Cty Trường Dương “ăn tiền trên xác người” như Đường Nhuệ: Nếu đúng... xử sao?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đang xôn xao về Công ty TNHH MTV Dịch vụ tang lễ Trường Dương (xã Mỹ Xá, TP Nam Định) thu tiền từ những ca hỏa táng còn nhiều hơn cả băng nhóm của Đường "Nhuệ" (Thái Bình).

Sau khi băng nhóm xã hội đen Đường "Nhuệ" (Thái Bình) bị khởi tố về tội danh cưỡng đoạt tài sản của các cơ sở dịch vụ tang lễ về hỏa tángở Nam Định xuất hiện một công ty cũng làm việc hỏa táng được cho là còn ác hơn cả Đường Dương.
Ông Trần Đình Giao – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long (Công ty Hoàng Long) xác nhận ra thông báo số 20A nêu rõ: Từ 1/7/2017, giá dịch vụ hỏa táng đối với các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam là 4,3 triệu đồng/ca.
Nhưng Công ty TNHH MTV Dịch vụ tang lễ Trường Dương (xã Mỹ Xá, TP Nam Định), là đại lý độc quyền số 1 tại tỉnh Nam Định của Công ty Hoàng Long nhận dịch vụ phục vụ hỏa táng cho người qua đời lại thu phí hỏa táng từ 5,5 đến hơn 6 triệu đồng/ca. Thậm chí, công ty này còn “làm luật” khi xe tang để chở di quan chỉ được lấy xe của Công ty Trường Dương.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tang lễ Trường Dương cũng xác nhận thu 5,5 triệu đồng/ca theo đúng hóa đơn được Công ty Hoàng Long viết ra.
Hiện tại, cơ quan Công an tỉnh Nam Định đã làm việc với 2 doanh nghiệp để làm rõ những lùm xùm trong việc thu phí dịch vụ hỏa táng.
Cty Truong Duong “an tien tren xac nguoi” nhu Duong Nhue: Neu dung... xu sao?
Đài hóa thân hoàn vũ Nam Định (ảnh VTC News) 
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi ăn chặn tiền của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hỏa táng, hay nói cách khác là “ăn tiền trên xác chết” là hành vi táng tận lương tâm, hành vi như vậy không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật đáng bị lên án và bị trừng phạt bởi những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì trong các quan hệ dân sự, kinh tế việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này cho chủ thể khác phải trên cơ sở tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản bằng các thủ đoạn lén lút, gian dối, cưỡng bức... không đúng với ý chí của chủ sở hữu tài sản sẽ không được pháp luật thừa nhận, người gian dối, cưỡng bức người khác để có được tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, bộ luật hình sự năm 2015 quy định người nào có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 170 Bộ luật hình sự.
Theo thông tin dư luận phản ánh thì Hiệp hội tang lễ Thái Bình do Nguyễn Xuân Đường đứng đầu có hành vi đe dọa, uy hiếp các doanh nghiệp thực hiện hoạt động tang lễ trên địa bàn để buộc các doanh nghiệp này phải nộp 500.000 đồng đối với một ca hỏa táng. Doanh nghiệp nào không nộp sẽ bị đe dọa, đập phá xe, cấm hoạt động.
Mặc dù mỗi lần nộp tiền cho các đối tượng này thì các chủ doanh nghiệp đều phải ký vào giấy là nộp tiền từ thiện, tuy nhiên giấy này không có giá trị pháp lý bởi không phải là ý chí thực của chủ doanh nghiệp, chỉ là thủ đoạn để che đậy hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Đây là những hành vi uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản nên các đối tượng đã có hành vi đe dọa, uy hiếp người khác để chiếm đoạt tài sản đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Bình khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự năm 2015.
Cty Truong Duong “an tien tren xac nguoi” nhu Duong Nhue: Neu dung... xu sao?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường 
Đối với Hiệp hội tang lễ ở Nam Định theo dư luận phản ánh thì cũng có hoạt động tương tự, thậm chí số tiền thu được của các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ hỏa táng còn lớn hơn ở Thái Bình.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc xác minh làm rõ nếu có căn cứ cho thấy có đối tượng trong Hiệp hội tang lễ này hoặc lợi dụng hiệp hội tang lễ để ép buộc các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hỏa táng phải nộp tiền (nếu không nộp thì sẽ bị đe dọa, uy hiếp tinh thần, phá hoại tay tài sản) thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Với hành vi đe dọa, uy hiếp người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bởi vậy trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ có việc nhận tiền hay không? Có việc uy hiếp tinh thần của người khác để được nhận số tiền đó hay không? Nếu có việc đe dọa uy hiếp tinh thần người khác khiến họ vì sợ hãi mà buộc phải giao tài sản và có việc nhận tài sản tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dịch vụ hỏa táng (do họ sợ bị đánh đập, phá hoại, muốn yên ổn làm ăn) thì nhóm đối tượng đe dọa uy hiếp và nhận tiền của các tổ chức, cá nhân này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản tương tự vụ việc xảy ra tại Thái Bình.
Để xử lý nhóm đối tượng này thì các cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ tổ chức, cá nhân nào đã phải nộp tiền, đối tượng nào đã nhận số tiền này ? Đối tượng nào đã thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp các tổ chức, cá nhân này để buộc họ phải giao tiền? Việc đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác là nguyên nhân dẫn đến hậu quả khác tổ chức, cá nhân này buộc phải đưa tiền cho các đối tượng.
Nếu có căn cứ chứng minh sự việc này như vậy thì Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Nam Định sẽ khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng vi phạm để xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật tương tự vụ Đường Dương.
Có thể nói rằng vụ án xảy ra đối với Đường Dương ở Thái Bình sẽ là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với công tác quản lý an ninh trật tự ở một số địa phương hiện nay. Qua vụ án này, có lẽ nhiều địa phương sẽ phải kiểm tra, rà soát hoạt động của các đối tượng băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các doanh nghiệp, hiệp hội để hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản gây mất ổn định trật tự xã hội.
Với các hoạt động tội phạm băng, ổ, nhóm có tính chất chuyên nghiệp thì Cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, xử lý, đồng thời xử lý các đối tượng bảo kê dung túng thì mới lập lại được trật tự an ninh trên địa bàn, khi đó người dân, doanh nghiệp mới yên ổn làm ăn.
Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
>>> Xem thêm video: Để Đường Nhuệ lộng hành, ai chịu trách nhiệm?

Nguồn VTC News

Xuân Diệp

>> xem thêm

Bình luận(0)