Lòng tham đã khiến nhiều lãnh đạo Navibank để Huyền Như dắt vào khám?

Google News

(Kiến Thức) - Có lẽ lòng tham đã che mờ con mắt tinh tường của những người từng là cán bộ cấp cao ngân hàng Navibank khiến họ dễ dàng bị Huỳnh Thị Huyền Như dẫn dụ, để rồi vướng vòng lao lý cay đắng, chôn vùi tương lai sự nghiệp trong nhà giam.

Sáng 28/2, TAND TP HCM đã đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) ra xét xử. Vụ án là “phần mở rộng” liên quan tới đại án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.
Đáng chú ý, các bị can được đưa ra xét xử trong vụ án này đều là những người “quyền cao chức trọng”, trong đó có nguyên Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí, những người còn lại là Phó Giám đốc, là trưởng các phòng ban. Có thể nói họ đều là những cán bộ cấp cao, có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực ngân hàng, không phải là những người không biết gì để dễ dàng bị dắt mũi.
Thế nhưng, ngay cả người trong ngành cũng phải ngỡ ngàng khi nguyên cả dàn lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng xộ khám bởi một người phụ nữ chân yếu tay mềm – Huỳnh Thị Huyền Như. Tại sao lại có thể xảy ra chuyện động trời vậy, đôi mắt tinh tường của các cán bộ ngân hàng cấp cao cất ở đâu?
 Dàn nguyên lãnh đạo Navibank tại phiên tòa sáng 28/2. Nguồn: Báo Pháp Luật
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 4/2011, khi biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi vào các tổ chức tín dụng để lấy lãi cao, Huỳnh Thị Huyền Như thông qua Võ Anh Tuấn (đồng nghiệp của Huyền Như) thỏa thuận với Đoàn Đăng Luật (Trưởng phòng nguồn vốn của Navibank) gửi tiền vào ngân hàng nơi Như công tác với lãi suất 16,5 - 22,5%/năm, nhưng ghi trên hợp đồng là 14%. Phần lãi suất ngoài hợp đồng, Như sẽ trả trước cho Navibank ngay khi ngân hàng này chuyển tiền vào tài khoản được mở tại ngân hàng Như làm việc.
Luật báo cáo với một số lãnh đạo Navibank và thống nhất chủ trương chọn một số nhân viên tại Hội sở đứng tên gửi tiền. Lúc bấy giờ, ông Lê Quang Trí là TGĐ Navibank đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tín dụng, thống nhất chủ trương lách luật, cấp tín dụng 1.543 tỷ đồng cho 14 nhân viên đứng tên hợp đồng tiền gửi vào ngân hàng mà Như làm việc để nhằm hưởng lãi suất cao.
Sau khi Navibank gửi tiền vào ngân hàng này, Như chỉ đạo Trần Thị Tố Quyên mang hồ sơ mở tài khoản của 14 nhân viên giao cho Luật. Các nhân viên sau khi ký một số chứng từ đã giao lại cho Như mà không đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản.
 "Siêu lừa" Huyền Như. Ảnh: Vũ Sơn
Nhận được 14 bộ hồ sơ do Luật đưa lại, Như đã thay bằng hồ sơ do mình ký giả chữ ký của các nhân viên Navibank rồi đưa Quyên mang đến phòng giao dịch Võ Văn Tần mở tài khoản tiền gửi. Huyền Như đã chuyển cho Luật 9,4 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng ngay khi ký hợp đồng.
Như làm giả 47 hợp đồng tiền gửi bằng cách giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu và giao cho Navibank một bản. Khi tiền của Navibank chuyển vào tài khoản của 14 nhân viên lập tại ngân hàng đó, Huyền Như liền lập chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản nhằm chiếm đoạt sử dụng riêng.
Tất toán hết các hợp đồng cũ, ông Lê Quang Trí chủ trì Hội đồng tín dụng Ngân hàng Navibank tiếp tục cấp tín dụng cho nhân viên mang 500 tỷ sang gửi tiếp. Huyền Như chuyển lại ngay cho Navibank 15 tỷ đồng tiền lãi ngoài và tiếp tục rút tiền của Navibank để chiếm đoạt. Đến tháng 9/2011, đến hạn tất toán hợp đồng, Như chỉ trả lại cho Navibank 300 tỷ, còn lại chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Trên thực tế, Navibank đã nhận lãi ngoài hợp đồng là 24 tỷ đồng, đây được xem là hành vi sai trái của dàn lãnh đạo Ngân hàng này.
Ở đây có thể thấy rõ ràng, các cán bộ lãnh đạo Navibank lóa mắt trước lãi suất "khủng" mà Huyền Như đưa ra. Hay nói cách khác, lòng tham đã khiến cho con mắt và bộ não của những người được coi là chuyên gia trong ngành bị mù lòa, u mê để rồi dễ dàng chui đầu vào rọ. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, tự đánh mất mình, tự chôn vùi tương lai sáng lạn trong nhà giam.
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)