Mạo danh nhà chùa, bán đồ tâm linh thu lợi trăm triệu mỗi ngày

Google News

Với chiêu thức mạo danh nhà chùa, một nhóm đối tượng đã yêu cầu người dân phải nhận các vật phẩm tâm linh với giá từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu. PV Báo Lao Động đã có nhiều tháng thâm nhập trong vai nhân viên và tận thấy chiêu trò lừa đảo, biến hóa đầy tinh vi của hình thức trục lợi tâm linh.

Nghề chốt sale vật phẩm tâm linh
Cuối tháng 11/2020, Báo Lao Động nhận được phản ánh về việc xuất hiện hàng loạt các cuộc gọi bất thường, tự xưng là nhân sự của các chùa như Bái Đính, Tam Chúc,... đề nghị người dân nhận lộc cuối năm là vật phẩm tâm linh bao gồm vòng tay, bùa hộ mệnh, sách tử vi.
 Video: Mạo danh nhà chùa, trục lợi bạc tỉ: Lật tẩy chiêu trò bán vật phẩm tâm linh
Đáng chú ý, tuy gọi là lộc cuối năm nhưng để nhận các vật phẩm này, người dân phải trả phí ít nhất từ 200 ngàn đồng, thậm chí đến tiền triệu.
Đầu tháng 12/2020, trong vai sinh viên tìm kiếm việc làm thêm, phóng viên đã được tuyển dụng vào một đường dây chuyên thực hiện các cuộc gọi kiểu như vậy.
Theo đó, căn hộ chung cư nằm tại khu HH1C Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội), chính là nơi phát đi một lượng lớn số cuộc gọi mời chào nhận vật phẩm tâm linh. Suốt 3 tháng làm việc tại đây, phóng viên đã được đào tạo để trở thành một nhân viên telesale (được hiểu là bán hàng qua điện thoại) đích thực, chuyên chốt đơn bán vật phẩm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, quản lý cơ sở này là Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1986, quê Kim Sơn – Ninh Bình). Đây chỉ là một trong số hàng chục cơ sở đang hoạt động với cách thức tương tự tại Hà Nội và Ninh Bình.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay
Nguyễn Văn Hùng - Chủ cơ sở telesale vật phẩm tại Linh Đàm trao đổi với nhân viên.
Đa số nhân viên tại đây đều là sinh viên trẻ, họ được trả lương theo 2 cách thức, lương cứng 5 triệu đồng/tháng hoặc lương theo đơn, tức 35.000 đồng/cuộc gọi chốt đơn thành công.
Kỳ lạ - đó là cảm giác trong những ngày đầu tiên phóng viên làm việc tại đây. Cả chục con người ngồi tập trung, quây kín xung quanh một tấm bàn. Mỗi người được cấp một tài khoản để truy cập vào hệ thống dữ liệu, nơi chứa toàn bộ tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ liên hệ của người dân.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay-Hinh-2
Nhân viên được tập kết trong một căn hộ chung cư để làm telesale vật phẩm tâm linh, mạo danh người của nhà chùa.
Bất cứ ai lần đầu tới đây, cũng được phát một kịch bản có sẵn với nội dung là người của nhà chùa. Mỗi người một điện thoại, một tai nghe và cứ vậy rì rầm cả ngày các cuộc gọi để chốt đơn.
Dưới đây là điểm chính của một kịch bản:
“Em chào anh/ chị ạ, em là con nhang đệ tử ở chùa Bái Đính, Ninh Bình mà trước đây mình có thỉnh lộc và công đức về cho cửa chùa rồi, không biết mình còn nhớ không ạ?
Hiện tại nhân dịp cuối năm, cô cùng các sư thầy trong nhà chùa có làm khóa lễ tạ để cầu bình an, sức khỏe, công ăn việc làm cho các con nhang phật tử, trong đó có phần lộc của gia đình anh/ chị, phần lộc bao gồm lá bùa bình an, sách tử vi.
Khi nhận lộc, nhà chùa cũng mong gia đình mình vui lòng hỗ trợ nhà chùa chút tiền cước phí vận chuyển và chút tiền công đức để nhà chùa từ thiện cho trẻ em mồ côi nhân dịp cuối năm. Tổng cộng chỉ có 200 nghìn thôi".
Tất cả những người ở đây đều thuộc nằm lòng kịch bản nêu trên. Với duy nhất đồ nghề tác nghiệp là chiếc điện thoại “cục gạch” được cung cấp, chỉ cần khách ở đầu dây kia bắt máy, nhân viên sẽ tuôn nội dung ra mà chẳng cần nghĩ ngợi.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay-Hinh-3
Kịch bản mời chào lấy vật phẩm tâm linh.
Cứ vài tuần, danh sách liên hệ hay còn được gọi với cái tên “data khách hàng" sẽ được thay đổi. Kịch bản cũng vì thế cũng được điều chỉnh theo, khi thì là người của “Chùa Bái Đính”, khi thì “Chùa Tam Chúc" hoặc khi lại là đệ tử của "cô Ngọc Hân", "thầy Minh Tâm",...
Mục đích để người dân trả tiền cho vật phẩm cũng được thay đổi, từ việc từ thiện cho trẻ em mồ côi, đồng bào gặp thiên tai đến tu sửa xây dựng chùa.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay-Hinh-4
Sinh viên trẻ được thuê làm nhân viên telesale.
“Nếu gặp khách nào ngập ngừng, khó tính, phải bảo đây là vật phẩm tâm linh đã được các thầy trong chùa kêu cầu sức khỏe, bình an cho nhà mình rồi, nên chú ý nhận lộc giúp cho nhà chùa, không thì sẽ rất giông” - một nhân viên cho biết.
Bằng cách thức này, hàng nghìn cuộc gọi diễn ra trong căn chung cư khép kín mỗi ngày. Rất nhiều người dân yếu bóng vía, sợ mất tài lộc đã phải bỏ tiền để nhận những vật phẩm từ các cuộc gọi của cơ sở này.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay-Hinh-5
Trong một tháng tổng thu từ bán vật phẩm tâm linh lên tới hơn 300 triệu đồng.
Chỉ tính riêng trong một tháng, theo ghi chép sổ sách tại cơ sở này, tổng thu đã lên tới hơn 300 triệu đồng.
Lừa đảo trắng trợn
Với mỗi lần chốt đơn thành công, người dân phải trả 200.000 đồng để lấy vật phẩm. Theo tìm hiểu PV, những vật phẩm mà cơ sở này gửi cho người dân có giá thực tế rẻ hơn rất nhiều giá mà nhân viên "chốt đơn" với người dân. Cụ thể, 1 bùa hộ mệnh chỉ có giá 1000 đồng/cái, sách tử vi chỉ 23.000 đồng/quyển.
PV đã thử kiểm tra ngẫu nhiên một bộ vật phẩm gửi tới người dân. Ngoài bìa đóng gói ghi địa chỉ được gửi là từ thầy Minh Tâm (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình), số điện thoại liên hệ 0889089xxx.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay-Hinh-6
Một bộ vật phẩm có giá chỉ khoảng hơn 20 ngàn đồng nhưng được bán cho người dân với giá 200 ngàn đồng.
Tuy nhiên, khi gọi đến số điện thoại nêu trên, không hề có bất cứ thầy Minh Tâm nào cả, mà chỉ là cuộc gọi đến chiếc điện thoại nằm ngay trong căn chung cư tại HH1C Linh Đàm.
Hàng loạt các báo cáo, thắc mắc của người dân về các cuộc gọi nhận vật phẩm đã gửi tới các ngôi chùa. Trong đó, Chùa Bái Đính là có tần suất hàng đầu bị mạo danh.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Trụ trì Chùa Bái Đính cho biết: "Nhà chùa liên tục nhận được những câu hỏi từ phía người dân về việc các thầy có trì chú vào vòng, tràng hạt hay mở cung tài lộc, tặng các văn hóa phẩm phật giáo hay không? Nhà chùa khẳng định là không làm việc đó!".
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại đức Thích Nguyên Chính - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội cho biết các chùa không hề có chương trình hay chủ trương bán vật phẩm phong thủy, Phật giáo cho người dân.
Mao danh nha chua, ban do tam linh thu loi tram trieu moi ngay-Hinh-7
Đại đức Thích Nguyên Chính - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
"Giáo hội khẳng định là các chùa không bán các vật phẩm phong thủy hay số tử vi,... Chưa có một chương trình, một văn bản, một chỉ đạo nào của Giáo hội phật giáo về vấn đề này. Đây có thể coi là những người lợi dụng để trục lợi" - Đại đức Thích Nguyên Chính thông tin.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cảnh báo người dân cẩn thận trọng khi tiếp cận thông tin, tránh bị lừa bởi các chiêu trò mạo danh nhà chùa.
Theo Lao Động.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)