Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Nguyên nhân từ đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều năm qua, bãi rác Nam Sơn là điểm nóng nhức nhối của Hà Nội, hết năm này sang năm khác, người dân liên tiếp chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Vậy nguyên nhân do đâu khiến người dân lặp đi lặp lại hành động này?

Cơn khủng hoảng rác thải của TP Hà Nội mấy ngày qua đã tạm thời chấm dứt khi trưa ngày 17/7, người dân khu vực không còn chặn đường vào khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Chỉ sau đó 3 giờ, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã tiếp nhận 30 chuyến xe vận chuyển gần 300 tấn rác thải. Chi nhánh đã huy động tối đa nhân lực ứng trực 24/24 giờ để phân luồng, tiếp nhận rác.
Cùng ngày, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) đã thông báo các địa phương, nhà thầu vệ sinh môi trường điều chỉnh phương án phân luồng rác thải như trước đây.
Theo đó, rác thải tại 12 quận và các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh được vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Đồng thời, UBND thành phố cũng đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, nhân lực để giải tỏa nhanh các điểm tập kết khi thông bãi.
Tuy nhiên, người dân cho rằng, để giải quyết dứt điểm sự việc trên, Hà Nội cần làm rõ các vướng mắc của người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác lớn nhất Hà Nội này và đưa ra hướng xử lý để tình trạng trên không còn tái diễn.
Nguoi dan chan xe vao bai rac Nam Son: Nguyen nhan tu dau?
 Rác thải ùn ứ tại nội thành Hà Nội thời điểm người dân chặn bãi rác Nam Sơn. Ảnh: TTXVN
Vướng mắc từ đâu khiến người dân chặn bãi rác?
Khủng hoảng rác thải của TP Hà Nội tái diễn khi ngày 13/7, người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) chặn xe rác di chuyển từ khu vực nội thành vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và dựng lán ở trục đường chính đi vào cổng số 2 bãi rác này.
Vẫn như những lần trước, việc người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn là để đòi hỏi quyền lợi khi họ cho rằng, dù mong muốn sớm được di dời ra khỏi vùng ô nhiễm, hôi thối và ruồi muỗi nhưng mức đền bù khá thấp nên người dân đã không thể đồng ý.
Theo người dân, thành phố Hà Nội đã thông báo hết quý 2/2020 sẽ đền bù xong để người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác này di dời, nhưng đến nay họ mới nhận được tiền đền bù đất nông nghiệp, còn đất ở, đất ao, đất vườn vẫn chưa được chi trả.
Trong khi đó, người dân cũng cho biết, phương án cuối cùng mà UBND huyện Sóc Sơn đưa ra chỉ chấp nhận đền bù 1/3 số tiền so với thỏa thuận ban đầu. Phần đất ở, đơn vị trả 4,08 triệu/m2, đất vườn liền kề cùng đất ở chỉ trả 500.000 đồng/m2.
Trong khi đó, tài sản trên đất ở được huyện chấp nhận chi trả 100% nhưng phụ thuộc thời gian xây dựng: Tài sản có trước năm 1993 là 80%, giai đoạn 1993-2004 là 50%, giai đoạn 2004-2014 là 10% và từ 2014 đến nay thì không được chi trả.
Do đó, người dân cho rằng mức đền bù quá thấp và không hợp lý nên đã không chấp nhận di dời. Đồng thời, tiếp tục chặn xe vào bãi rác để yêu cầu thành phố thực hiện lời hứa.
Tại buổi đối thoại với chính quyền huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội sáng 17/7, người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn cũng cho biết chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác.
Đồng thời theo người dân, việc áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở của người dân thấp hơn nhiều so với giá mua đất tái định cư. Vì vậy, người dân mong lãnh đạo huyện, thành phố sớm xem xét giải quyết...
Bên cạnh đó, người dân cũng kiến nghị huyện Sóc Sơn xem xét lại việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, để người dân không thiệt thòi; tính toán lại việc bồi thường tài sản, hoa màu trên đất...
Đây không phải lần đầu tiên người dân chặn xe rác thải. Trước đó, năm 2019, người dân quanh bãi rác Nam Sơn từng 3 lần chặn xe để yêu cầu được đền bù di dời.
Mỗi lần người dân chặn rác thải, ngay lập tức nội thành Hà Nội bị khủng hoảng khi ùn ứ lượng rác thải sinh hoạt lớn và hàng triệu người dân nội thành cũng phải sống chung với rác thải.
Sau mỗi lần như vậy, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân, tuy nhiên đến nay nhiều vướng mắc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Liệu có xử lý dứt điểm?
Tại cuộc đối thoại với người dân sáng 17/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, quan điểm của thành phố, diện tích đất mà người dân đang sử dụng, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ghi như thế nào thì khi đền bù, diện tích được tính đền bù sẽ đúng như thế.
Tuy nhiên, với những hộ được cấp GCNQSDĐ trên 400m2, trong đó có hộ được cấp 1.700m2, 2.000m2 là vượt hạn mức được cấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp GCNQSDĐ cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Hùng nhấn mạnh, nếu người dân tự giác phối hợp với chính quyền để điều chỉnh lại, thì vẫn đền bù đất ở đủ 400m2, phần diện tích còn lại, thành phố hỗ trợ đền bù 500 nghìn đồng/m2, cao hơn nhiều lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành. Còn về tài sản trên đất, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành rất đầy đủ. Miễn là tài sản hợp pháp, chính đáng của người dân thì phải đền bù cho dân.
Đối với kiến nghị về việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, ông Hùng đề nghị huyện Sóc Sơn phải kiểm tra lại ngay, nếu sai phải sửa cho đúng.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nói rằng, thành phố đã có đầy đủ các cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc, còn làm chưa đúng như người dân đã nêu. Đồng thời, ông nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những tồn tại mà cán bộ cấp cơ sở chưa làm tốt.
Ông Toàn cũng yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập hợp đầy đủ kiến nghị của người dân để báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở ý kiến kết luận, giải đáp của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, những vấn đề gì đã rõ đề nghị UBND thành phố trả lời bằng văn bản để hướng dẫn cơ sở thực hiện.
Cũng trong sáng 17/7, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thuộc Đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố khóa XV, cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) đã đề cập đến rác thải ùn ứ tại một số khu vực nội thành và đặt câu hỏi về việc thành phố có biện pháp gì để giải phòng rác thải ùn ứ và cả những giải pháp căn cơ lâu dài để xử lý rác thải.
Nguoi dan chan xe vao bai rac Nam Son: Nguyen nhan tu dau?-Hinh-2
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thu gom, tạm thời chuyển rác tới Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây). Ngày 17/7, cơ bản dọn sạch rác đang ùn ứ trong nội thành.
Ông Chung cho biết, đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn gặp gỡ, đối thoại với người dân. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cũng trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe, giải thích với nhân dân trên tinh thần kiên trì đối thoại để người dân hiểu.
Nói về việc ổn định cuộc sống người dân quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, ông Chúng nêu rõ, thành phố đã chuẩn bị xong nhà tái định cư để di dân khỏi vùng ảnh hưởng. Vướng mắc cơ bản nhất hiện nay là việc hạn định nguồn gốc đất để đền bù. Ngoài ra, có những giai đoạn, công tác phục vụ đền bù thực hiện chưa đúng dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc.
Theo Chủ tịch Hà Nội, tại khu vực trên, việc xử lý khoảng 150.000 m3 nước rỉ rác do áp dụng công nghệ chôn lấp rác thải tử nhiều năm trước, cộng thêm thời tiết nắng nóng gây bốc mùi nên đời sống người dân bị ảnh hưởng. Thành phố đang đề xuất với Chính phủ cho cơ chế phù hợp để khắc phục ngay hạn chế này (theo quy định hiện hành, khâu xử lý nước rỉ rác phải đưa ra đấu thầu).
“Cơ chế, chính sách nào tốt nhất cho người dân sẽ được thành phố áp dụng. Thành phố luôn đồng cảm với người dân sống xung quanh bãi rác, vì họ chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật cần có thời gian để xử lý” - ông Chung nói.
Đồng thời cho hay, thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy xử lý rác, năm 2017 đã khánh thành nhà máy xử lý rác thải độc hại ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn theo công nghệ đốt và phát điện, với công suất 75 tấn/ngày đêm. Tại khu vực này tiếp tục có 3 nhà đầu tư đăng ký dự án đốt rác phát điện. Dự kiến trong năm 2020 một dự án sẽ hoàn thành, với công suất 4.000 tấn/ngày đêm. Đến quý I năm 2022, thành phố sẽ khánh thành một nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Khi đó, cơ bản rác thải của thành phố sẽ được xử lý đốt để phát điện.
Với các nhà đầu tư tham gia vào việc xây dựng nhà máy xử lý rác, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, Hà Nội đặt ra những tiêu chí như: Nhà đầu tư phải có năng lực, bảo đảm tài chính; phải có hệ thống lọc hiện đại, không thải khí độc ra môi trường.
Bãi rác Nam Sơn rộng hơn 157ha, được xây dựng từ năm 1999 trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn. Quanh bãi rác, có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở.
Liên quan đến vấn đề xử lý môi trường ở bãi rác Nam Sơn, UBND TP Hà Nội đã quyết định di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét tính từ chân tường bãi rác; kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2020-2021. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 2/7/2019, huyện Sóc Sơn bắt đầu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thuộc diện di dời.
Theo phương án, trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét của bãi rác Nam Sơn, 1.100 hộ dân của 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn phải di dời giải phóng mặt bằng với diện tích đất khoảng 396ha, số tiền đền bù khoảng 3.400 tỷ đồng 
>>> Mời độc giả xem thêm video Bãi rác Nam Sơn lại bị chặn: Rác thải nội đô được xử lý ra sao?

Nguồn: Vietnamnet.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)