều 14 có nhiều ý lặp lại Mục 3 Điều 12: “Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người khuyến tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.
“Điều 14 Khoản 2: Nhà nước… cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác…”, ông Khải nêu rõ.
Ngoài nội dung thảo luận trên, các đại biểu quan tâm cũng đưa ra quan điểm có giữ hay không kì thi tốt nghiệp THPT; có công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề; bố trí thời gian để học sinh phổ thông không học cuối tuần; chính sách lương cho giáo viên; có nên có mức trần học phí trong giáo dục.
Đặc biệt, Luật cần quy định rõ, cụ thể hơn công tác phân luồng học sinh, bởi đây là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Cùng với đó, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm yêu cầu thị trường, nhu cầu của người học, quy định quản lý trường công - tư, chế độ cho giáo viên được điều chuyển lên làm quản lý, biên soạn sách giáo khoa, chính sách giáo viên...