Chị Nguyễn Thị Minh (quê Mê Linh, Vĩnh Phúc), 45 tuổi, công nhân của một công ty da giày lo lắng trước những thông tin sẽ tăng tuổi nghỉ hưu: “Chúng tôi là những người lao động trực tiếp sản xuất công việc rất vất vả, nếu vẫn phải làm việc đến 58, 60 tuổi mới được nghỉ hưu thì sức khỏe không đảm bảo được năng suất và chất lượng công việc. Bản thân chủ sử dụng cũng không để chúng tôi làm việc đến tuổi đó mà sẽ tuyển lao động trẻ để năng suất làm việc cao hơn.”
Nỗi lo lắng tăng thêm 2-5 tuổi nghỉ hưu của chị Minh có lẽ là nỗi lo của đa số công nhân lao động trực tiếp sản xuất, nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ không điều chỉnh ngay lập tức mà theo một lộ trình dài. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu được Quốc hội thông qua thì đây cũng chỉ là một “bài toán” cho tương lai. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được tính toán để “giảm sốc” của những tác động kinh tế, xã hội.
“Con đường” tăng tuổi nghỉ hưu xa và dài
Một trong những điều đáng lo ngại nhất là tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động rất lớn tới thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, vì vậy Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực (dự kiến năm 2018) và mỗi năm chỉ tăng 3 tháng. Như vậy, phải đến năm 2048 thì nữ mới về hưu ở tuổi 60 và năm 2026 thì nam về hưu ở tuổi 62.
|
Tuổi thọ bình quân của công nhân ngành dệt may, da giày chỉ từ 30-35 tuổi. (Ảnh minh hoạ: Trần Việt/TTXVN)
|
Việc có nên tăng tuổi nghỉ hưu và nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì nên tăng thế nào còn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng “con đường” tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là một chặng đường khá xa. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến nhiều mặt như thị trường lao động, việc làm, sức khỏe của người lao động, thu chi của quỹ Bảo hiểm xã hội... nên không thể hôm nay nói tăng là ngày mai tăng ngay được.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đối với cả hai phương án mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra đều phải tính toán thật kỹ. Nếu giữ nguyên điều 187 của Bộ luật Lao động thì cũng phải tính mở rộng tăng tuổi nghỉ hưu trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học để tận dụng nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao.
'Đối với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng phải tính lộ trình tăng không phải mỗi năm tăng 3 tháng mà có thể là 3 năm tăng 1 tuổi (mỗi năm tăng 4 tháng). Lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu có thể bắt đầu từ năm 2020 nam tăng lên 62, nữ lên 58 tuổi, nhưng nhóm nam nữ này chỉ mở cho công chức viên chức ở khu vực an toàn, bỏ điều kiện tăng tuổi với công nhân nặng nhọc, độc hại," ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Đến năm 2035, chúng ta đi tiếp một giai đoạn nữa là nam lên 65, nữ lên 60 tuổi và mở rộng cho các đối tượng để chuẩn bị vào năm 2040-2045 chúng ta già hoá dân số, bắt đầu thiếu nguồn cung lao động.
Tăng tuổi theo từng nhóm lao động
Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng xây dựng nhiều phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm đối tượng, theo đó có cả những phương án chỉ bắt đầu tăng mỗi năm 3-4 tháng từ năm 2020 với cán bộ công chức viên chức và phải đến năm 2025 mới áp dụng tăng tuổi với tất cả người lao động.
Theo phương án này, từ năm 2020 mới bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu của riêng cán bộ công chức, viên chức và cứ mỗi năm tăng thêm 3 hoặc 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Bắt đầu từ năm 2025 thì tất cả người lao động cứ mỗi năm tăng thêm 3 hoặc 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì giữ nguyên tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh phương án tăng tuổi chia theo nhóm đối tượng thì cũng có thể điều chỉnh theo một lộ trình linh hoạt hơn như: Vẫn quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi nhưng từ khi nữ đủ 58 tuổi trở lên được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, thành viên ban soạn thảo Bộ luật Lao động cho biết với thời điểm tăng tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu vẫn tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia để đưa ra phương án hợp lý nhất. Để lựa chọn phương án nào còn phải xem xét tác động của việc tăng tuổi đến từng nhóm đối tượng.
Những người lao động, công nhân trực tiếp sản xuất, điều họ mong mỏi nhất là đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để có thể lĩnh lương hưu, thậm chí nhiều người sẵn sàng chấp nhận về hưu trước tuổi với mức lương thấp hơn do không còn đủ sức khỏe và khả năng làm việc. Vậy Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu này sẽ tác động như thế nào, ai sẽ có lợi và ai sẽ bị thiệt thòi?
>>> Video: Người phụ nữ khi sống 1 mình và khi có con:
Nguồn video: YouTube/Selvalagan .A.