Nam Định: Công ty Trường Dương “ăn tiền hỏa táng” trên xác chết như nào?

Google News

(Kiến Thức) - UBND tỉnh Nam Định đang chỉ đạo xác minh, làm rõ về Công ty Trường Dương có hành vi bảo kê, trục lợi từ đoạt động hỏa táng trên địa bàn tỉnh này.

Mới đây, UBND tỉnh Nam Định có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ tang lễ Trường Dương (có địa chỉ tại đường Giải Phóng, TP Nam Định) có hành vi bảo kê, trục lợi từ hoạt động hỏa táng trên địa bàn tỉnh này. Công an tỉnh Nam Định đã tiến hành lập chuyên án 420C để điều tra về việc này.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long, đóng tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là công ty quản lý Đài hỏa táng Thanh Bình đã ký hợp đồng độc quyền với Công ty Trường Dương, địa chỉ tại 496, đường Giải Phóng, thành phố Nam Định.
Sau khi ký hợp đồng với Công ty Hoàng Long, Công ty Trường Dương thông báo với các cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Nam Định, khi nhận dịch vụ hỏa táng thì thông báo cho Công ty Trường Dương với thỏa thuận mỗi ca thu 10,5 triệu đồng, trong đó 5,5 triệu đồng là tiền hỏa táng (chênh 1,2 triệu đồng/ca so với giá hợp đồng mà công ty Trường Dương đã ký với công ty Hoàng Long có giá là 4,3 triệu đồng/ca, có điều khoản không được tự ý nâng giá), còn lại là tiền dịch vụ xe tang, nhang đèn.
Một số tài liệu liên quan tới công ty Trường Dương đã được Phòng Cảnh sát hình sự thu thập. Vai trò của công ty này trong vụ việc trên hiện đang được xác minh, làm rõ.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tang lễ Trường Dương khẳng định không có chuyện công ty dùng xã hội đen cũng như nâng phí dịch vụ hỏa táng.
Nam Dinh: Cong ty Truong Duong “an tien hoa tang” tren xac chet nhu nao?
 Nhiều cơ sở dịch vụ tang lễ đã bị đe dọa, phải nộp thêm 500.000 đồng/ca hỏa táng. Ảnh: Phapluatplus
Tiền phí dịch vụ hỏa táng Công ty Trường Dương thu 5,5 triệu đồng/ca theo đúng hóa đơn được Công ty Hoàng Long viết ra. Kể cả các đơn vị dịch vụ tang lễ cũng chỉ thu mức phí trên. Số tiền chênh lên là tiền các dịch vụ đi kèm khác như xe tang, áo quan, bàn vong…
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cho các cơ quan, đơn vị phải trên cơ sở tự nguyện, theo quy định của pháp luật. Việc thu tiền trái quy định, thêm yếu tố đe dọa uy hiếp là những hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nếu tổ chức, cá nhân mang danh nghĩa quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
“Hành vi lợi dụng cơ quan, tổ chức, để thu tiền của các tổ chức, cá nhân với danh nghĩa quản lý bằng hình thức đe dọa uy hiếp sẽ không tạo ra một trật tự xã hội văn minh mà chỉ làm xã hội thêm rối loạn, bất công bằng, bất bình đẳng. Hành vi núp bóng các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để ép buộc tổ chức, cá nhân phải nộp tiền, nếu không nộp sẽ bị đánh đập, hủy hoại tài sản, gây khó khăn trong đời sống và công việc là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh” – luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, giống như Đường Nhuệ, việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tang lễ thuộc địa bàn tỉnh Nam Định cũng bị đe dọa, uy hiếp để buộc phải nộp tiền dịch vụ hỏa táng. Đây là những vụ việc nghiêm trọng, các đối tượng gây ra hành vi trên không những vi phạm pháp luật còn vi phạm đạo đức xã hội, đẩy những gia đình có người chết vào tình thế khó khăn, bức xúc nên việc xem xét, xử lý các đối tượng vi phạm là cần thiết.
Nam Dinh: Cong ty Truong Duong “an tien hoa tang” tren xac chet nhu nao?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các đối tượng vừa bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản đã có hành vi đe dọa, uy hiếp các tổ chức, cá nhân như thế nào để chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu để làm căn cứ xác định tội danh cũng như mức hình phạt theo quy định tại điều 170 BLHS năm 2015 về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo đó, nếu số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 3, điều 170 bộ luật hình sự nêu trên. 
Luật sư Cường cho rằng, hiện nay, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với một số cá nhân, đây chỉ là giai đoạn mở đầu của vụ án hình sự. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các sai phạm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có các đối tượng khác ngoài đối tượng đã bị khởi tố có hành vi đe dọa, uy hiếp nạn nhân để chiếm đoạt tài sản hoặc có vai trò giúp sức, xúi giục hoặc chủ mưu về sự việc này thì cũng sẽ khởi tố xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Còn đối với doanh nghiệp là pháp nhân thương mại thì cũng sẽ xem xét đến các hành vi vi phạm ở mức độ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có sai phạm xảy ra. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này theo nguyên tắc sai phạm đến đâu thì sẽ xử lý đến đó, ai sai phạm thì người đó sẽ bị xử lý kỷ luật phải xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Số tiền chiếm đoạt của những người bị hại sẽ phải trả lại. Việc giải quyết những vụ án một cách khách quan, công bằng, triệt để thì mới có thể lập lại trật tự xã hội, giữ gìn niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền” – luật sư Cường cho hay.
Hỏa táng là một hình thức an táng người đã chết theo phong tục tập quán và xu thế của xã hội. Việc hỏa táng sẽ giảm bớt được quỹ đất dùng cho các nghĩa trang, việc hỏa táng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tránh việc lây lan những bệnh dịch truyền nhiễm và là một xu hướng văn minh, phổ biến của xã hội.
Hiện nay, nhiều quốc gia và các địa phương ở Việt Nam đều khuyến khích hoạt động này. Tuy nhiên, việc các đối tượng như các nhóm đã bị khởi tố ở Thái Bình, Nam định cho thấy hoạt động hỏa táng đang gặp rất nhiều trở ngại và gây bức xúc trong nhân dân.
Qua các sự việc này cho thấy việc quản lý nhà nước đối với các hiệp hội nói chung, các dịch vụ hỏa táng nói riêng còn nhiều sơ hở, thiếu sót dẫn đến các đối tượng có tiền án tiền sự, các đối tượng côn đồ, manh động núp bóng các hiệp hội để đe dọa, uy hiếp người dân cũng như các doanh nghiệp hỏa táng để chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong dư luận.
Bởi vậy, nhiều địa phương cũng cần xem xét lại việc thu tiền từ các tổ chức tự quản, các hiệp hội sao cho đảm bảo công bằng, tự do, tự nguyện, đúng pháp luật tránh việc lợi dụng các tổ chức, hiệp hội như thế này để gây nhiễu loạn xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
>>> Xem thêm video: Băng nhóm Đường Nhuệ “làm luật” cả người chết, thu 500.000đ/trường hợp

Nguồn: VTC 14.

Trung Vương

>> xem thêm

Bình luận(0)