Nghị quyết 128: Hà Nội ở đâu trong 4 cấp độ dịch?

Google News

Với tình hình thực tế, đáp ứng các tiêu chí của Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Hà Nội có thể sẽ được phân loại ở cấp độ dịch nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

Ngày 12/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ
Quy định nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. 
Quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp:
Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. 
Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch dựa trên: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Về biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, các biện pháp y tế bao gồm cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ (đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp; cá nhân).
Nghi quyet 128: Ha Noi o dau trong 4 cap do dich?
Hà Nội sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Cấp 1: Các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm: Vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao... Người dân cần tuân thủ 5K, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, khám chữa bệnh; tuân thủ về các điều kiện đi lại giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.
Cấp 2: Hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời hoặc tổ chức có điều kiện. Các điều kiện cụ thể về chuyên môn, xét nghiệm do Bộ Y tế hướng dẫn. Địa phương căn cứ vào thực tiễn để quy định số người tham gia. Vận tải hành khách công cộng được hoạt động, theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp... phải ngừng hoặc hạn chế. Địa phương sẽ quyết định các dịch vụ nguy cơ khác được hoạt động hay không. UBND cấp tỉnh quy định điều kiện hoạt động của những người bán hàng rong, vé số dạo... Các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp vẫn được tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ quy định về thời gian, số lượng học sinh... UBND cấp tỉnh quyết định số người tham gia hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, thể dục, thể thao hạn chế hoạt động; giảm công suất, số người tham dự.
Cấp 3: Nhiều hoạt động dừng hoạt hạn chế như: sự kiện trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách công cộng; bán hàng rong, vé số dạo. Cơ quan, công sở giảm số người làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến.
Cấp 4: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... hạn chế hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quy định số lượng người mua, bán trong cùng thời điểm. Các tỉnh, thành quy định điều kiện để nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống được hoạt động, bao gồm hạn chế số lượng người mua, bán cùng một thời điểm. Các dịch vụ phải ngừng hoạt động gồm: vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp; bán hàng rong, vé số dạo; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự; bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim; địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Người dân hạn chế di chuyển giữa các địa bàn có cấp độ dịch bệnh khác nhau.
Những lĩnh vực được hoạt động ở cả bốn cấp độ gồm: Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh; cơ sở sản xuất, dự án, công trình giao thông, xây dựng. Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống được mở cửa ở cả bốn cấp độ, nhưng hạn chế hơn ở cấp độ 4.
Hà Nội thuộc cấp 1?
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tối 12/10, Hà Nội ghi nhận thêm 7 F0 đều là các trường hợp liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và đã được cách ly trước đó. 
Theo dữ liệu cập nhật từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC), cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) đến nay, thành phố ghi nhận 4.054 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.606 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 2.448 ca. Riêng số ca nhiễm trong cộng đồng ghi nhận gần nhất là ngày 8/10 tại quận Hà Đông và đều là người trong cùng một gia đình. Các ca mắc mới thuộc chùm sàng lọc ho, sốt và có cùng địa chỉ tại số 3 ngõ 28 tổ 3 La Khê, Hà Đông.
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã nhận hơn 34 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Tính đến sáng 12/9, tỷ lệ sử dụng vắc xin đạt hơn 83%. Số lượng vắc xin còn lại chưa tiêm tập trung tại một số địa phương, đơn vị, trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8/9.
Trong những ngày gần đây, số vắc xin được tiêm ở Việt Nam liên tục đạt mức trên 1 triệu mũi/ngày. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Riêng tại Hà Nội, ngày 11/10, ngành Y tế thành phố đã triển khai tiêm hơn 411.000 liều vắc xin, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng số mũi tiêm thực hiện trên địa bàn thành phố qua các đợt tiêm chủng là 3.906.597 mũi, sử dụng 3.538.826 liều vắc xin/4.591.476 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 77,1%.
Tính chung số vắc xin được tiêm bởi các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn thành phố, đến nay, đã có 4,8 triệu liều vắc xin được tiêm ở Hà Nội. Trong đó, có hơn 4,22 triệu người đã tiêm ít nhất 1 mũi; hơn 611.800 người tiêm đủ 2 mũi.
Với dân số từ 18 tuổi trở lên có 5,75 triệu người, như vậy đến nay đã có 73,3% người dân Hà Nội được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Thành phố đặt mục tiêu tới ngày 15-9, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin.
Về khả năng thu dung, điều trị của các tuyến, hiện nay, toàn Hà Nội có hơn 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập, có khả năng tiếp nhận cách ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các đối tượng F1.
Ngay từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo xuyên suốt là phải chủ động chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung. Theo đó, ngoài các khu cách ly của thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng phải chủ động, chuẩn bị các khu cách ly tập trung trên địa bàn mình.
Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã trong việc chuẩn bị khu cách ly tập trung. Từ đó, các đơn vị đã tăng cường rà soát, tận dụng cơ sở vật chất như các khu nhà chung cư chưa đưa vào sử dụng, các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn... để thiết lập khu cách ly tập trung; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly các trường hợp F1.
Với việc chủ động chuẩn bị từ sớm, xây dựng các kịch bản ứng phó đi trước và cao hơn diễn biến tình hình dịch bệnh, các khu cách ly trên địa bàn thành phố trong thời gian qua luôn được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo.
Với tình hình thực tế trên, Hà Nội có thể sẽ được phân loại ở cấp độ dịch nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 

Nguồn: VTV

Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)