Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã đi vào cuộc sống. Đặc biệt mức xử phạt nồng độ cồn cao đã phát huy hiệu quả khi số ca tai nạn giao thông do sử dụng bia, rượu phải nhập viện giảm rõ rệt.
Cụ thể, tại cuộc họp báo của Ủy ban ATGT quốc gia vào chiều 16/1, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an công bố số liệu cho thấy, từ ngày 1 đến 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước khi Nghị định 100 có hiệu lực đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%).
Mới đây, trong chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm nhiều khi các bộ, ngành, địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng người đã uống rượu bia lái xe.
|
Nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng mức xử phạt thật cao với người hút thuốc lá nơi công cộng như áp dụng với nồng độ cồn. |
Đặc biệt, việc này nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, điều đó cho thấy những quy định pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục.
Việc này cũng góp phần giúp người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. Đó là những tín hiệu tích cực của Nghị định 100.
Từ việc mức phạt nồng độ cồn cao đã phát huy hiệu quả như trên, nhiều ý kiến cho rằng, cũng nên áp dụng mức phạt cao với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Trên thực tế, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực và được thực hiện 5 năm nay. Đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường hiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà…
Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm không đáng kể chỉ khoảng 2,1%. Theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines.
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc.
Thuốc lá không chỉ có tác hại vô cùng lớn với sức khỏe con người khi chứa đến 7.000 hóa chất khác mà trong đó có những chất rất độc đối với cơ thể. Đáng chú ý, có đến có 69 chất có khả năng gây ung thư như hắc ín, Oxyd carbon, Benzen…mà còn khiến người dân mất số tiền lớn để mua thuốc lá và số tiền lớn gấp nhiều lần để chữa bệnh sau đó.
Đáng chú ý, thuốc lá không chỉ gây hại với người hút trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Một con số thống kê cho thấy, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, thậm chí có thêm người hút thuốc mới là do giá bán thuốc lá tổi thiểu dù đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn còn khá thấp, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp.
Trong khi đó, dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành từ năm 2012, có hiệu lực năm 2013, nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, như: bệnh viện, trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng...
Tuy nhiên, chưa thực sự đủ tính răn đe, nhiều nơi công sở khó xử phạt người hút thuốc lá. Dẫn đến tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn ngang nhiên diễn ra như một căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa, gây nhiều hệ lụy và bức xúc trong dư luận.
Do vậy, để giảm thiểu người hút thuốc lá, dư luận cho rằng, cần phải có một cuộc cách mạng như việc xử phạt nồng độ cồn. Chỉ có tăng mức phạt thật cao với người hút thuốc lá nơi công cộng mới có thể thay đổi nhận thức, ý thức của người dân để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống.
>>> Mời độc giả xem video gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc: