Tại cuộc họp giám sát của Quốc hội về vấn nạn xâm hại trẻ em mới đây, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh thông tin, nhiều nước hiện đã phát triển những loại thuốc mà khi tiêm cho kẻ bệnh hoạn sẽ làm triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Bà Khánh cho rằng, Việt Nam cũng có thể làm được như vậy…
ĐBQH Quốc Khánh nói: “Ở các nước, người ta phát triển những loại thuốc mà khi tiêm thuốc này cho người bệnh hoạn sẽ triệt tiêu được ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao cho Bộ Y tế và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam. Chúng ta chỉ xử lý 2-3 ông là xã hội trật tự ngay, không có chuyện nhìn ngó đến phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội”.
|
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. |
Đề xuất này được đưa ra, cũng đã nhanh chóng nhận được ý kiến trái chiều của dư luận. Người đồng tình, nhưng cũng có người cho rằng thuốc chỉ làm giảm ham muốn chứ không làm thay đổi đạo đức đối tượng phạm tội.
Liên quan đến đề xuất này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội).
Thưa đại biểu, đề xuất của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, về việc cần phải tiêm thuốc triệt dâm với những kẻ bệnh hoạn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đại biểu có đồng tình hay có quan điểm khác?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đưa ra đề xuất này, tôi cho rằng đây là ý kiến riêng của đại biểu. Tuy nhiên, về đề xuất này cá nhân tôi không đồng tình.
Bởi, việc triệt dâm các đối tượng phạm tội như vậy sẽ rất khó, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, về dân chủ, dân quyền và quyền tự do của mỗi người. Không thể bắt buộc triệt như vậy được.
Khi người nào thực hiện hành vi đó, đã có luật pháp trừng trị theo quy định của luật Hình sự. Trong thời điểm gây ra, có thể con người phát sinh những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, vi phạm mà dùng thuốc tác động để hạn chế sự ham muốn, triệt tiêu vấn đề sinh sản như vậy thì không nên.
Vì vậy, tôi cho rằng đây là vấn đề nhân văn, cần phải hết sức thận trọng, khách quan. Ai vi phạm thì luật đã quy định rất rõ, còn ngoài ra những vấn đề luật không cho phép mà cố tình làm là không chấp nhận được”.
Có thể, với những nạn nhân và xã hội khi nhìn vào, họ thấy những người gây ra đáng phải bị trừng trị. Nhưng, cần phải nhìn toàn cục, cụ thể vì đối tượng phạm tội cũng còn có gia đình, con cái… Nên, phải cân nhắc.
|
ĐBQH Phạm Văn Hoà không đồng tình với đề xuất này. |
Đề xuất của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh là vấn đề, nhưng còn liên quan đến quy định của luật pháp.
Cũng tại cuộc họp giám sát của Quốc hội về vấn nạn xâm hại trẻ em, ĐBQH Lê Thanh Vân có cảm giác như việc triển khai các đạo luật về phòng, chống xâm hại trẻ em rất trì trệ. ĐBQH đánh giá thế nào về việc xử lý vấn nạn này?
Vừa qua, UBTV Quốc hội cũng đã thành lập các đoàn giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về xâm phạm tình dục trẻ em. Trong đánh giá cũng như báo cáo của UBTV Quốc hội, tôi cho rằng việc xử lý vi phạm về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em còn rất khó khăn.
Ví dụ như vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh trong năm qua còn nhiều ý kiến tranh cãi.
Trong quá trình xử lý hình sự về xâm phạm tình dục trẻ em còn nhiều khía cạnh, còn tính nhân văn, gia đình nạn nhân, nhân chứng… nên việc xử lý cũng gây nhiều khó khăn.
Trong những năm tiếp theo, cá nhân đại biểu mong muốn gì trong việc giải quyết, xử lý những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em?
Trong vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, cần phải có đầy đủ chứng cứ và phải xử lý hết khung trong bộ luật Hình sự để phòng ngừa, răn đe cho những kẻ biến thái hại đời trẻ em, khiến trẻ mặc cảm.
Tuy nhiên, khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng có giám định để đem những trường hợp đó ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Xin cảm ơn đại biểu!
Nên áp dụng cho những kẻ tái phạm nhiều lần
Cũng trao đổi thêm với PV, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho biết: “Đối với những kẻ đã vi phạm nhiều lần, tái phạm thì nên sử dụng biện pháp nêu trên là khả thi. Đây là vấn đề nhân văn, cứu nạn cho nhiều trẻ em gái sau này. Nếu những kẻ đã được giáo dục mà vẫn tái phạm nhiều lần thì nên sử dụng tiêm thuốc triệt dâm. Như vậy, cũng sẽ răn đe được những kẻ bệnh hoạn”.