Minh "nhựa" nổi danh là vị thiếu gia giàu có, sở hữu bộ sưu tập siêu xe, biệt thự hàng trăm tỷ đồng... Việc Minh "nhựa" đệ đơn ly hôn vợ khiến dư luận đặt câu hỏi: Siêu xe, nhà cửa tiền tỷ của đại gia này sẽ phân chia thế nào?
Mới đây, ông Phạm Trần Nhật Minh (SN 1983), thường gọi Minh "nhựa" đã đề nghị tòa án tuyên bố vợ là bà Nguyễn Thị Phương Thúy (SN 1982) mất tích, sau khi ông này đệ đơn ly hôn.
Bà Thúy là vợ hợp pháp của Minh "nhựa", hai người có ba người con, nhưng từ lâu họ không còn sống chung. Hiện Minh "nhựa" đang chung sống với một người khác và có thêm con nhỏ. Hiện TAND quận 5 (TP HCM) thụ lý vụ án ly hôn trên.
Minh "nhựa" được nhiều người biết đến với thú chơi xe sang và bộ sưu tập xe "khủng" trị giá hàng trăm tỷ. Ngoài xe ra, Minh "nhựa" cũng sở hữu nhiều biệt thự có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Không những vậy, Minh "nhựa" là con trai độc nhất của ông Phạm Văn Mười chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Nhựa Long Thành với doanh thu hàng năm cả nghìn tỷ đồng. Hiện Minh "Nhựa" đang chức vụ Phó Tổng Giám đốc điều hành Nhựa Long Thành... Vậy, nếu ly hôn, số tài sản trăm tỷ của Minh "Nhựa" sẽ được phân chia thế nào?
|
Minh "nhựa" có nhiều siêu xe cùng hàng hiệu, biệt thự hạng sang trị giá hàng trăm tỷ đồng. |
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Quan hệ vợ chồng là quan hệ được pháp luật bảo vệ khi 2 bên nam - nữ tự nguyện kết hôn và đảm bảo các điều kiện để kết hôn.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định về trường hợp chấm dứt hôn nhân bao gồm ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Đối với vụ việc của Minh "nhựa" thì hiện tại được xác định là ly hôn đơn phương, không xác định địa chỉ cư trú của người vợ. Đời sống chung không thể tiếp tục, cuộc sống hôn nhân có mâu thuẫn thì việc yêu cầu giải quyết ly hôn là có căn cứ Theo khoản 1, khoản 2 Điều 68 Bộ luật dân sự 2015."
Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm: "Về vấn đề chia tài sản khi ly hôn được xác định theo nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những tài sản được xác định là tài sản riêng thì vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.
Đối với những tài sản chung thì tiến hành chia theo quy định (thường là 50-50) và có xét đến công sức đóng góp của mỗi bên".
|
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Đồng quan điểm với luật sư Hoàng Tùng, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, việc ly hôn khi một người (vợ hoặc chồng) mất tích và giải quyết vấn đề tài sản chung vẫn sẽ được thực hiện theo quy trình quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.
|
Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
"Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình quy định: Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Như vậy, nếu muốn ly hôn với người bị coi là mất tích, thì người kia phải làm đơn đề nghị Tòa án tuyên bố vợ (hoặc chồng) mình mất tích. Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích thì mới làm thủ tục ly hôn.
Nếu hai vợ chồng có tài sản chung và có yêu cầu chia thì Tòa án sẽ giải quyết. Theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập…
Do có một bên đang được cho là mất tích, nên theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Dân sự hiện hành, phần tài sản được chia của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản" - luật sư Thanh nói.
>>> Xem thêm video: Top những siêu xe cực khủng của Minh "nhựa"