Mới đây, một số chuyên gia thời tiết ở châu Âu dự báo, mùa đông năm 2017 ở châu Âu có thể lạnh nhất trong vòng hơn 100 năm trở lại đây. Thậm chí ngay tại thời điểm cuối tháng 9/2017, nhiệt độ tại Ireland có thể hạ xuống dưới 0 độ C, đây là một điều rất bất thường.
Không chỉ ở các nước châu Âu, những quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với mùa đông lạnh giá, thậm chí cả các quốc gia trong nhiều thập kỷ qua chưa hề đối mặt với mùa đông với nhiệt độ rất thấp. Thông tin này đang khiến người dân Việt Nam đặc biệt lo lắng.
Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Infonet đã trao đổi với anh Nguyễn Đăng Mậu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu). Anh Mậu cho biết, hiện nay điều kiện khí quyển - đại dương đang nghiêng về phía pha lạnh (La Nina) và xu thế được dự báo tiếp tục duy trì trong các tháng tiếp theo. Hình thế này được nhận định sẽ tác động đến điều kiện thời tiết và khí hậu nước ta trong các tháng tiếp theo.
Anh Mậu cũng nhận định, nhiều khả năng nền nhiệt độ trung bình mùa đông năm 2017/2018 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mùa đông năm 2017/2018 có khả năng xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại có thể gây băng tuyết và sương giá ở các vùng núi cao, đặc biệt là vào tháng 1 năm 2018. Kiểu thời tiết mùa đông 2017/2018 có thể có các đợt lạnh ở mức gần bằng mùa đông năm 2013/2014.
|
Mùa đông năm nay được nhận định sẽ có những đợt rét cá biệt. |
Theo số liệu quan trắc, nền nhiệt độ trung bình có xu thế gia tăng và những năm nóng nhất đều được ghi nhận xảy ra trong những năm gần đây. Trong đó, nhiệt độ có xu thế tăng nhanh hơn vào các tháng mùa đông và chậm hơn vào các tháng mùa hè. Do vậy, biên độ nhiệt độ nền giữa mùa hè và mùa đông có xu thế giảm.
Thực tế vẫn xuất hiện những cực trị nhiệt độ rất thấp, ví dụ đợt rét đậm rét hại kéo dài kèm theo băng tuyết, sương giá ở các tỉnh phía Bắc trong tháng 1 năm 2014; đặc biệt đã ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện băng tuyết ở khu vực cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An vào đêm 22 sáng 23/1/2014.
Một điều cần lưu ý, lãnh thổ Việt Nam nằm ở rìa phía Đông Nam của lục địa châu Á, khí hậu nhiệt đới có nền nhiệt độ khá cao. Là vùng lãnh thổ nằm ở rìa tần cùng phía Nam của khu vực chịu tác động của không khí lạnh, nên tác động của không khí lạnh đến nước ta có những nét đặc thù riêng. Khi không khí lạnh ảnh hưởng, nền nhiệt độ sẽ giảm (bị biến tính); và khi không khí lạnh rút, nền nhiệt độ sẽ ấm trở lại gây ra cảm giác nóng và khó chịu ngay trong các tháng mùa đông.
Nếu không khí lạnh có cường độ mạnh, kèm theo tăng cường kéo dài trong nhiều ngày sẽ khiến nhiệt độ xuống rất thấp gây rét đậm, rét hại, băng tuyết và sương giá. Như vậy, biên độ nhiệt trong các tháng mùa Đông ở khu vực phía Bắc là cao do nhiệt thấp khi chịu tác động của không khí lạnh và ấm khi không chịu tác động của không khí lạnh.
Trước thông tin của một số chuyên gia thời tiết của châu Âu về việc mùa Đông năm nay sẽ lạnh nhất trong 100 năm qua, Việt Nam cũng là vùng chịu ảnh hưởng, anh Mậu khẳng định: “Chúng tôi không biết thông tin về mùa Đông năm nay lạnh nhất trong 100 năm do cơ quan khí tượng thủy văn nào công bố? Theo như tìm hiểu của chúng tôi, thông tin này được một số tờ báo ở Nga đưa tin. Hiện nay, chưa có một cơ quan khí tượng thủy văn nào trên thế giới đưa ra nhận định về mùa Đông năm nay sẽ lạnh kỷ lục trong 100 năm qua”.
Để chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do nhiệt độ thấp vào mùa đông, anh Mậu cũng cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết từ các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch sản xuất và sinh hoạt phù hợp. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại để bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người. Ví dụ như ăn uống đầy đủ để bổ sung chất dinh dưỡng, uống nước ấm, mặc quần áo ấm, thực hiện các giải pháp phòng tránh các bệnh về tim mạch theo lời khuyên của bác sĩ… Riêng đối với bà con nông dân, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng chống rét đậm, rét hại ở các địa phương phía Bắc. Các địa phương thuộc Bắc Bộ, Tây Nguyên, cực Nam Nam Trung Bộ và Nam Bộ cần có các giải pháp phòng chống điều kiện khô hạn trong các tháng đầu năm 2018. Đối với các địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, cần đề phòng xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, lũ quét trong thời gian từ nay đến cuối năm 2017.