Lột quần áo bạn, quay clip lên mạng xã hội: Có bị đưa vào trại giáo dưỡng?

Google News

(Kiến Thức) - Một nữ sinh tại Trung tâm Hướng nghiệp thị xã Đông Triều bị bạn học lột đồ ngay tại lớp học, nhiều học sinh quay clip tung lên mạng. Vậy với lỗi này, các em có bị phạt hành chính và đưa vào trường giáo dưỡng?  

Sáng 17/6, một clip được đăng tải lên mạng xã hội facebook ghi lại cảnh một nữ sinh bị bạn học lột quần áo ngay trong lớp học. Đáng chú ý, nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không can ngăn.

Thậm chí có nam sinh còn dí sát điện thoại vào những vùng nhạy cảm để quay clip. Sự việc được cho rằng xảy ra tại Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên thị xã Đông Triều.

Lot quan ao ban, quay clip len mang xa hoi: Co bi dua vao trai giao duong?
Nữ sinh bị lột đồ và quay clip. Ảnh cắt từ video. 

Được biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, cán bộ trung tâm và giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cả nhóm viết bản tường trình và xóa video đã quay. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cùng 2 học sinh đánh bạn đến nhà V.H.T. để xin lỗi. Sau đó các em đã đi học bình thường.

Trao đổi cùng Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, bạo lực học đường không dừng lại ở cảnh báo mà còn đang trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của thế hệ trẻ ngay tại những môi trường giáo dục tưởng như an toàn nhất.

Đây là một điều mà chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc để tìm cách khắc phục. Có thể nói hiện nay văn hoá ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường dường như chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống, giáo dục đạo đức, giáo dục cách hành xử nhân văn cho học sinh của mình.

Điều này dẫn đến một bộ phận các em học sinh đang ứng xử một cách thiếu nhân văn với bạn bè của mình. Thay vì tìm cách can ngăn thì các em lại hò reo, cổ vũ, quay phim và đưa lên mạng xã hội.

Việc ảnh hưởng đối với thể xác và tâm lý của em học sinh bị bắt nạt thì đã rõ, khó có thể đong đếm và định lượng cụ thể. Ở phía đối diện, tương lai của các em học sinh có hành vi sai trái cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dư luận và cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối với các em.

Về mặt hình sự thì phải căn cứ theo các quy định của pháp luật, độ tuổi của các em để xử lý một cách phù hợp. Ở đây dấu hiệu về tội làm nhục người khác đã rõ.

Tuy nhiên theo Điều 12 BLHS (về tuổi chịu trách nhiệm hình sự), nếu các em đều chưa đủ 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ít nghiêm trọng, trong đó có tội làm nhục người khác. Vì học sinh lớp 10 có độ tuổi từ 15 đến 16. Do đó, phải xác định độ tuổi của các em thì mới có thể xử lý.

Nếu các em đã đủ 16 tuổi thì theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự : Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Về mặt hành chính, hành vi vi pham của các em học sinh này có thể bị xử phạt căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) cũng cần phân biệt theo độ tuổi.

Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý (hành vi lột đồ bạn là lỗi cố ý). Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Lot quan ao ban, quay clip len mang xa hoi: Co bi dua vao trai giao duong?-Hinh-2
 Phản ứng phẫn nộ từ một tài khoản facebook. 

Về việc đưa vào trường giáo dưỡng, Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rất rõ đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đó là, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Đối chiếu với các trường hợp trong điều luật nói trên thì thấy hành vi của các em học sinh không thuộc đối tượng bị áp dụng.

Đối với việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì cho dù các em đã có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên do các em chưa đủ 18 tuổi nên cũng không thể áp dụng.

Mặc dù quy định của pháp luật đã rõ, tuy nhiên, nhận thức của các em ở lứa tuổi này cũng còn rất hạn chế. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Thu Hiền

>> xem thêm

Bình luận(0)