Hòa Bình: Mưa lũ khiến 9 người thiệt mạng, nhiều người mất tích

Google News

(Kiến Thức) - Do mưa bão lịch sử, tỉnh Hòa Bình đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề khi 9 người thiệt mạng, nhiều tài sản bị hư hỏng, ngập lụt. Chủ tịch UBND tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Hòa Bình
Thông tin mới nhất liên quan đến tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ tại tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm chiều ngày 11/10, số liệu thống kê cho thấy, tại tỉnh Hòa Bình đã có 9 người thiệt mạng, 1 người mất tích, 3 người bị thương, nhiều tài sản, nhà cửa hoa màu bị hư hỏng, cuốn trôi.
Trong đó, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) bị thiệt hại nặng nề nhất với 8 người chết, một người mất tích do lũ cuốn và sạt lở đất. Nhiều diện tích hoa màu tại huyện này bị ngập nước, nhiều nhà dân bị đất sạt lở vào nhà khiến nhiều hộ gia đình phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Hoa Binh: 9 nguoi thiet mang, nhieu nguoi mat tich
Do mưa bão lịch sử, tỉnh Hòa Bình đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề khi 9 người thiệt mạng, nhiều tài sản bị hư hỏng, ngập lụt. Chủ tịch UBND tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn. Ảnh Hoabinh24h. 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Dũng - Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã khiến cho nhiều xã của huyện Đà Bắc bị cô lập, mất thông tin liên lạc.
“Xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các xã Đồng Nghê và Suối Nánh, Đồng Ruộng...Đoàn công tác của UBND huyện Đà Bắc phải đi đường thuỷ tới những khu vực bị thiệt hại nặng nề để khắc phục giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng. Hiện chưa thống kê chính xác được số nhà bị lũ cuốn trôi trên địa bàn huyện Đà Bắc do một số xã bị ảnh hưởng nặng nề đã bị cô lập, mất thông tin liên lạc”, ông Nguyễn Đức Dũng cho biết.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) bị ngập úng nhiều ha hoa màu, khu dân cư. Đặc biệt, tại nhiều khu dân cư thuộc xã Đoàn Kết, Ngọc Lương, Lạc Hưng, Lạc Sỹ đều bị chia cắt.
Báo cáo của UBND huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, nhiều diện tích hoa màu bị ngập, gia súc bị cuốn trôi, nhiều tài sản bị hư hỏng, ngập nhiều nhà dân phải di dời khẩn cấp.
Tại huyện Cao Phong, mưa lớn gây ngập, xói lở nhiều tuyến đường, nhiều nhà bị tốc mái. Thậm chí có nhà bị sập hoàn toàn.
Các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Lương Sơn, tình trạng ngập lụt xảy ra cục bộ, nước lũ dâng cao gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và các công trình thủy lợi.
Báo cáo từ các địa phương cho thấy, hơn 300 hộ dân đã được sơ tán ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Một số hồ đập đang trong tình trạng nguy cấp gồm hồ Cháu Mè, xã Tu Lý (Đà Bắc), hồ Cành, xã Mỹ Hòa (Kim Bôi), hồ Khang Mời, xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), hồ Đại Thắng, xã An Bình (Lạc Thủy), hồ Kem, xã Địch Giáo (Tân Lạc). Lượng nước về hồ Hòa Bình đã giảm, Công ty thủy điện Hòa Bình đang duy trì 7 cửa xả với xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục đóng cửa xả tiếp theo. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn nòng cốt là LLVT đang trực 100% quân số để kịp thời ứng cứu khi xảy ra tình huống.
Công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn
Ngày 11/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm các công trình.
Các công trình hồ chứa: Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt.., các công trình đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, hồ Khang Mời, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, hồ Kem xã Địch Giáo, hồ Rộc Chu, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc...
Các công trình giao thông: Các tuyến đường X2, đường 12B, tuyến C,đường TSA (Bãi Lạng - Bãi Chạo), tuyến Y1, tuyến T (Khoang - Nội), tuyến T (Chiềng - Lốc), Trường Sơn A (Ve - Chám), Quốc lộ 21, Quốc lộ 70B, các tuyến đường tỉnh: 438, 438B, 450... Các tuyến đường sạt lở tại một số điểm gây ách tắc, ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến giao thông tìm kiếm cứu nạn.
Các điểm sạt trượt tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn... xảy ra các điểm sạt lở đất, đá gây thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trưởng các đoàn được giao phụ trách các huyện, thành phố chủ động nắm bắt thông tin diễn biến mưa lũ tại địa bàn được giao phụ trách, để chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó thiên tai. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên nắm bắt, tổng hợp thông tin thiệt hại từ các địa phương báo cáo UBND tỉnh.
Trong cuộc họp khẩn cấp triển khai các phương án tiếp theo ứng phó với đợt mưa bão lịch sử vào chiều 11/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – Nguyễn Văn Dũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCLB & TKCN tập trung chỉ đạo ứng phó với đợt mưa lũ lớn để giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Dũng yêu cầu các địa phương không chủ quan bởi lượng mưa đang tiếp tục tăng cường; lưu ý đối với thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn sẵn sàng chuẩn bị phương án sơ tán dân, không chủ quan với xả lũ.
Với các địa phương đang bị ngập úng, vùng sạt lở chủ động các phương án chuẩn bị sơ tán. Về giao thông, tuyệt đối không để người dân tự ý vượt ngầm tràn khi mưa lũ lớn, tăng cường lực lượng ứng trực và có barie, biển báo ở 2 đầu ngầm. Thực hiện các giải pháp xử lý tình hình hồ đập nguy cấp. Ứng cứu kịp thời đối với các vùng đang bị chia cắt, cô lập…
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)