Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 TPHCM chiều ngày 10/7, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, đến thời điểm này, thành phố lập 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ.
|
TPHCM thiết lập 157 điếm giám sát người dân đi lại trong thời gian phong tỏa toàn đia bàn theo Chỉ thị 16. Ảnh: Anh Tú |
Ngoài ra, Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã lập 266 chốt kiểm soát tại địa phương để thực hiện Chỉ thị 16.
Thống kê đến 12h trưa nay, tất cả các các chốt kiểm soát kiểm đã tra gần 52.000 phương tiện các loại và hơn 33.000 người.
Lực lượng chức năng đã lập biển 203 trường hợp không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở của kinh doanh dịch vụ không thiết yếu với tổng số tiền xử phạt 389 triệu đồng.
Bổ sung thêm thông tin, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, tính đến 17h chiều nay, cơ quan chức năng UBND các quận huyện và Thành phố Thủ đã xử phạt 841 triệu đồng các hành vi ra khỏi nhà không cần thiết, tiếp tục mở kinh doanh các mặt hàng bị tạm dừng và tập trung đông người nơi công cộng.
Theo trung tá Nguyễn Văn Bình - Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TPHCM), tại 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc đeo khẩu trang, giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 và xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy xét nghiệm.
Trung tá Nguyễn Văn Bình lưu ý, khi ra đường phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, khai báo y tế điện tử. Ngoài ra, người dân phải mang theo các loại giấy tờ theo luật giao thông đường bộ (bằng lái, giấy đăng ký xe), CCCD/CMND.
Đặc biệt, người dân đi lại do nhu cầu công việc cần có giấy tờ xác nhận công tác, thẻ nhân viên của cơ quan, đơn vị.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, tại các chốt kiểm soát ở Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, trong số các trường hợp kiểm tra, không phải trường hợp nào cũng bị xử phạt. Chỉ những trường hợp lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần vẫn cố tình vi phạm thì mới bị xử phạt.
Chỉ thị 16 nêu rõ người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ), làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao... khi ra khỏi nhà phải đảm bảo nguyên tắc 5K.
Thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính người ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.