Thông tin mới nhất về thiệt hại do lũ dữ tại miền Tây tỉnh Yên Bái, tính đến 19h ngày 11/10, mưa lũ đã khiến 22 người chết, mất tích và bị thương (4 người chết (3 người chết ở huyện Trạm Tấu, 1 người chết ở huyện Văn Yên), 11 người mất tích (tại huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ) và 7 người bị thương).
Mưa lũ đã gây thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng do nhiều tài sản, hoa màu bị thiệt hại, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng; 1.108 nhà bị thiệt hại (46 nhà bị sập trôi hoàn toàn, 235 nhà phải di dời người và tài sản, 801 nhà bị ngập nước, 26 nhà bị sạt lở taluy).
|
Lũ dữ càn quét trên địa bàn miền Tây Yên Bái đã khiến 22 người chết, mất tích, bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 120 tỷ đồng. |
Về thủy lợi đã có 3.190m kè bị sạt lở, trong đó có 950m tại huyện Văn Chấn và 2.240m tại Thị xã Nghĩa Lộ; 1 nhà văn hóa ở tổ 1, phường Cầu Thia bị sập hoàn toàn; cầu Ngòi Thia (Thị xã Nghĩa Lộ) đã bị sập 2 nhịp; cầu treo tại xã Hát Lừu, 1 cầu sắt tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu; Sạt lở 1.250m đường giao thông tại Thị xã Nghĩa Lộ. Quốc lộ 32, lý trình 264+274 tại khu vực Đèo Khau Phạ bị sạt taluy dương…
Đáng chú ý trong vụ việc sập cầu Thia trưa ngày 11/10, anh Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú của TXVN tại Yên Bái khi đang tác nghiệp trên cầu Thia, đã bị lũ cuốn mất tích vào thời điểm cây cầu này bị lũ làm sập. Đến thời điểm hiện tại chưa tìm thấy. Do nhiều đất đá củi gỗ trên dòng suối nên công tác tìm kiếm cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Tính đến thời điểm tối ngày 11/10, tại Yên Bái đã huy động nhiều lực lượng với số lượng lên đến 2200 người cùng nhiều phương tiện các loại để tập trung khắc phục sự cố.
Hiện nay, mặc dù trời vẫn đang mưa lớn, nhưng các địa phương vẫn đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm người mất tích và kiểm tra thống kê thiệt hại, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt hại, người dân về nơi ở mới, để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân.
Chiều ngày 11/10, khi kiểm tra tình hình mưa lữ tại thôn Ao Luông, xã Sơn A và hồ thủy điện Văn Chấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, đặc biệt là lực lượng công an, quân sự ứng trực 24/24 giờ nhất là khu vực sông suối, hồ thủy điện Văn Chấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Đỗ Đức Duy cũng yêu cầu công tác cứu hộ phải chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 10 người túc trực ở bên các sông, suối, nhất là đầu nguồn suối Thia nơi mưa lũ từ Văn Yên đổ về; huy động tối đa nguồn lực để tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích đồng thời lên phương án bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các địa phương, các ngành tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; Thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; Nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Chiều 11/10, Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã trực tiếp đến hiện trường một số khu vực tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái.