15 tuổi, hai lần trúng số độc đắc
Đó là câu chuyện của ông Đỗ Hoàng Toàn, hiện 64 tuổi (P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Nhớ lại ký ức của mình, ông nói: 'Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Nhà tôi không giàu. Cha mẹ tôi buôn bán cực khổ mới lo đủ miếng ăn cho 9 anh chị em tôi. Tôi không được học hành đến nơi đến chốn. Học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ - PV) tôi phải nghỉ học để phụ cha bán hàng.
Năm 1970, tôi tròn 15 tuổi. Một hôm, tôi mua 5 tờ vé số từ người đàn bà bế trên tay đứa trẻ.
Lúc phát thanh viên đọc kết quả, tôi nhìn vào vé mình, số thứ 1 rồi liên tục những số sau đều giống y kết quả. Tôi mừng quá. Mình trúng độc đắc rồi. Đã vậy còn trúng thêm 2 vé an ủi nữa. Tổng cộng 3 triệu đồng.
|
Ông Đỗ Hoàng Toàn (hiện 64 tuổi, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Thời ấy tại miền Nam, số tiền này rất lớn, ít người có được. Một công chức lương chưa đến 5000đ/tháng vẫn đủ nuôi vài đứa con ăn học thì 3 triệu này là rất lớn', ông Toàn nhớ lại.
Có tiền, ông Toàn tập tành ăn chơi và có nhiều bạn bè. Đến tháng 12 năm ấy một lần nữa ông tiếp tục trúng số. Lần này số tiền nâng lên 7 triệu đồng.
'Hồi ấy, trên đường phố Sài Gòn có rất ít xe Mercedes vì loại này rất đắt tiền và là niềm mơ ước của nhà giàu. Mỗi chiếc xe có giá 1 triệu đồng. Như vậy 7 triệu của tôi là một tài sản quá lớn phải không anh?', ông Đỗ Hoàng Toàn hỏi chúng tôi.
'Có số tiền lớn trong khi gia đình buông lỏng, tôi cứ thế lao xuống dốc. Hàng ngày tụ tập cùng chúng bạn. Thế rồi một lần về Gò Vấp (Tp.HCM), tôi gặp một số bạn giang hồ chuyên sống bằng dao búa. Chúng thường xử nhau bằng những trận thư hùng tàn bạo lắm. Tôi rất ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu sao chúng có thể làm được những chuyện ấy.
Từ đó, tôi không còn ở nhà phụ giúp cha nữa. Thỉnh thoảng về chỉ với mục đích duy nhất là lấy tiền...', ông nhớ lại.
Nhiều tiền thành con nghiện
Sau khi kết giao với những người bạn trong nhóm giang hồ, ông Toàn càng ngày càng lún sâu vào các tệ nạn.
Ông kể: 'Trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn giang hồ, một đứa hỏi tôi 'mày có dám chơi như tụi tao không?'. Tôi nói: 'Muốn thì cũng muốn nhưng không dám'. Nghe vậy, nó quăng ra trước mặt tôi một viên thuốc màu trắng rồi bảo: 'Mày uống nửa viên rồi sẽ thấy. Nửa viên còn lại cất sau uống tiếp'.
Tôi bẻ nửa viên cho vào miệng. Thế rồi một thời gian sau, tôi dùng nguyên một viên, đến khi quá nặng thì uống một lần cả chục viên...
Tôi bắt đầu nghiện thuốc. Bây giờ bạn bè đã hiện rõ bộ mặt của chúng. Có tiền, có thuốc thì có bạn. Nhưng đã lỡ theo thì phải theo luôn. Được vài năm như thế cơ thể tôi yếu dần, cơn nghiện đã trở nặng.
|
Tuổi xế chiều, ông Toàn dành thời gian làm nhiều việc tốt để chuộc lại lỗi lầm thời trẻ. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Năm 1973, tôi quen một nữ sinh đang học lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ). Tôi đưa cô ấy lên Đà Lạt chơi. Trong những ngày ở bên nhau tôi vẫn tiếp tục sử dụng thuốc nhưng cô ấy không hề biết. Chúng tôi sống chung với nhau những giây phút đẹp nhất của đôi tình nhân. Sau lần đó tôi đưa cô ấy về nhà sống. Năm sau một bé trai ra đời.
Cuộc sống của tôi cứ thế tiếp tục. Hết tiền là về nhà lấy nhưng cha tôi đưa mãi rồi cũng hết (cũng may trước đó, ông cụ đã lẳng lặng lấy bớt một ít để mua nhà nên giờ ông Toàn còn có chỗ ở). Đến năm 1975, tôi càng nghiện nặng'.
Tháng 10/1975 tôi bị bắt vì tội ăn trộm xe đạp. Một người bạn mới gặp trong phòng giam đã rủ tôi phá cửa bỏ trốn. Thế là chúng tôi thực hiện. Nhưng khi thoát được ra ngoài thì bị phát hiện. Lực lượng tuần tra hô dừng lại, tôi vẫn chạy và bị một phát súng vào tay. Tôi được đưa vào bệnh viện cắt mất cánh tay phải.
Sự việc vỡ lở, vợ tôi ôm con bỏ nhà đi mất. Từ đó, bà thay tên đổi họ cho con và không hề tiết lộ gốc tích người cha', ông nói, giọng ngậm ngùi.
|
Ông biểu diễn trồng cây chuối. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Trở lại làm người lương thiện
Tù tội, gia đình tan nát vẫn chưa làm ông thức tỉnh. Ông cùng một người bạn giả đi ăn xin lấy tiền về mua thuốc chích. Cứ thế hết ngày này qua ngày khác. Gia đình như ruồng bỏ ông. Bạn bè, người thân, hàng xóm láng giềng ai nấy đều nhìn ông bằng cặp mắt nghi ngờ khinh bỉ.
'Tôi vẫn mặc kệ. Nhiều năm trôi qua, tôi sống không khác chi con vật. Đến năm 1986, một hôm, thằng bạn tôi lên cơn nghiện. Nó không có tiền mua thuốc nên lấy nước tương chích vào mạch máu dẫn đến chết thảm.
Cái chết của nó đã làm tôi tỉnh ngộ. Đến lúc này tôi mới thấy giá trị của sự sống và quyết định tự mình cai nghiện.
Tôi vào phòng khóa chặt cửa. Cơn nghiện ập đến. Người tôi toát mồ hôi, vật vã nhưng tôi cắn răng cam chịu. Đến lúc không còn chịu được, tôi vào phòng tắm xả nước ướt hết người. Cơn nghiện dịu xuống. Phải mất khoảng 10 ngày tôi mới đỡ và có thể ra ngoài.
Vẫn còn thèm thuốc lắm nhưng đã quyết tâm, tôi lánh xa tất cả bè bạn để không có cơ hội tiếp cận lại với thuốc. Tôi tìm những việc nhẹ để làm rồi trải qua nhiều tháng tôi dần hồi phục. Thể trạng tôi lúc này đã khá hơn.
|
Cái chết của người bạn đã khiến ông tỉnh ngộ. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Tôi tìm việc làm. Tuy còn một tay nhưng tôi chạy được xe ba gác, đạp chở thuê hàng cho khách. Tôi có một mối chở bàn ghế cho đám tiệc. Bà chủ hiểu cảnh ngộ và thương tôi. Buổi sáng tôi ra công viên tập thể dục và ngồi thiền. Sức khỏe ngày một khá lên.
Tôi đọc báo Bình Dương thấy có mục tìm bạn bốn phương. Tôi tham gia và đã tìm được cho mình người bạn đời, bà ấy tên Lê Thanh Thủy. Công việc làm ăn có phần thuận lợi. Bà chủ bàn ghế không may qua đời đã để lại cho tôi toàn bộ mối lái.
Tôi sắm sửa thêm và giờ đây tôi cho các đám tiệc thuê bàn ghế. Hiện tôi đã có được hơn 30 bộ bàn ghế và gần 10 khung rạp. Tôi chở đi giao và vợ tôi đi theo phụ tôi dựng rạp.
Hiện nay, tôi không còn tơ tưởng gì đến ma túy. Cuộc sống của tôi rất hạnh phúc. 2 đứa con với người vợ sau đã lớn khôn. Ngoài công việc mưu sinh, chúng tôi còn làm nhiều việc từ thiện khác và được chính quyền biểu dương.
Tôi cho rằng, ai cũng có một thời lầm lỡ nhưng phải biết khắc phục sự lầm lỡ của mình. Tôi đã làm được và rất hãnh diện về thành quả của mình. Tôi muốn kể câu chuyện của mình ở đây để các thế hệ sau nhìn vào tôi mà tránh vết xe đổ. Mong cho không bạn trẻ nào dại dột, lầm lỡ như tôi ngày xưa. Thế thôi', ông nói.