Ồ ạt xây dựng trái phép ở Nha Trang: Tại sao “quan” không nói được dân?

Google News

(Kiến Thức) - Việc các công trình vi phạm trật tự xây dựng ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận không phải là do thiếu chế tài, cũng không phải do vướng mắc từ thủ tục pháp lý mà là do trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật.

Hàng loạt biệt thự ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đang được xây dựng trái phép, thậm chí được xây dựng cả khi có quyết định cưỡng chế khiến dư luận địa phương vô cùng bức xúc.
Cụ thể, trước tình trạng xây dựng lộn xộn, sai quy hoạch được phê duyệt tại dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, mới đây, ngày 4/9, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 13 quyết định “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với 13 công trình xây dựng sai quy hoạch tại dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho UBND thành phố Nha Trang tống đạt các quyết định đến các đối tượng vi phạm yêu cầu trong vòng 15 ngày (4-19/9) phải khắc phục hậu quả, tự nguyện tháo dỡ công trình. Sau thời gian trên, nếu không thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng sẽ lên phương án và ban hành các quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, hàng loạt biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang vẫn được tiến hành xây dựng, không hề có động thái tháo dỡ.
O at xay dung trai phep o Nha Trang: Tai sao “quan” khong noi duoc dan?
 Nhiều biệt thự tại Ocean View Nha Trang vẫn xây dựng bất chấp lệnh cưỡng chế. Ảnh: Tiền phong
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang do Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nhân II làm chủ đầu tư, có quy mô 69 lô biệt thự từ 1-3 tầng. Trong số 69 lô đất tại dự án có 40 lô xây dựng, nhưng chỉ có 18 lô xây đúng quy hoạch đã phê duyệt, còn 22 lô vi phạm. Trong đó, có 13 công trình xây sai quy hoạch.
Cùng với đó, tại nhiều dự án Khu biệt thự Đường Đệ Tâm Hương tại núi Cô Tiên, phía Bắc thành phố Nha Trang, từ cuối năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các dự án thuộc núi Cô Tiên phải tạm dừng triển khai để đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu, hoàn thiện đồ án quy hoạch 1/2000. Ngày 4/4/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có các văn bản yêu cầu các nhà đầu tư có dự án bị ảnh hưởng bởi phương án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị - dịch vụ và du lịch núi Cô Tiên tạm dừng triển khai thủ tục có liên quan.
Tuy nhiên, chủ nhiều công trình tại khu biệt thự Đường Đệ Tâm Hương (nằm ở sườn núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang) vẫn bất chấp lệnh cấm của tỉnh Khánh Hòa và cho thi công rầm rộ.
Đáng chú ý, ngày 22/10, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã đi kiểm tra thực tế tại dự án Khu biệt thự Đường Đệ Tâm Hương và phát hiện Công ty TNHH Tâm Hương đã tổ chức thi công xong phần thô, đang hoàn thiện 4 căn biệt thự; đang thi công xây dựng 5 căn biệt thự khác. Việc tổ chức thi công các căn biệt thự này đã được Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện từ năm 2018, đã nhiều lần yêu cầu ngừng thi công nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao UBND tỉnh Khánh Hòa đã có lệnh cưỡng chế và lệnh tạm dừng thi công như chủ đầu tư tại các dự án trên vẫn không tuân thủ, phớt lờ lệnh của tỉnh Khánh Hòa?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu ý kiến, hiện nay, việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật xây dựng, Luật nhà ở và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, tại điều 3, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả nêu rõ, hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo, phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng.
Biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Tại điều 15, nghị định trên cũng quy định, phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; Xây dựng công trình sai cốt xây dựng; Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này);
Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
O at xay dung trai phep o Nha Trang: Tai sao “quan” khong noi duoc dan?-Hinh-2
 Mặc dù Sở Xây dựng đã yêu cầu ngừng thi công từ đầu năm 2019 nhưng Công ty TNHH Tâm Hương vẫn hoàn thiện các căn biệt thự. Ảnh: Báo Khánh Hòa.
Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 15 mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau: Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 12 Điều này, sau khi được cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.
“Như vậy, theo quy định tại khoản 5 vào khoản 12 điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì chính quyền địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, chính quyền địa phương và cả một hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa không thể đầu hàng hành vi xây dựng trái phép của một vài doanh nghiệp như trên.
“Hệ thống pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, các chế tài để xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng, kể cả đối với những trường hợp vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt thì vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Luật xử lý vi phạm hành chính, việc xây dựng, luật nhà ở và các nghị định hướng dẫn Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng quy định rất chi tiết về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm, căn cứ và thẩm quyền xử lý vi phạm. Bởi vậy trường hợp để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa phương thì chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, thanh tra xây dựng phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm đó” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Thậm chí, theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam còn có chế tài hình sự để xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng nhà ở trái phép.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 298, Bộ luật hình sự năm 2015, tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được quy định như sau:
Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Là người có chức vụ, quyền hạn; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3.Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, hành vi xây dựng nhà ở trái phép đã bị xử phạt hành chính cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở được quy định tại Điều 343 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể như sau: 1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
“Bởi vậy, việc các công trình vi phạm trật tự xây dựng ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận không phải là do thiếu chế tài, cũng không phải do vướng mắc từ thủ tục pháp lý mà là do trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)