Ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Trách nhiệm của chủ tiệm ra sao?

Google News

Hiện vụ hàng trăm người cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ tiệm bánh?

Ngày 3/5, đoàn công tác do ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai để nắm tình hình và xử lý vụ 481 người cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì từ tiệm bánh mì Băng tại KP 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh.
Thông tin tại cuộc họp ở Sở Y tế trưa 3/5, cập nhật đến 9h sáng, có 481 người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh Băng.
Ngo doc banh mi o Dong Nai: Trach nhiem cua chu tiem ra sao?
Các bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện. 
Liên quan đến sự việc trên, UBND TP Long Khánh cho biết, tiệm bánh mì Băng bán bánh mì thịt, phục vụ 2 buổi, mỗi ngày cơ sở này bán khoảng 1.100 ổ bánh mì. Tiệm bánh mì Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc trường hợp cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ ngộ độc thực phạm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhiều người. Bởi vậy cơ quan chức năng cần sớm làm rõ nguyên nhân, tăng cường công tác quản lý để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Cần tra soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề ATTP để tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP.
Ngo doc banh mi o Dong Nai: Trach nhiem cua chu tiem ra sao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết thêm, đối với những cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa thuộc trường hợp phải có giấy chứng nhận VSATTP thì công tác quản lý, kiểm tra giám sát về nguồn cung nguyên liệu, về nơi sơ chế, chế biến, về công tác bảo quản và hoạt động kinh doanh cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, để đảm bảo vệ sinh, ATTP. Các cơ sở không thuộc trường hợp đối tượng phải có giấy chứng nhận VSATTP không đồng nghĩa với việc là thiếu sự quản lý của Nhà nước, chủ hộ kinh doanh muốn kinh doanh thế nào cũng được. Đối với các nguồn nguyên liệu mà có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì cơ quan chức năng cũng có quyền thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm thì vấn đề đảm bảo VSATTP phải đặt lên hàng đầu. Phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo VSATTP. Trường hợp hộ kinh doanh không tuân thủ quy định pháp luật về VSATTP thì có thể bị đình chỉ kinh doanh, bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm bánh mì không đảm bảo VSATTP gây ra thì chủ hộ kinh doanh này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng, nếu hậu quả đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, các vụ ngộ độc thực phẩm liên tục diễn ra trong thời gian qua cho thấy nguy cơ mất ATTP, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân đang diễn ra ở nhiều nơi, với những diễn biến phức tạp. Bởi vậy, công tác quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được chú trọng quan tâm hơn nữa, các trường hợp vi phạm quy định về VSATTP cần được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Những loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây ngộ độc cần phải được phát hiện sớm, tiêu hủy và xử lý đối với tổ chức cá nhân vi phạm, trong đó không loại trừ việc sẽ xử lý bằng chế tài hình sự.
Cần nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng về quản lý thị trường, cơ quan y tế, cảnh sát kinh tế và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm tra rà soát phát hiện và xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm quy định về ATTP để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Chính quyền địa phương cần rà soát và thường xuyên kiểm tra các đơn vị kinh doanh đồ ăn vặt tại các cổng trường, khu công nghiệp, khu đông dân cư để kịp thời phát hiện ra những hành vi vi phạm quy định về ATTP, xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
>>> Xem thêm video: Hàng chục bệnh nhân bị ngộ độc sau tiêm botox dạ dày để giảm cân
  
Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)