Luật Trật tự An toàn giao thông (ATGT) đường bộ với 09 Chương, 89 Điều đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật Trật tự ATGT đường bộ đó là các điều khoản về điểm trừ GPLX.
Thời gian này, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Đây là văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo dự thảo nghị định, ngoài phạt vi phạm hành chính bằng tiền, có 189 hành vi sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe từ 2 đến 12 điểm. Trong đó 28 hành vi bị trừ 12 điểm. Đây đều là lỗi có tính cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
|
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trừ điểm. |
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đây là quy định mới, không phải là chế tài mà là một biện pháp quản lý để tính yếu tố “tái phạm” trong vi phạm hành chính về giao thông. Đồng thời, đảm bảo công bằng hơn giữa những người ít vi phạm và những người thường xuyên vi phạm trong thời gian ngắn.
Với những người liên tục vi phạm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị trừ điểm trên giấy phép lái xe, khi bị trừ hết 12 điểm thì đồng nghĩa với việc sẽ không được lái xe trong một thời gian nhất định cho đến khi thực hiện các thủ tục để phục hồi lại điểm số này theo quy định của pháp luật.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe là hợp lý và có tính khả thi bởi hiện nay Việt Nam đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng và đang thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý xã hội, trong đó có quản lý lĩnh vực hành chính về giao thông đường bộ, về cấp giấy phép lái xe. Bởi vậy đây là cơ sở về hạ tầng, là điều kiện để đảm bảo quy định này có thể thực hiện trên thực tế, đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng.
Là tài xế xe khách đường dài tuyến Quảng Ninh - Lào Cai, anh Nguyễn Trọng Tài bày tỏ, hoàn toàn ủng hộ quy định trừ điểm giấy phép lái xe nếu vi phạm giao thông. Anh Tài cho rằng, quy định này có tính răn đe mạnh mẽ đối với những người ý thức chấp hành luật lệ giao thông kém, thường xuyên vi phạm, từ đó góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời sẽ đảm bảo công bằng trong việc xử lý vi phạm giao thông, sẽ không có chuyện đánh đồng giữa những người vi phạm lần đầu, ít vi phạm và những người thường xuyên vi phạm.
|
Chị Phạm Thị Yến bày tỏ quan điểm. |
Thường xuyên chứng kiến nhiều trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều gây tai nạn đáng tiếc, chị Phạm Thị Yến (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, đề xuất của Bộ Công an sẽ hạn chế được các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
"Hình thức trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm giao thông có tính khả thi cao và chắc chắn sẽ sớm đi vào cuộc sống. Nếu làm nghiêm sẽ hạn chế được tình trạng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ gây nguy hiểm, nhất là tại các thành phố lớn và khu đô thị đông đúc", chị Yến nói.
Tuy nhiên, một số người cũng lo ngại về tính khắt khe của việc trừ điểm GPLX khi thực trạng giao thông của Việt Nam khó có thể không vi phạm.
"Quy định là rất tốt và theo xu hướng thế giới đang thực hiện, nhưng việc người tham gia giao thông có chấp hành không thì là vấn đề khá khó. Thực tế, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đô thị, nên dễ bị vi phạm giao thông. Đặc biệt, với những người lao động phổ thông, hoàn cảnh khó khăn, vì nhu cầu kinh tế nên bắt buộc phải vi phạm. Có thể sẽ có người không cần thiết GPLX sẽ không thi lại hay cố giữ điểm", anh Nguyễn Đức Sơn, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hành vi bị trừ 12 điểm gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở; điều khiển xe mà cơ thể có chất ma túy, chở hàng quá tải 150% trọng tải cho phép; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, điều khiển vô lăng bằng chân; lái ôtô quá tốc độ trên 35 km/h...
Các lỗi bị trừ 10 điểm gồm điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở.
Lỗi bị trừ 6 điểm gồm: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển hoặc người kiểm soát giao thông; lái xe đi ngược chiều trên cao tốc, lùi xe trên cao tốc; gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn...
Lỗi bị trừ 3 điểm như vi phạm các lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, không có tín hiệu cảnh báo khi dừng đỗ xe... mà gây tai nạn.
Lỗi bị trừ 2 điểm như điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; kéo, đẩy xe khác...
Theo Ban soạn thảo, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Người vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đó.
Dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính. Việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được tự động thực hiện trên hệ thống.
Việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục việc chấp hành pháp luật, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện giao thông.
>>>Mời độc giả xem thêm video Gia tăng đột biến người xin cấp đổi Giấy phép lái xe sau Nghị định 100 có hiệu lực: