Hiện nay, Cần Thơ cũng như các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL, đang bước vào mùa mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi gây bệnh sốt xuất huyết trên người. Tại thành phố Cần Thơ, bệnh sốt xuất huyết cũng đang bắt đầu tăng, ngành y tế địa phương cảnh báo sốt xuất huyết sẽ gia tăng nhanh hơn trong tháng sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, ở quận Ninh Kiều đang chăm sóc con trai 16 tuổi bị sốt xuất huyết tại Khoa sốt xuất huyết của bệnh viện Nhi đồng cho biết, trong gia đình có đến 3 người bị sốt xuất huyết, sau khi con trai chị nhập viện, lần lượt đến hai bé con của người anh thứ tư ở cùng gia đình.
|
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - Phó trưởng Khoa sốt xuất huyết, thăm khám các trẻ bị sốt xuất huyết tại Khoa. |
Sau khi con trai chị nhập viện, đến lượt con của người anh cũng được đưa vào viện để theo dõi điều trị; hai bé nhập viện chỉ cách nhau một ngày, còn lại một bé được chăm sóc, theo dõi tại nhà.
“Lúc đầu, bé bị nóng sốt, ở nhà cũng cho uống Efferalgan hạ sốt nhưng hạ rất ít, đến khoảng 2-3 ngày sau, bé ngưng sốt chuyển sang lạnh run và xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi. Từ lúc con trai chị bị sốt xuất huyết, sau đó đến lượt các anh em trong nhà cũng đều bị sốt xuất huyết, tôi thấy, ở nhà cũng ít muỗi, chỉ có một vài con và có xịt thuốc muỗi, lau chùi, làm vệ sinh sạch sẽ, nhà cửa cũng thoáng mát nhưng không biết tại sao lại như vậy”, bà Hằng chia sẻ.
|
Bác sĩ đang kiểm tra tình trạng của bé trai 16 tuổi con của Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, ở quận Ninh Kiều, sau một tuần điều trị sốt xuất huyết, sức khỏe dần cải thiện. |
Tương tự, bé gái Nguyễn Mai Phương, 13 tuổi con của bà Châu Thị Hiển, ở quận Ô Môn. Sau khi sang nhà ngoại chơi, đúng nơi đang có ổ dịch với nhiều trẻ sốt xuất huyết, nên chỉ sau một ngày ở ngoại, bé cũng bắt đầu có triệu chứng nóng sốt. Bé nhà bà Hiển bắt đầu sốt cao liên tục, mặc dù gia đình có mua thuốc hạ sốt cho bé uống nhưng tình trạng không thuyên giảm nên tức tốc đưa bé vào nhập viện. Hiện, tình trạng bé cải thiện chị cũng bớt lo lắng hơn.
“Sau khi phát hiện cháu bị sốt chúng tôi đã cho cháu đi viện ngay, tại đó có nhiều người bị sốt xuất huyết. Hiện tại, bác sĩ cũng dặn phải cho bé uống nước nhiều, giờ bé cũng ăn uống được, mấy bữa trước bé mệt, triệu chứng muốn ói, nhức đầu, đến nay bé đỡ hơn rồi”, bà Hiển chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - Phó trưởng Khoa sốt xuất huyết của bệnh viện cho biết, hằng năm lượng bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết sẽ gia tăng từ tháng 6 đến tháng 11. Bệnh cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, do đó các bậc phụ huynh, khi thấy con em mình bị sốt 3 ngày không khỏi nên đưa bé đến bệnh viện để làm xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết. Hiện nay, test nhanh NS1 (là một bộ kit xét nghiệm miễn dịch sắc ký cho chẩn đoán nhanh) có thể chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết rất sớm.
|
Năm nay, sốt xuất huyết tập trung nhiều ở các trẻ lớn từ 6 - 16 tuổi, chủ yếu ở quận Ninh Kiều, Ô Môn và Thốt Nốt. |
Bác sĩ Trường, lưu ý thêm: “Các bậc phụ huynh nên theo dõi con em mình, từ tháng 6 đến tháng 11 là thời điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Khi biết cháu bị sốt xuất huyết nên nhập viện theo dõi để điều trị tốt hơn. Về công tác điều trị sốt xuất huyết qua các năm chưa có ca tử vong, đối với Khoa sốt xuất huyết, công tác chuẩn bị lúc nào cũng trên tinh thần sẵn sàng về giường bệnh, trang thiết bị y tế. Để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết lúc nào bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để khi có đợt dịch xảy ra thì vẫn xử lý kịp thời”.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 558 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 171 ca so với cùng kỳ của năm ngoái.
Ông Trần Văn Tuấn – Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Cần Thơ cho biết, trước bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng y tế dự phòng từ cơ sở đến thành phố đang căng mình phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, tất cả vẫn tăng cường công tác giám sát, lồng ghép tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Ngay từ đầu năm, ngành Y tế thành phố đã phát hành văn bản tăng cường công tác phòng chống dịch chủ động; chú trọng công tác điều tra, giám sát chỉ số lăng quăng; nếu phát hiện các ổ dịch sẽ phun hoá chất và dập dịch ngay, không để bùng phát dịch ra cộng đồng.
“Hiện chúng tôi tuyên truyền trên loa đài là chủ yếu chứ không đi tuyên truyền tập trung người dân do tình hình các đội y tế hiên đang tập trung giám sát Covid-19. Nhưng khi có đi điều tra về Covid-19, sẽ tuyên truyền lồng ghép kết hợp với sốt xuất huyết. Hiện, ngành y tế đang theo dõi những nơi nào có ca mắc tăng, triển khai giám sát về mật độ côn trùng nếu cao thì tiến hành phun thuốc. Hiện nay, ở Ninh Kiều và Ô Môn là địa phương có số ca mắc tăng cao”, ông Tuấn cho hay.
Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách triệt để trong thói quen sinh hoạt hàng ngày ngay tại nhà và còn tâm lý chủ quan. Hiện đang bước vào mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển mạnh, nhanh chóng và gây bệnh.
Theo ngành y tế, biện pháp chủ yếu và hiệu quả để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết vẫn là diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên và đề phòng muỗi đốt. Do đó, để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người dân cần thực hiện đúng các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế. Đặc biệt, khi thấy người nhà bị sốt hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết nên đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà./.