Liên quan việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Hồ Thị Kim Thoa – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương để điều tra liên quan đến những sai phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM của Sabeco. Một số nguồn tin cho rằng, sau khi nghỉ hưu, bà Thoa sang Pháp. Dư luận đặt câu hỏi, nếu bà Hồ Thị Kim Thoa có quốc tịch Pháp, liệu có được “nương nhẹ” tội?
|
Bị can Hồ Thị Kim Thoa. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, về nguyên tắc, công dân chỉ được mang một quốc tịch.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch. Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.
Các chủ thể vừa nêu được quyền có hai quốc tịch được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Đây là điểm mới được quy định trong Luật quốc tịch 2008 có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền giữ lại quốc tịch gốc, họ vẫn có quyền nhập quốc tịch ở quốc gia đang sinh sống và tuân thủ pháp luật về nhập quốc tịch của nước sở tại.
Theo luật sư Bình, người có hai quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam. Nếu họ vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng bị xử lý như người có một quốc tịch.
Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ: Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, đối với người Việt Nam phạm tội có 2 quốc tịch thì nguyên tắc xử lý như sau: Người phạm tội trước hết vẫn là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Trong trường hợp nước họ mang quốc tịch thứ 2 mà quốc gia này áp dụng chế độ bảo hộ công dân và nước này có ý kiến can thiệp thì lúc đó sẽ giải quyết theo một trong hai trường hợp: nếu người đó thuộc đối tượng được miễn trừ ngoại giao thì sẽ được giải quyết theo tòa án quốc tế, áp dụng theo con đường miễn trừ ngoại giao; nếu không được miễn trừ thì vẫn được giải quyết bình thường, như một người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì do pháp luật Việt Nam xử lý. Về nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, người Việt Nam phạm tội mang 2 quốc tịch hay người nước ngoài vi phạm pháp luật Hình sự Việt Nam cũng đều bị xử lý nghiêm minh.
Trước đó, ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng: ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với 3 bị can nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương. Trong đó có bị can Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ngày 13/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát đề nghị truy tố các bị can phạm tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", "vi phạm quy định về quản lý đất đai" liên quan đến đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM.
Đáng chú ý, đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đến nay, bị can bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can. Khi nào bắt được bị can Hồ Thị Kim Thoa sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo kết luận điều tra, bị can Hồ Thị Kim Thoa là người có trình độ, kinh nghiệm và hiểu biết trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, công nghiệp; công tác chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương và trải qua các cương vị công tác: Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy tinh Việt Nam.
Từ tháng 5/2010, bị can Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Bà Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công Thương, Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, vốn Nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới.
Tuy nhiên, bị can Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản Nhà nước sang tư nhân).
Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (Tháng /2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động, nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp tại Công ty Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần; không xem xét đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của khu đất đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, thoái toàn bộ 26% vốn góp của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.
Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí do hành vi phạm tội của bị can Hồ Thị Kim Thoa và đồng phạm gây ra cho ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra trong một thời gian dài từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đến khi tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn là đặc biệt lớn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bà Hồ Thị Kim Thoa ở Pháp khi bị khởi tố: Bộ Công an sẽ làm gì?