Sau khi tiếp nhận phản ánh về việc "Nhà xe Bình An phá luồng tuyến, lộ trình vận tải tuyến cố định?" của Báo Tri thức và Cuộc sống, Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái (Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải) đã thông tin, trả lời báo chí.
Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái dẫn Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Nghị định số 41/2024/NĐ - CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, các Thông tư về quản lý hoạt động vận tải và những văn bản quy phạm pháp khác liên quan hoạt động vận tải, từ đó khẳng định, không có khái niệm “ghé bến” nên cũng không có quy định ghé bến.
|
Bến xe khách Bình An (Hòa Bình). |
Phóng viên nêu vấn đề: Lộ trình của tuyến xe cố định Hòa Bình - Hà Nội của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình được Sở GTVT Hòa Bình chấp thuận, công bố: Bến xe Bình An - Quốc lộ 6 - Đường Hòa Lạc Hòa Bình - Đại Lộ Thăng Long - Đường Châu Văn Liêm - Đường Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại nhưng loạt xe tuyến cố định của doanh nghiệp này lại chạy vào tuyến đường xuyên tâm nội thành thành phố Hòa Bình, đường đông dân cư, trường học, đặc biệt là bến xe Trung tâm để đón/trả khách. Như vậy, liệu có đúng quy định?
Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái cho biết, Điều 12, 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có các quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối chia sẻ với Bộ Công an (Cục CSGT), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Sở GTVT, khi thực hiện cấp phù hiệu cho phương tiện có trách nhiệm cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện kiểm tra và chỉ cấp phù hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của xe đáp ứng đầy đủ quy định về lắp đặt, truyền dẫn.
Từ đây, Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái đề nghị Báo Tri thức và Cuộc sống liên hệ với Sở GTVT Hòa Bình hoặc các cơ quan chức năng liên quan (Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình, CSGT Hòa Bình) để được cung cấp thông tin.
Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái nhấn mạnh, theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, sau khi được Sở GTVT ra thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công, đơn vị phải đưa xe vào khai thác theo đúng hành trình, bến xe hai đầu tuyến đã quy định trong Thông báo đăng ký khai thác tuyến của Sở GTVT.
"Nếu Cục Đường bộ Việt Nam nhận được thông tin qua báo chí, truyền thông, đơn thư khiếu nại về các vi phạm (chạy sai luồng tuyến, lộ trình) của đơn vị, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có văn bản gửi Sở GTVT địa phương, yêu cầu kiểm tra và xử lý theo quy định", Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái thông tin.
Dưới góc nhìn pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - cho hay, hiện nay, việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc kinh doanh vận tải bằng ô tô tô có thể bao gồm vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng…
Nghị định này cũng nêu rõ: Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt).
“Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có khái niệm ghé bến trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ. Việc dừng, đỗ vào bến, xuất bến phải theo quy định. Trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định mà không tuân thủ giờ xuất bến, dừng đỗ xe đón trả khách sai quy định thì sẽ bị xử lý”, TS.LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, trong trường hợp cụ thể của nhà xe Bình An, cơ quan chức năng sẽ làm rõ doanh nghiệp có vi phạm quy định không, trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với công tác quản lý theo nguyên tắc có hành vi vi phạm thì sẽ phải chịu chế tài. Ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Xe khách Bình An "ghé bến" tại Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách. |
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, nhiều năm qua, gần 30 xe khách hãng xe Bình An thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình kinh doanh vận tải tuyến cố định Bến xe Bình An (TP Hòa Bình) - Bến xe Mỹ Đình (TP Hà Nội) có dấu hiệu hoạt động ngoài luồng tuyến, lộ trình vận tải do Sở GTVT tỉnh Hòa Bình chấp thuận.
Ngoài việc chạy xuyên tâm thành phố Hòa Bình, di chuyển vào các tuyến đường không có trong lộ trình do Sở GTVT chấp thuận, xe khách Bình An còn "ghé bến" vào Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách trước khi đi, đến 2 đầu bến là Bến xe Bình An - Bến xe Mỹ Đình.
Hoạt động trên của hãng xe Bình An được cho là đang phá luồng tuyến giao thông, chạy không đúng lộ trình, gây nguy cơ tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng hoạt động vận tải tuyến Hòa Bình - Hà Nội.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.