Lớp học 15.000 đồng của ông bà Tư ở Sài Gòn

Google News

Cứ đều đặn sáng thứ hai đến thứ sáu, đúng 7h, các em bắt đầu vào lớp. Những người dân xung quanh gọi đây là "lớp học ông bà Tư" - lớp học 15.000 đồng.

Mới hơn 6h sáng, lớp học tình thương ở khu vực làng đại học Thủ Đức, TP.HCM đã rộn rã tiếng con nít nói cười. Cứ đều đặn mỗi sáng thứ hai đến thứ sáu, đúng 7h, các em bắt đầu vào lớp. Những người dân xung quanh gọi đây là "lớp học ông bà Tư".
Các bé theo học ở lớp học 15.000 đồng giữa làng đại học ở Sài Gòn đều theo cha mẹ từ quê lên Sài Gòn. Nhiều gia đình là lao động nghèo, phần lớn không đủ điều kiện cho con đến lớp.
“Họ quê tứ xứ, ai cũng khó khăn, chỉ có mấy đứa nhỏ là tội. Cha mẹ bận rộn, chúng không được đi học, lông bông ngoài đường. Không có cái chữ sợ mai mốt các em khó thành người tốt”, ông Tư chia sẻ lý do mở lớp học nhỏ.
Lớp tình thương ở khu vực làng đại học của ông bà chỉ thu 15.000 đồng mỗi tháng để đóng tiền điện, nước, mua phấn, bút. Nhiều học trò khó khăn, ông cũng không đành lòng thu tiền của các con.
Lop hoc 15.000 dong cua ong ba Tu o Sai Gon
 Lớp học tình thương của ông bà Tư nằm trong khu vực làng đại học, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Nhật Minh.
Hơn 20 năm dạy chữ ở xóm nghèo
Ông Tư tên thật Huỳnh Văn Phê, quê gốc Bến Tre, vợ là Nguyễn Thị Lành, người Mỹ Tho. Mọi người thường gọi họ là ông bà Tư cho gần gũi.
Ông nhớ lại ngày trẻ, vì ở quê không có điều kiện làm ăn, hai vợ chồng đưa nhau lên Sài Gòn làm công nhân cho một công ty gần trường ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau này, công ty chuyển đi, ông bà vẫn bám trụ ở đây vì đã lỡ gắn bó với nghề dạy chữ.
Ông còn nhớ như in ngày mở lớp 15/8/1994, lúc đó hai vợ chồng mới ổn định cuộc sống. Vì thương những đứa trẻ nghèo, hai người bàn nhau tập trung chúng lại để dạy học. Trước đó, bà là giáo viên, ông học tại một trường ở Sài Gòn nên việc truyền dạy kiến thức không khó.
Thuở ban đầu, lớp học ông bà Tư tạm bợ bằng mái lá được dựng lên từ mảnh đất nhỏ công ty cho mượn. Sau này, công ty giải thể, ông bà đi xin từng viên gạch, miếng ván, khúc gỗ để dựng lớp, đóng bàn ghế cho học trò.
Đôi vợ chồng già dựng căn nhà nhỏ kế bên để tiện việc dạy dỗ và đi lại. Dần dần, lớp học được biết đến nhiều hơn, có người tài trợ cho ông bà xây căn nhà vững chãi, ngăn đôi 2 phòng học.
Ông bà Tư chỉ nhận các bé từ 4-5 tuổi đến tiểu học. Các em từ mẫu giáo đến lớp 2 học một phòng, lớp 3, 4 một phòng. Trò nào hết lớp 4, ông sẽ liên hệ với trường Tiểu học Đông Hòa gần đó học lớp 5, rồi tiếp tục lên nữa. Hiện tại, ông bà dạy 60 em.
Lop hoc 15.000 dong cua ong ba Tu o Sai Gon-Hinh-2
 Thầy giáo già đã hơn 75 tuổi nhưng vẫn hàng ngày cặm cụi chấm bài, dạy học cho những đứa trẻ nghèo. Ảnh: Nhật Minh.
Nguyễn Văn Long (11 tuổi), học sinh lớp 3, 4 cho biết em học ở đây từ hồi mẫu giáo.
“Hồi đó, nhà chưa có sổ hộ khẩu nên em không đi học ở trường như mấy bạn. Quá tuổi đi học 1 năm, ông Tư nói ba má cho em tới ông dạy chữ. Năm tới, em được đi học lớp 5 ở trường với các bạn rồi. Sau này em sẽ đỗ đại học rồi trở thành sinh viên như mấy anh chị, mai mốt về dạy lại các em nhỏ ở đây”, Long tâm sự.
Cũng chính từ lớp học nhỏ này, nhiều học trò tìm đến những giấc mơ lớn hơn.
Quỳnh Như, sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - người có nhiều năm học với ông bà Tư - nhớ lại ngay năm 4 tuổi, vì nhà nghèo nên ba mẹ đưa cô tới nhờ ông bà học.
"Đó không chỉ là nơi dạy mình biết đọc, viết. Những lời dạy dỗ, động viên của ông bà từ những ngày đầu tiên giúp mình ấp ủ giấc mơ đại học. Em gái mình cũng từng ở đó, bây giờ đang học lớp 11”, Như tâm sự.
Dạy học đến cuối đời
Trong cuộc trò chuyện, đôi lần ông Tư bùi ngùi vì mình đã tuổi già sức yếu. Cách đây 1 năm, bà Tư ngã bệnh, nhập viện rồi về quê sống, không thể dạy dỗ các em nhỏ cùng ông như xưa.
Ông năm nay cũng đã 75 tuổi, chân tay run rẩy, mắt mờ đi nhiều: “Không biết được đến bao giờ con à! Nhưng ông cũng đã tự hứa với mình, phải dạy đến khi không làm nổi nữa thì thôi”.
Hiện tại, nhiều sinh viên trong đội công tác xã hội của ĐH Quốc gia TP.HCM đến dạy phụ cùng ông. Các bạn phân công, sắp xếp lịch học, tranh thủ thời gian dạy các em nhỏ.
Hoài An, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Một tuần, mình đến đây 2 buổi. Công việc chính là dạy chữ, tâp đọc, tập đếm, làm toán với các bé. Các em ở đây rất tội, hoàn cảnh đáng thương lắm”.
Lop hoc 15.000 dong cua ong ba Tu o Sai Gon-Hinh-3
 Những đứa trẻ ở lớp học ông Tư không chỉ được dạy đọc, viết mà còn được vui chơi thỏa thích những khi cha mẹ đi làm bận rộn. Ảnh: Nhật Minh.
Dù có sinh viên hỗ trợ chuyện giảng dạy, ông Tư vẫn lo không biết tương lai lớp học sẽ ra sao vì phần đất này rồi sẽ phải giải tỏa để xây dựng khu đô thị đại học.
“Tui già rồi, cũng chẳng tiếc gì, chỉ sợ tụi nhỏ phải tới nơi khác rồi lại thất học như trước đây”, ông chia sẻ dự định sẽ gửi gắm lớp học cho Nhà văn hóa sinh viên.
Ông tâm niệm làm gì cũng do cái tâm mình, chỉ mong thanh thản. Bằng khen của các cấp có nhiều mấy nhưng không vui bằng nhìn lũ nhỏ biết đọc, biết viết, biết làm toán.
Với những nỗ lực nuôi dạy học trò trong nhiều năm, vợ chồng ông Tư đã nhận nhiều giải thưởng, bằng khen từ các cấp.
Năm 2004, Bộ GD&ĐT tặng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì ông bà có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục.
Năm 2013, ông bà nhận giải tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn trao tặng.
Theo Nhật Minh/Zing

Bình luận(0)