Chiều 12/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo cung cấp thông tin các sự kiện Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi và Kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì họp báo. |
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế; Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch; Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh; Phấn đấu đạt được các chỉ tiều về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi bình quân đạt 7,25 - 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000tỷ đồng.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2) theo phân loại của UNDP.
Về kết cấu hạ tầng, hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn; điện đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.
Về bảo vệ môi trường, tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 52%. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khu vực thành thị 100% và nông thôn trên 80%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 50% đối với đô thị loại II và 20% đối với các đô thị còn lại.
Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Theo quy hoạch, không gian phát triển của tỉnh Quảng Ngãi gồm 04 hành lang kinh tế chiến lược, 06 không gian kinh tế động lực, 02 trung tâm động lực tăng trưởng và 03 Trung tâm đô thị. Mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.
|
Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được tổ chức vào ngày 24/12/2023. |
6 không gian kinh tế động lực của tỉnh Quảng Ngãi
Một là, Vùng kinh tế động lực Cụm đô thị và Trung tâm dịch vụ, bao gồm: thành phố Quảng Ngãi và một phần các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành; trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ.
Hai là, Vùng động lực công nghiệp của tỉnh, bao gồm: huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh; đây là khu vực trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần.
Ba là, Vùng kinh tế sinh thái biển, bao gồm: thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức; phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển.
Bốn là, Vùng kinh tế rừng xanh, bao gồm các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ; hình thành các trung tâm kinh tế rừng.
Năm là, Vùng kinh tế nông nghiệp, bao gồm các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện: Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.
Sáu là, Vùng kinh tế biển đảo, bao gồm: Đảo Lý Sơn - là tiền phương của ngành du lịch biển đảo.
Ngoài ra, theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi có 4 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - Thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh), Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang), Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y) và Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng).
2 trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh là Trung tâm Lọc, hoá dầu và Năng lượng quốc gia, Trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng động lực miền Trung tại Khu kinh tế Dung Quất; và Trung tâm du lịch Biển - Đảo tại Lý Sơn.
Quảng Ngãi sẽ phát triển 3 trung tâm đô thị gắn với công nghiệp và kinh tế biển. Đó là Đô thị trung tâm, với thành phố Quảng Ngãi là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía Bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân; và Trung tâm đô thị phía Nam, với thị xã Đức Phổ là hạt nhân.
Ngày 24/12, khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi
Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi là dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến là 26,88km (trong đó có 09 hạng mục công trình cầu), với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư dự án là 3.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2022-2027.
|
>>> Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2":