Miệng nhà quan trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

Google News

Dù có hoán đổi tên gọi "nâng điểm" thành "xem điểm", dù có thay thế người đứng ra nhận trách nhiệm thì ai cũng biết rằng sự thật... không phải là như vậy!

Người xưa từng có câu: “Nhà dột từ nóc” và bây giờ vận vào kỳ thi năm 2018 ở Hà Giang nghĩ thật đúng. Bởi, trong 3 tỉnh được phát hiện ra tiêu cực thì Hà Giang chiếm số lượng nhiều nhất.
Điều đặc biệt là có nhiều phụ huynh đã và đang giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại địa phương này. Trong đó có con, cháu của Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang…
Dù có hoán đổi tên gọi "nâng điểm" thành "xem điểm", dù có thay thế người đứng ra nhận trách nhiệm thì ai cũng biết rằng sự thật... không phải là như vậy! Và, liệu tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có phải là kỳ thi duy nhất xảy ra tiêu cực ở Hà Giang hay không?
Mieng nha quan trong vu gian lan thi cu o Ha Giang
Bị cáo Hoài và Lương rất khó thoái thác nhiệm vụ cấp trên "nhờ xem điểm" cho con họ (Ảnh: Trinh Phúc) 
Con cháu những người đứng đầu tỉnh Hà Giang được nâng điểm
Trong số những thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang năm 2018 thì lâu nay chúng ta đã biết được con, cháu của một số nhân vật đáng chú ý như: cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Chúng Thị Chiên;
Phó Chủ tịch Ủy bân nhân dân tỉnh Trần Đức Quý; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang Vương Thị Hà; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Lan Anh; Giám đốc Sở Tư pháp Lại Thị Hương…
Thế nhưng, những ngày diễn ra phiên tòa xét xử vừa qua, dư luận lại thêm ngỡ ngàng khi Viện Kiểm sát công bố tin nhắn của bà Nguyễn Thị Nga, cán bộ của Sở Tài chính nhắn tin nhờ bà Triệu Thị Chính "quan tâm" cho thí sinh Nguyễn Bằng Nguyên.
Có điều bà Nga lại là vợ của ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
Như vậy, nhìn vào những phụ huynh có con, có cháu được nhờ nâng điểm, xem điểm ở Hà Giang thì chúng ta thấy toàn là những lãnh đạo cao cấp của địa phương này.
Trong đó, có người nhà của 2 người đứng đầu tỉnh là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thời điểm năm 2018) sẽ thấy được việc nâng điểm đã “nở rộ” trên một diện rộng tới rất nhiều cơ quan, ban ngành của Hà Giang.
Và, tất nhiên, vụ án này không tìm được dấu hiệu đưa và nhận hối lộ như bên Sơn La và Hòa Bình cũng là điều dễ hiểu.
Những quan đầu tỉnh ăn nói sao với thiên hạ bây giờ?
Khi xảy ra tiêu cực thì ông Triệu Tài Vinh đã nhiều lần chia sẻ với báo chí bằng những lời rất trịnh thượng về việc con mình được nâng điểm. 
Ông nói: “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.
Cuối cùng, con ông Vinh được nâng 5,4 điểm, người đứng ra “nhờ xem điểm” cho cháu là bà Triệu Thị Giang- người vừa bị kỷ luật ở mức khiển trách vì tác động nâng điểm cho cháu (con gái ông Vinh) trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Không chỉ con gái của Bí thư tỉnh ủy mà vợ Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cũng nhắn tin cho bà Triệu Thị Chính để "quan tâm" cho "đứa cháu" của mình.
Thế nhưng, ngày 6/7/2019, tại buổi làm việc với Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang sau khi kiện toàn nhân sự thì ông Nguyễn Văn Sơn đã nhấn mạnh:
“Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018. Tỉnh sẽ xử lý đến cùng những cá nhân liên quan và không có "vùng cấm" trong vụ gian lận thi cử tại địa phương này”.
Ông Sơn còn nêu cụ thể: "Đối với những cán bộ, đảng viên liên quan diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì Ban Thường vụ xử lý. Những cán bộ, đảng viên liên quan thuộc diện Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang thì Ban chấp hành Đảng bộ xử lý.
Riêng đối với những trường hợp bố mẹ của thí sinh được nâng điểm là cán bộ bình thường thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các cơ quan, đơn vị này cũng phải có trách nhiệm xử lý. Tinh thần là xử lý đến cùng, không có vùng cấm”.
Vậy, bây giờ không biết ông Sơn sẽ xử lý vợ của mình thế nào? Không biết có vùng cấm với vợ mình hay không nhưng trong danh sách xử lý kỷ luật ở Hà Giang vừa qua được công bố thì không thấy có tên bà Nguyện Thị Nga- vợ của ông Nguyễn Văn Sơn?
Điều đặc biệt là trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh duy nhất trên cả nước kiêm luôn nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia tỉnh Hà Giang.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh như vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng liên quan đến việc nâng điểm của cháu mình.
Với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, ông Trần Đức Qúy cũng là người nhắn tin nhờ ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang) “xem điểm” cho cháu gái của mình.
Nhưng, không hiểu sao cháu gái của ông Qúy lại được nâng điểm? Đặc biệt, khi được ông Nguyễn Thanh Hoài báo cáo để nhờ can thiệp vào việc mình bị cấp trên làm khó khi nâng điểm cho thí sinh thì ông Qúy đã nhắn tin lại để trả loài ông Hoài là: “OK, có gì để anh bàn với anh Sử”.
Như vậy, ông Trần Đức Qúy đã quá tường tận sự việc từ khi nó còn đang âm thầm xảy ra! Chính vì thế, ngày 18/10 vừa qua, luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính đã đề nghị tòa điều tra mở rộng đối với Trần Đức Qúy.
Ông Hoài và ông Lương có "mọc cánh" cũng không dám trái lời
Những ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, chúng ta thấy bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và bị cáo Vũ Trọng Lương đã gần như nhận toàn bộ trách nhiệm về việc nâng điểm cho 107 thí sinh.
Trách ông Hoài hay ông Lương thì có nhiều điều đáng trách lắm nhưng với chừng ấy cấp trên của mình muốn “xem điểm trước” cho con, cho cháu thì 2 bị cáo này dễ gì từ chối được. Khi rơi vào hoàn cảnh này, dù muốn trong sạch đứng ngoài tiêu cực e cũng là điều rất khó.
Trong số 107 thí sinh được nâng điểm thi trong kỳ thi năm 2018 ở Hà Giang mà chỉ có mình ông Phạm Văn Khuông là đích thân “nhờ nâng điểm” cho con, còn phụ huynh của 106 thí sinh khác chỉ “nhờ xem điểm” thậm chí không hề tác động mà được nâng điểm thi là một điều phi lý vô cùng.
Và, liệu có hay không việc tiêu cực trong kỳ thi năm 2017 như bị cáo Triệu Thị Chính đã đề nghị mở rộng điều tra vẫn là điều còn để ngỏ. Thậm chí nghi vấn nâng điểm vào trường chuyên Hà Giang cũng đã được nhiều người đặt ra trong những ngày xét xử vụ án gian lận điểm thi năm 2018!
Còn nhiều góc khuất trong vụ án nâng điểm ở Hà Giang vẫn đang là dấu hỏi lớn cho dư luận?
Theo Nhật Duy/Giáo dục VN

>> xem thêm

Bình luận(0)