Chiều 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 đã đạt những kết quả quan trọng.
|
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo trước Quốc hội.
|
Cụ thể, chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2021. Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, trong năm 2020, tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019. Hiện nay, đã có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Trong đó, có 1 công ty đã thành lập 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và thu hút được gần 200 lao động và 2 doanh nghiệp tham gia đóng góp; tổng tài sản của 3 quỹ này là 71,4 tỷ đồng.
Bộ trưởng cũng cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Hiện nay, có trên 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động; có trên 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ. Cơ quan BHXH đã tiến hành rà soát trên 196.000 doanh nghiệp và xác định được gần 388.000 lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 là 622.020 đơn vị, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019...
Để triển khai tốt việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH trong thời gian tới, Bộ trưởng kiến nghị, đề xuất với Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH...
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.