Độc giả Zing.vn tranh luận gay gắt quanh vụ bác sĩ bệnh viện tỉnh Bạc Liêu nhận tiền, mẹ con sản phụ tử vong; và cán bộ bệnh viện K (Hà Nội) nhận cả tập phong bì của người nhà bệnh nhân trước ca mổ. Vấn đề lương thưởng bác sĩ được nhiều người quan tâm.
Chia buồn với gia đình mẹ con sản phụ tử vong, độc giả Nguyễn Huy Trường cho rằng, hãy ở vị trí người chồng, người cha của đứa trẻ để cảm nhận nỗi đau. Nếu quá trình mổ có sai sót do bác sĩ yếu kinh nghiệm, có thể thông cảm đôi phần. Nhưng nhập viện cả ngày, nằm đau đớn chờ đợi rồi cả hai mẹ con ra đi khi chưa được lên bàn mổ thì lỗi tại ai?
"Tại bệnh nhân sao? Tại bệnh nhân không chịu chờ thêm mà chưa gì đã chết? Vậy mà lãnh đạo bệnh viện và sở y tế còn nói kiểu bao che, phủ nhận trách nhiệm cho nhân viên của mình", độc giả này đặt câu hỏi.
|
Ca phẫu thuật nội soi 3D cho một bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng tại bệnh viện K (Hà Nội) hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: Gia đình & Xã hội. |
Đứng mổ 3-4 tiếng được 100.000 - 200.000 đồng?
Thừa nhận việc bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân là quá sai nhưng Hiền Remi cho hay, không thể mổ liên tiếp được, cần thời gian để vệ sinh và khử khuẩn phòng mổ để đảm bảo không nhiễm trùng. Phòng mổ có hạn nên không phải mổ ở đâu, lúc nào cũng được.
"Dù là sản khoa hay nội, ngoại khoa thì cái khó đoán nhất là diễn biến của bệnh nhân. Cơ thể con người không giống nhau vì thế rất khó chẩn đoán và điều trị. Dù vậy, bệnh nhân có dấu hiệu tiền sản giật nhẹ thì các bác sĩ cũng nên theo dõi sát hơn. Rất chia buồn với gia đình và đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bác sĩ", độc giả Hiền Remi chia sẻ thêm..
Nhận mình làm trong ngành y, bạn đọc tuvanphong cho rằng, cần phân rõ 2 hình thức y tế Công và Tư. Bệnh viện tư là kinh doanh, ai có tiền được phục vụ chu đáo, mọi thứ nhanh gọn, theo đúng y muốn. Còn bệnh viện công, tua trực của ai người đó phụ trách, nhưng bệnh nhân lại muốn chỉ định bác sĩ mổ và tự quà cáp, phong bì cho bác sĩ, thì trách ai?
Theo độc giả này, do thiếu bác sĩ trầm trọng nên mổ trong bệnh viện đều theo trình tự, phải được ký duyệt của lãnh đạo. Cụ thể, bệnh nhân A chưa được lãnh đạo duyệt, mổ cấp cứu, tử vong thì không thể truy cứu trách nhiệm bác sĩ mổ vì chưa được cho phép.
"Bệnh viện công bạn biết bác sĩ nhận lương bao nhiêu không? Hàng tháng lương thưởng, tất cả khoảng 5 - 6 triệu. Một bác sĩ đứng mổ 3-4 tiếng được 100.000-200.000 đồng. Nếu bạn là bác sĩ được người nhà cho phong bì trong hoàn cảnh làm việc trên 50 giờ/tuần, bạn nào có đủ "thanh cao" để nói mình không nhận phong bì?", độc giả này nêu thực trạng và đặt câu hỏi.
'Đừng bòn rút của bệnh nhân đến đồng cuối cùng'
Bức xúc với "lý giải về áp lực và sự cực khổ của bác sĩ", độc giả Tăng Quốc An bàn về chữ "Tín" và cho hay, nếu thấy chưa được lãnh đạo duyệt mổ thì bà Trưởng khoa đừng nên nhận 1 triệu đồng của người nhà sản phụ.
"Theo tôi thấy, rõ ràng là số tiền 1 triệu không hề lay động được "y đức" của vị bác sĩ này. Có thể thấy cách làm việc quan liêu, thái độ hời hợt của bệnh viện đối với bệnh nhân. Phải chăng nếu không có phong bì thì không hoàn thành nghĩa vụ của người bác sĩ?", bạn đọc này gay gắt.
Rồi anh đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, tại sao một ca đẻ tại bệnh viên nhà nước "giá" 1 triệu mà các "bác sĩ" vẫn kêu "gánh nặng lương tháng cao lắm là 5-6 triệu". Bởi, "theo cái giá này thì 3-4 ngày là đủ số tiền đó rồi? Vậy mà vẫn để cho sản phụ nằm chờ chết? Người ta chết rồi trả 1 triệu làm gì?".
|
Bệnh viện trong nội thành Hà Nội quá tải khiến bệnh nhân và người nhà phải ngồi, nằm chen chúc, vật vạ. Ảnh: Lê Hiếu. |
Nhìn nhận việc "đưa và nhận phong bì là chuyện nhỏ", độc giả Trương Hà Tấn cho rằng, nó hợp với thời cuộc và là lời cám ơn của người nhà bệnh nhân tới bác sĩ đi. Nhưng khi bệnh nhân đã nhập viện, đã mặc bộ quần áo bệnh nhân thì từ y tá đến bác sĩ đều phải có trách nhiệm.
Nói về hành vi nhận cả tập phong bì từ người nhà bệnh nhân viện K (Hà Nội), độc giả Nhat Anh Nguyen lập luận, không thể hiểu nổi khi ai cũng nghĩ nhận phong bì là lỗi của các bác sĩ, y tá rồi muốn đình chỉ, đuổi việc họ.
"Sao không ai nhìn lại nhận thức của người dân, khi ai cũng cho rằng phải tiền nong này nọ thì mới khỏi bệnh?", người này đặt câu hỏi.
Trong khi đó, chị Bui Thi Binh bức xúc: "Bác sĩ ở bệnh viện giữa thủ đô mà làm việc thất đức thế. Người bệnh ung thư là người khổ nhất trong các loại bệnh: đau đớn, bi quan, hỏi mấy ai nhìn thấy tương lai khi bị bệnh này không? Mà họ còn bòn rút của bệnh nhân đến đồng tiền cuối cùng?".
Có người nhà từng mổ ở đây nên độc giả này cho hay, một ca mổ phải chuẩn bị rất nhiều loại phong bì: bác sĩ trực tiếp xếp lịch mổ = 5 triệu, gây mê, đến y tá trưởng xếp phòng cho bệnh nhân sau mổ cũng phải 500.000 đồng, rồi sau là người tiêm, thay băng...
Không thông cảm với chuyện lương bổng của bác sĩ, nhiều độc giả phân tích rằng, nghề nào cũng có vất vả riêng. Vì thế, nếu đã chọn nghề thì đừng chọn những mặt tốt đẹp mà hãy chấp nhận cả những mặt tiêu cực của nó.