Kỳ 2: “Muốn chở quá tải bao nhiêu cũng xong"
Trong quá trình nhiều tháng điều tra, một nguồn tin tin cậy của nhóm PV ANTT cho biết, tại địa bàn TP Lào Cai có ít nhất hai đầu nhận “bao luật” cho các xe quá tải trên địa bàn và chịu trách nhiệm “bảo kê” cho loại xe này vượt các trạm thu phí.
Việc có nhiều đầu mối đứng ra “bao luật”, khiến cánh tài xế xe tải có nhiều lựa chọn để “báo”. Đầu nào hợp lý, giá cả rẻ hơn luôn được họ đặc biệt ưu tiên.
Suốt nhiều tháng trời xuôi ngược trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, chúng tôi khám phá ra các kiểu “báo luật” của đầu xe tải trong quá trình vượt các trạm thu phí.
Trên chặng đường xe tiến về trạm thu phí, tài xế xe tải BKS: 19C-075.31 tên H. chia sẻ: “Ở TP Lào Cai có nhiều “đầu mối” đứng ra “bao luật”, nên cánh tài xế xe tải bọn em thoải mái lựa chọn. “Đầu” nào thấy giá cả hợp lý thì mình nhờ đứng ra xử lý. Sau đó thì chạy thoải mái trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bất chấp tải trọng có vượt mức quy định bao nhiêu cũng được”.
Cũng theo tài xế H., anh thường “báo luật” trước khi xe chở hàng chuẩn bị xuôi về TP Việt Trì. Báo xong, chỉ cần chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng của người đứng ra “bảo kê” là xe cứ bon bon chạy mà không gặp trở ngại gì. Đây cũng là phương thức đa phần các đầu xe lựa chọn vì nó tiện, nhanh gọn.
|
Trước khi “vượt” trạm thu phí, tài xế phải chuyển tiền “báo luật”.
|
Tuy nhiên, đó chỉ dành cho những xe lẻ tẻ hoạt động trên địa bàn. Còn đối với những đoàn xe quá tải từ 3 đến 5 chiếc trở lên, một đầu xe sẽ chịu trách nhiệm đứng ra gom tiền “báo luật” từ các xe còn lại và chuyển thẳng tới đầu “bảo kê”.
Một tài xế lâu năm chạy trên tuyến đường tên Ch. chia sẻ: “Thường bọn em đi theo đoàn 5 xe, cứ gom lại chuyển cho một người, người này chuyển cho phía “bao luật” là nhận lệnh lên đường. Muốn chở quá tải bao nhiêu cũng xong”.
Ngoài hình thức chuyển tiền qua tài khoản, các đối tượng “bảo kê” còn ngang nhiên đến tận bãi xe tải bốc hàng thu tiền luật.
Có một nguyên tắc bất thành văn, xe nào đóng thiếu, hoặc chưa “báo”, đến trạm phí sẽ bị dừng lại, không được nhân viên trạm phí cấp thẻ đi đường. Còn chuyển đúng hẹn, đầy đủ và chính xác, trạm phí “tạo điều kiện” cho xe chạy bon bon.
Nhiều hiện tượng lạ ở các trạm thu phí
Vào thời điểm chiếc xe tải BKS: 19C-075.31 nối đuôi cùng những chiếc xe khác qua Trạm thu phí Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (IC 17), chúng tôi ghi nhận xuất hiện một hiện tượng lạ là bảng cân điện tử tại đây không hiện biển số và trọng tải của xe. Lực lượng trạm cân tại đây gần như “làm ngơ”.
Khi chiếc xe vừa ục ịch di chuyển qua trạm phí, tài xế H. rút điện thoại gọi cho đầu dây bên kia thông báo biển số xe.
Chỉ sau ít phút, một nhân viên đang làm việc tại Trạm thu phí Xuân Giao tiến lại đưa cho tài xế một xe khác nhờ đưa cho H. một chiếc thẻ từ qua trạm.
Sau cuộc nói chuyện, tài xế H. cho biết, người đứng ra “bao luật” báo thiếu biển số xe của anh. Nhưng giờ đã ổn, đã chuyển tiền và có thẻ vào.
Cũng theo tài xế H., trung bình mỗi xe được “bảo kê” qua trạm một cách “ngon lành” như của anh thì phải “đóng luật” cho một “đầu mối” từ 1,8 - 2 triệu/chuyến.
Tài xế H. tiết lộ thêm, tất cả xe đầu kéo chạy lên đường cao tốc này cũng đều quá tải gấp nhiều lần. Nếu không chạy quá tải thì không có lãi.
|
Một đối tượng lạ mặt đi xe máy từ trạm thu phí tiến về xe tải chở quá tải ra hiệu cho xe được vượt trạm.
|
Khi được hỏi vì sao khi xe tiến vào Trạm thu phí Xuân Giao thì bảng điện tử lại không hề hiện lên biển số và trọng tải xe, tài xế H. mới thổ lộ: “Xe của mình đã được “báo luật” nhiều lần, nên trạm phí họ “nhẵn mặt” rồi, cứ đến là đi thôi”.
Theo chân chiếc xe này đến Cảng Việt Trì, phường Bến Gót, TP Việt Trì (Phú Thọ), chúng tôi không khỏi giật mình, khi xe lên Trạm cân số 02 tại đây, bản điện tử báo trọng tải xe BKS: 19C-075.31 hơn 100 tấn.
Vào khoảng 20h ngày 18/12, chúng tôi tiếp tục lên chiếc xe đầu kéo mang BKS: 19C-068.24, rơ mooc BKS 19R-003.62 do tài xế tên Ph. điều khiển cùng với phụ xe tên K. chở đầy xe quặng đi vào lối cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Từ nơi bốc hàng đến Trạm thu phí Km237+000 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chiếc xe di chuyển mất hơn 1 giờ đồng hồ.
Khoảng 21h, phụ xe K. nhận được cuộc điện thoại từ “đầu mối” bên kia thông báo đến khoảng 23h xe mới được lưu thông qua trạm.
Ngay lập tức, tài xế xe tấp vào lề đường, bật xi-nhan nằm “chờ lệnh” cách điểm Trạm thu phí Km237+000 chừng 2km.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, phụ xe K. mới nhận được cuộc điện thoại từ đầu “bao luật” báo đã đến giờ “thông trạm”. Chiếc xe lập tức nổ máy lên đường.
|
Khi xe bị dừng, tài xế thông báo đã chuyển tiền “báo luật” và nhắc nhở nhân viên trạm thu phí an tâm vì lâu anh không chạy nên bị quên mặt.
|
Lúc này, trong cabin xe, tài xế Ph. buông lời chửi thề, tỏ ra hậm hực, khó chịu vì xe phải đợi suốt 2 tiếng mới được đi.
Khi chiếc xe cách trạm khoảng 200-300 mét, một nam nhân viên của Trạm thu phí Km237+000 giơ tay chéo báo hiệu chưa cho qua. Tài xế Ph. gắt gỏng đánh lùi xe chờ “tín hiệu”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm đó có nhiều xe đầu kéo và xe container cũng phải “xếp lốt” và đợi tín hiệu từ phía nhân viên này mới được cho đi qua.
Đến khoảng 23h45 cùng ngày, nhân viên này ra tín hiệu cho xe mang BKS: 19C-068.24, rơ mooc là 19R-003.62 qua trạm phí với trọng lượng cân tải thông báo là hơn 37 tấn.
Đến buồng lấy vé, lái xe Ph. chui đầu qua cửa nói lớn với nhân viên trạm phí: “Em “báo” rồi, chắc lâu không đi, chắc các anh quên hả?”.
Cũng trong hành trình, vào ngày 19/12, tại Trạm cân điện tử số 2, Cảng Việt Trì, phường Bến Gót, TP Việt Trì (Phú Thọ), chiếc xe đầu kéo mang BKS: 19C-068.24, rơ mooc 19R-003.62 báo trọng tải thật là... hơn 91 tấn.
Còn nữa...
>>> Xem thêm video: Không cần trạm thu phí, các nước Châu Âu thu phí cao tốc bằng cách này.